Khối ngoại rút ròng 14.484 tỷ đồng quý I, Việt Nam vẫn tích cực hơn nhiều thị trường khác trong khu vực
Dòng tiền ngoại rút 14.484 tỷ đồng trong quý I, tương đương 75% giá trị bán ròng 2020
"Xả đồng loạt, kéo dài chuỗi bán ròng" là những cụm từ nhà đầu tư thường thấy khi nói về giao dịch của khối ngoại trong quý đầu năm nay. Theo thống kê của người viết, dòng tiền 14.484 tỷ đồng rút ra khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam trong quý I. Tính riêng giao dịch cổ phiếu, giá trị này lên đến 18.964 tỷ đồng.
Hoạt động bán ròng của khối ngoại tập trung trong tháng 3/2021 với tổng giá trị 11.454 tỷ đồng. Trong đó, hai sàn HOSE và HNX bị rút ròng 11.363 tỷ đồng và 140 tỷ đồng, chiều ngược lại, thị trường UPCoM được mua ròng nhẹ 49 tỷ đồng.
Thống kê trên từng sàn, khối ngoại xả mạnh nhất trên HOSE với tổng giá trị 14.095 tỷ đồng. Tích cực hơn, dòng vốn ngoại chỉ rút nhẹ trên sàn HNX và thị trường UPCoM với giá trị lần lượt là 258 tỷ đồng và 131 tỷ đồng.
Với việc bán ròng cả ba tháng của quý I năm nay, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến chuỗi rút ròng trong 6 tháng liên tiếp. Số tiền NĐT nước ngoài thu về 28.178 tỷ đồng.
Đáng chú ý, xu hướng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam có phần tiêu cực hơn giai đoạn gần đây. Minh chứng là giá trị bán ra có xu hướng tăng dần trong ba quý gần nhất. Số tiền nhà đầu tư ngoại rút khỏi TTCK Việt Nam trong quý I tăng gần 44,6% so với cùng kỳ năm ngoái và tương đương 75% giá trị bán ròng cả năm 2020.
Thông tin thêm, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng nổ vào tháng 2/2020, TTCK Việt Nam liên tục bị bán ròng nhiều tháng liên tiếp với giá trị 35.774 tỷ đồng.
Theo đó, năm 2020 chấm dứt chuỗi ba năm vào ròng liên tiếp. Mặc dù vậy, giá trị bán ròng của khối ngoại năm ngoái và quý đầu năm nay (33.794 tỷ đồng) đang thấp hơn danh mục khối ngoại mua vào trong ba năm qua (77.073 tỷ đồng giai đoạn 2017 – 2019).
Giai đoạn 2011 - 2021, TTCK Việt Nam thu hút dòng vốn ngoại mạnh nhất vào năm 2017 và 2018 (69.673 tỷ đồng). Đây là kết quả từ các thương vụ thoái vốn nhà nước tại Vinamilk, Sabeco. Mặc dù đang chứng kiến giai đoạn rút ròng mạnh nhất trong giai đoạn, về tổng thể, TTCK đang hút dòng vốn ngoại 56.509 tỷ đồng.
Việt Nam bị rút ròng nhẹ hơn nhiều thị trường khác khu vực ASEAN
Trở lại xu thế dòng tiền trong khu vực, TTCK Việt Nam vẫn được xem như tích cực hơn thị trường khác trong khu vực. 3 tháng đầu năm, khối ngoại bán ròng cổ phiếu Việt Nam và thu về 18.964 tỷ đồng (khoảng 810 triệu USD). Giá trị này thấp hơn so với một số thị trường khác trong khu vực như Thái Lan (974 triệu USD), Philippines (912 triệu USD). Tích cực hơn Việt Nam, TTCK Malaysia bị rút ròng nhẹ hơn với 348 triệu USD.
Indonesia là thị trường khởi sắc nhất trong khu vực Đông Nam Á khi đón dòng vốn ngoại 923 triệu USD trong quý I, bất chấp xu hướng rút ròng tại nhiều quốc gia châu Á.
Tại nhóm thị trường phát triển khu vực châu Á, Trung Quốc là điểm đến ưa thích của dòng vốn ngoại với giá trị 221 tỷ USD trong ba tháng đầu năm, theo sau là Nhật Bản (8,8 tỷ USD), Ấn Độ (7,6 tỷ USD). Ngược lại, Đài Loan, Hàn Quốc bị rút ròng 11,6 tỷ USD và 8 tỷ USD.
Quan sát trong thời gian 1 năm gần đây, theo dữ liệu từ Bloomberg, dòng vốn ngoại 1,3 tỷ USD chảy ra khỏi thị trường Việt Nam. Con số này thấp hơn Indonesia (1,6 tỷ USD), Philippines (2,8 tỷ USD), Malaysia (4,3 tỷ USD), Thái Lan (5,6 tỷ USD).
Thống kê trên cho thấy rằng, Việt Nam không nằm ngoài xu hướng rút ròng giống như các thị trường khác trong khu vực. Mặc dù vậy, một số quỹ đầu tư ngoại như Pyn Elite Fund, Dragon Capital, VinaCapital vẫn đang kỳ vọng dòng vốn ngoại sớm trở lại thị trường cận biên này nhờ vào khả năng kiểm soát đại dịch COVID-19, kinh tế vĩ mô ổn định, định giá hấp dẫn, tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp.