Dòng tiền thông minh 1/4: Tự doanh và tổ chức trong nước cùng rót vốn vào thị trường, khối lượng giao dịch họ FLC tăng đột biến
NĐT cá nhân chuyển bán ròng phiên VN-Index khởi sắc, khối lượng giao dịch ‘họ FLC’ tăng đột biến
Trong phiên hôm qua, VN-Index tăng 0,43% đóng cửa ở mức 1.191,41 điểm, giá trị giao dịch đạt 19.312 tỷ đồng, giảm 6% so với phiên liền trước. Độ rộng thị trường thu hẹp so với phiên liền trước với tỷ lệ cổ phiếu tăng điểm/giảm điểm là 208/221.
Đáng chú ý, giao dịch cổ phiếu họ FLC tăng đột biến, chiếm 22,96% khối lượng giao dịch toàn thị trường. Dữ liệu của FiinPro cho thấy tỉ trọng khối lượng giao dịch của các cổ phiếu họ FLC ( ROS, HAI, GAB, FLC, AMD) trên HOSE tăng lên mức cao nhất trong năm 2021, đạt 22,96% tổng khối lượng giao dịch toàn sàn.
Trong vòng 1 tháng gần đây, FLC là cổ phiếu tăng giá gấp đôi, mạnh nhất trong nhóm, tiếp theo là ART tăng 76,47%, KLF tăng 65,38%, ROS tăng 40%, AMD tăng 30%, HAI tăng 23,81%, riêng GAB giảm 2,55%.
Trong các bên tham gia thị trường, nhà đầu tư (NĐT) cá nhân chuyển vị thế bán ròng 156 tỷ đồng, tuy nhiên họ mua ròng khớp lệnh 695 tỷ đồng.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, nhóm này mua ròng 13/18 ngành, trong đó mua mạnh nhất ngân hàng (CTG, MBB, VPB, VCB, TCB, HDB), thực phẩm và đồ uống (VNM, KDC), dịch vụ tài chính (VCI), bất động sản (VHM, KDH).
Ngược lại, NĐT cá nhân bán ròng 5/18 ngành, bao gồm hóa chất (DCM, DPM), ô tô phụ tùng (TCH), xây dựng và vật liệu (CII, ROS).
Khối tự doanh mua ròng trở lại, tập trung gom PLX và TDM
Khối tự doanh đảo chiều mua ròng nhẹ 4 tỷ đồng trong phiên vừa qua, nhưng khối lượng mua ròng gần 1,7 triệu đơn vị. Trong khi phiên giao dịch trước đó, khối này vẫn bán ròng 436 tỷ đồng.
Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.
Top10 mã thu hút dòng vốn tự doanh, cổ phiếu PLX dẫn dầu với giá trị 72 tỷ đồng, theo sau là TDM (60 tỷ đồng), STB (42 tỷ đồng) và VHM (12,5 tỷ đồng). Cùng chiều, các mã ghi nhận giá trị mua ròng dưới 10 tỷ đồng gồ NKG, SSI, LPB, ACB, DIG, REE.
Top10 cổ phiếu bị khối tự doanh bán ròng, chịu áp lực xả lớn nhất là cổ phiếu HPG (40 tỷ đồng). Bên cạnh đó, khối này còn rút vốn khỏi loạt mã ngân hàng gồm TCB (27,4 tỷ đồng), VPB (14,5 tỷ đồng), VCB (13 tỷ đồng).
Ngoài ra, dòng tiền tự doanh thoái khỏi VNM (13 tỷ đồng), VIC (12,8 tỷ đồng), PET (11 tỷ đồng) cùng một số mã khác như MSN, FPT, MWG.
NĐT tổ chức trong nước mua ròng giá trị 375 tỷ đồng
Cùng chiều tự doanh và NĐT cá nhân, khối ngoại bán ròng 245 tỷ đồng, trong đó 636 tỷ đồng là bán ròng qua khớp lệnh.
Top bán ròng của nước ngoài vẫn là 2 tên quen thuộc gồm cổ phiếu CTG (152 tỷ đồng) và VNM (140 tỷ đồng). Ngoài ra, VRE, VCI và MBB là những cổ phiếu mới nằm trong top nước ngoài bán. Về phía mua ròng, NĐT nước ngoài mua STB, OCB, CII, MSN, NVL.
Ngược lại NĐT tổ chức trong nước mua ròng, đóng góp cho đà tăng của chỉ số. Cụ thể, nhóm này mua ròng 375 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh thì họ mua ròng 70 tỷ đồng.
Trong đó, có 8/18 nhóm ngành thu hút dòng vốn từ NĐT tổ chức trong nước, chủ yếu là bất động sản (FLC, VIC, DXG), thực phẩm đồ uống (MSN, SAB) , hóa chất (DCM, DPM) Phía bán ròng, họ xả cổ phiếu ngân hàng (VPB, MBB, TCB, HDB, VCB), tài nguyên cơ bản (HPG).
Thống kê giao dịch thỏa thuận ngày hôm qua đạt 1.585 tỷ đồng, giảm mạnh so với các phiên trước đó. Top giao dịch đáng chú ý gồm NĐT cá nhân bán thỏa thuận VIC (690 tỷ đồng) cho NĐT nước ngoài (412 tỷ đồng) và tổ chức trong nước 278 tỷ đồng); NĐT cá nhân trao tay lẫn nhau TCB, VPB, NVL, MSN...; Nước ngoài giao dịch nội khối CTG, E1VFVN30; Tổ chức trong nước mua của cá nhân cổ phiếu AGC (97 tỷ đồng).