Chứng khoán Việt Nam đối mặt rủi ro chính từ tiền rẻ, bong bóng bất động sản
Sáng nay (31/3), tại tọa đàm "Thị trường chứng khoán: Cơ hội, rủi ro và giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững", ông Nhữ Đình Hòa, Tổng Giám đốc Chứng khoán Bảo Việt (Mã: BVS) đã đưa ra những đánh giá về thuận lợi và những khó khăn của nền kinh tế vĩ mô đến thị trường chứng khoán Việt Nam.
Những yếu tố tác động tích cực đến TTCK Việt Nam
Nói về những điểm thuận lợi, ông Nhữ Đình Hòa đánh giá một số yếu tố thúc đẩy thị trường. Thứ nhất, chính phủ tiếp tục quan tâm hỗ trợ tăng trưởng, duy trì chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch COVID-19. Thứ hai, nền kinh tế tăng trưởng khi GDP bật mạnh trở lại từ nền thấp 2020.
Các yếu tố thúc đẩy đà tăng trưởng GDP đến từ sự dịch chuyển của dòng vốn cho tranh chấp địa chính trị hay chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Trong giai đoạn vừa qua, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục gia tăng. Bên cạnh đó, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn và sự thu hút nhà đầu tư nước ngoài rất tốt.
Độ mở của nền kinh tế Việt Nam được đánh giá khoảng 200%. Rõ ràng với xu hướng Việt Nam đã và đang tham gia nhiều hiệp định thương mại trong khu vực và quốc tế, đây có thể là yếu tố tiếp tục thúc đẩy kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong những năm tiếp theo, Tổng Giám đốc của Chứng khoán Bảo Việt đánh giá.
Yếu tố khác là việc thúc đẩy đầu tư công của Chính phủ. "Tôi cho rằng năm 2020 chính phủ đã có rất nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công. Đấy là yếu tố quan trọng trong năm 2020 để GDP Việt Nam có thể duy trì tốc độ tăng trưởng. Đây cũng là giải pháp được duy trì trong năm 2021".
Bên cạnh đó, lãi suất thấp tiếp tục được duy trì. Phần lớn các quốc gia và Việt Nam đã duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ. Áp lực lạm phát không quá cao nên lãi suất thấp tiếp tục được duy trì. Yếu tố tiền rẻ được duy trì sẽ tác động đến thị trường chứng khoán của năm 2021, ông Hòa đánh giá.
Song song với đó, theo Tổng Giám đốc Chứng khoán Bảo Việt, khả năng nâng hạng lên thị trường mới nổi sẽ thu hút vốn đầu tư gián tiếp của các quỹ nước ngoài. Nói thêm về yếu tố này, trong giai đoạn hiện tại, tỷ giá của Việt Nam ổn định, dự trữ ngoại hối cao (100 tỷ USD). Giai đoạn cuối năm 2020, trước áp lực liên quan thao túng tiền tệ, Việt Nam có thể đẩy Việt Nam đồng có giá trị cao hơn. Đây là thể là yếu tố thu hút nhà đầu tư. Khi NĐT nước ngoài đầu tư vào Việt Nam sẽ sợ nhất tỷ giá bị thay đổi.
Yếu tố cuối cùng là nền tảng của các doanh nghiệp. Với lãi suất thấp, rõ ràng lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ tăng trưởng. Nếu so sánh P/E của chứng khoán Việt Nam với một số nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore thấy rằng Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực khá nhiều. Đây là yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.
Những thách thức phải đối mặt: Tiền rẻ, bóng bóng bất động sản, tháo gỡ pháp lý
Song hành với những thuận lợi, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đối mặt với thách thức trong năm 2021. Thứ nhất là rủi ro do tăng trưởng nóng từ yếu tố tiền rẻ.
"Tăng trưởng của TTCK năm vừa qua khá tốt. Thị trường có tăng mãi hay không là câu chuyện, công ty chứng khoán cũng không muốn thị trường tăng mãi, duy trì ở mặt bằng giá hợp lý sẽ tốt hơn", Tổng Giám đốc Chứng khoán Bảo Việt cho hay.
Nói thêm, giai đoạn vừa qua có nhiều cổ phiếu đã vượt đỉnh giá. Mặt khác, thị trường bất động sản vừa qua đã tăng mạnh, đặc biệt là khu vực ngoại ô. Điều này có thể tạo ra bong bóng. Nếu có yếu tố này xảy ra, các chính sách vĩ mô sẽ thay đổi để giảm bớt nhiệt đối với sự tăng trưởng nóng của chứng khoán và bất động sản.
Yếu tố thứ hai liên quan đến việc các chính sách mới có được tháo gỡ hay không?
Năm 2020, sự thay đổi về mặt chính sách không được đánh giá nhiều. Việc tháo gỡ cho thị trường vốn, thị trường tài chính chưa thực hiện được nhiều. Cụ thể liên quan câu chuyện về thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn khá nhiều bất cập. Điển hình, định giá doanh nghiệp liên quan đất đai tiếp tục đưa lợi thế địa lý để xác định giá trị doanh nghiệp. Ngoài ra vấn đề liên quan đến xác định giá trị văn hóa lịch sử vào giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa và thoái vốn.
"Đây là chính sách đặc thù của Việt Nam. Theo hiểu biết của tôi, chưa quốc gia nào tính giá trị văn hóa lịch sử vào vì nhà đầu tư quan tâm đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Đây là tính hấp dẫn để quyết định đầu tư", ông Hòa nói.