|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Quỹ ngoại rút ròng nhiều tháng có phải chỉ báo đáng lo ngại?

11:43 | 31/03/2021
Chia sẻ
Chủ tịch VSD dẫn chứng một số trường hợp bán hớ hay mua sai cổ phiếu của khối ngoại như TCB, HPX hay ROS. Về động thái bán ròng của khối ngoại gần đây, ba lý do được ông Sơn đưa ra gồm sự quan tâm đến tỷ giá, chính sách hỗ trợ của Việt Nam và động thái chốt lời sau thời gian tăng mạnh.

Sáng nay (31/3), tại tọa đàm "Thị trường chứng khoán: Cơ hội, rủi ro và giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững", vì sao nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng trong thời gian gần đây là chủ đề nóng được các nhà đầu tư đưa ra với các chuyên gia.

Liên quan đến chủ đề này, ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) đưa ra một số thông tin dựa trên các cuộc trao đổi trực tiếp với NĐT nước ngoài.

Vì sao khối ngoại ồ ạt rút ròng thời gian gần đây?

Theo ông Sơn, "thứ nhất, sau khi chính phủ Mỹ liệt kê Việt Nam vào danh sách những quốc gia có biểu hiện của thao túng tiền tệ khi thấy tỷ giá của chúng ta có vấn đề. Khi đó NĐT nước ngoài e ngại nếu đúng như vậy sẽ có sự sụt giảm và hơn ai hết NĐT nước ngoài sẽ phải ra hành động sớm."

Thứ hai, NĐT nước ngoài đánh giá những trở ngại của Việt Nam.

"Thực sự các chính sách của chính phủ chúng ta bơm tiền cho doanh nghiệp không nhiều, chủ yếu chúng ta giãn và hoãn. Có nghĩa là chúng ta trì hoãn việc thực thi nghĩa vụ của doanh nghiệp với nhà nước chứ không phải bỏ. Cũng có nghĩa thời điểm doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ sẽ khó khăn trở lại. NĐT nước ngoài cũng tiên lượng vấn đề đó để rút vốn sớm trước thời điểm doanh nghiệp gặp khó khăn trở lại", Chủ tịch VSD cho hay.

Thứ ba, nhà đầu tư nước ngoài chốt lời sau khi thời gian tăng mạnh. Danh mục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài không phải chỉ một vài cổ phiếu mà tối thiểu từ 10 – 20 mã cổ phiếu. Thời điểm khối ngoại vào tiền cách đây từ nửa năm đến một năm, khi VN-Index chỉ loanh quanh 700 điểm và tăng lên gần mốc 1.200 điểm như hiện tại.

"Chẳng nói đến NĐT nước ngoài, nếu tôi mà có đầu tư, thời điểm này tôi cũng ra vốn", ông Nguyễn Sơn nêu quan điểm cá nhân.

Nói thêm, đây là thời điểm NĐT nước ngoài cơ cấu lại danh mục đầu tư, không phải họ bán hết mà đảo danh mục hoặc tạm thời rút vốn ra.

Trước đợt rút vốn vừa qua, NĐT nước ngoài nắm giữ khoảng 22% tổng số cổ phiếu đang lưu hành trên tất cả các mã niêm yết. Gần đây thì tỷ lệ nắm giữ của họ còn 15 -1 8%, tức khối ngoại chỉ giảm vài %. Điều này cũng có nghĩa họ chuyển cổ phiếu thành trạng thái tiền mặt, chứ chưa có nghĩa là họ rút hẳn vốn khỏi thị trường Việt Nam.

NĐT cơ cấu danh mục, chờ cơ hội tốt hơn hoặc chờ khi thị trường điều chỉnh. Bởi các NĐT nước ngoài tiên lượng thị trường chứng khoán Việt Nam thậm chí có thể lên đến 1.400 – 1.500 điểm.

Khối ngoại kỳ vọng đây là một kỳ đầu tư mới khi rổ VN30 có sự thay đổi, thị trường đón nhận nhiều mã cổ phiếu mới tham gia... Nên câu chuyện họ đảo danh mục tôi nghĩa là rất bình thường, ông Nguyễn Sơn cho biết.

"Tôi theo dõi một vài phiên gần đây thì NĐT nước ngoài cũng có biểu hiện mua ròng trở lại, có những phiên mua ròng khoảng 300 tỷ đồng chứ không phải bán ròng liên tục như trước."

Chưa chắc khối ngoại sẽ thành công, nhiều quỹ đã thoát hàng sớm, mất cơ hội

Trong phần trả lời, Chủ tịch VSD cũng đưa ra đánh giá về tác động từ việc bán ròng của khối ngoại đến thị trường. Theo đó, động thái của NĐT nước ngoài cũng chỉ là chỉ báo để tham khảo.

"Chúng ta đừng quá quan ngại với những động thái của nước ngoài vì chưa chắc cứ là nước ngoài thì sẽ thành công. Trên thực tế nhiều cổ phiếu chúng ta thấy khối ngoại thoát hàng rất sớm và mất cơ hội đầu tư, ví dụ HSBC bán TCB khi giá rất thấp hay Dragon Capital thoái khỏi Hải Phát rồi giá cổ phiếu tăng gấp mấy lần, hoăc đơn giản NĐT nước ngoài vào ROS khi giá 220.000 đồng trong khi hiện giờ giá cổ phiếu này chỉ mấy nghìn đồng", ông Nguyễn Sơn nêu.

Theo ông sơn, nhà đầu tư không nên lấy NĐT nước ngoài làm tham chiếu để đầu tư mà cần có một cái nhìn toàn diện. Hiện nay thanh khoản tốt, tính cả thị trường trái phiếu, chứng chỉ quỹ... thì thanh khoản thị trường vào khoảng 1,5 – 2 tỷ USD mỗi phiên. Có hôm thị trường giảm rất mạnh nhưng thanh khoản cổ phiếu vẫn 1 tỷ USD. 

"Cái quan trọng ở đây tôi cho rằng là những cổ phiếu mới vào thị trường sẽ mở ra những cơ hội đầu tư mới. Ở đây chúng ta nói thị trường không phải là cơ hội và thách thức mà là cơ hội và rủi ro. Sự thận trọng cho thấy khi mà thị trường mấp mé ở vùng 1.200 điểm, cứ lên một chút rồi lại xuống", Chủ tịch VSD nhấn mạnh.

Hoàng Linh