Dòng tiền chứng khoán phái sinh ‘tụt áp’ sau khi áp thêm phí, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nói gì?
Ghi nhận giao dịch từ ngày 15 – 21/2, thanh khoản trên thị trường phái sinh giảm mạnh. Điển hình, tổng khối lượng giao dịch chứng khoán phái sinh ngày 15/2 đạt 88.745 hợp đồng, giảm 28,2% so với phiên trước đó. Phiên 18/2, tổng khối lượng giao dịch tiếp tục giảm xuống, chỉ còn 69.879 hợp đồng.
Được biết, kể từ ngày 15/2 bên cạnh phí giao dịch của công ty chứng khoán, nhà đầu tư phải đóng thêm ba loại phí cho Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Hội (HNX) và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD). Liệu đây có phải là yếu tố tác động tiêu cực đến thanh khoản trên thị trường chứng khoán phái sinh.
Để tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi có cuộc phỏng vấn ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN).
Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng chia sẻ về thị trường chứng khoán phái sinh. Ảnh: Phan Quân |
PV: Việc áp phí mới tại HNX và VSD liệu có làm chùn bước nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán phái sinh?
Ông Trần Văn Dũng: Việc áp phí là việc tất yếu vì các hoạt động của Sở Giao dịch và Trung tâm lưu ký cũng phải có một mức phí để hoàn trả chi phí của đầu tư. Đây là câu chuyện rất bình thường. Giai đoạn đầu, chúng ta khuyến khích thị trường phát triển nên được miễn phí. Đến giai đoạn này, thị trường đã phát triển được một thời gian và tương đối ổn định rồi nên chúng ta áp phí.
Trong quá trình xây dựng các mức phí áp dụng, UBCKNN cũng đã tham khảo: một là kinh nghiệm quốc tế, hai là tính toán rất kỹ các điều kiện của Việt Nam, thứ ba là lấy ý kiến rộng rãi tất cả các thành viên của thị trường. Tất nhiên, còn có những ý kiến khác nhau, nhưng đa số các ý kiến là đồng thuận vì nếu không có các ý kiến đồng thuận thì chắc không thể ban hành các văn bản pháp luật quy định về phí. Chúng tôi cho rằng đầu tiên chúng ta phải có những cái đúng với bản chất thông lệ quốc tế. Mức phí đó là cao hay thấp thì phải chờ một thời gian thực hiện chúng ta mới biết được. Cơ quan quản lý sẵn sàng lắng nghe trên thị trường để có những điều chỉnh cho phù hợp.
PV: Khi Thông tư 127 đi vào hoạt động dẫn đến tình trạng khối lượng giao dịch trên thị trường giảm, liệu chính sách của UBCKNN có phải là hạn chế các nhà đầu tư cá nhân và khuyến khích các nhà đầu tư tổ chức?
Ông Trần Văn Dũng: Tất nhiên khi áp phí vào cũng có thể ảnh hưởng đến giao dịch, nhưng tôi không cho rằng đấy là lý do chính dẫn đến việc giảm giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh ở một vài phiên giao dịch. Như chúng ta thấy rằng TTCK phái sinh có đặc thù một phần đầu cơ từ thị trường cơ sở nên nó sẽ hoạt động rất sôi nổi khi chỉ số có biến động mạnh.
Thông thường, thị trường phái sinh hoạt động mạnh hơn thị trường cơ sở. Trong thời gian vừa rồi, giao dịch trên TTCK phái sinh vẫn rất sôi động nhưng không có gì đột biến mà có một vài phiên giảm. Trong 6 – 7 tháng vừa rồi, chỉ số VN-Index đi ngang và rất ổn định. Tôi tin rằng những ngày sắp tới đây thị trường phái sinh hoạt động mạnh hơn, có sự thăng hoa trong những ngày đầu năm.
PV: Ông có chia sẻ gì sản phẩm chứng quyền sắp tới?
Ông Trần Văn Dũng: Hiện đã đầy đủ cả cơ sở pháp lý và hệ thống giao dịch lẫn sự sẵn sàng của các thành viên. Tuy nhiên, theo những quy định về việc phát hành chứng quyền phải dựa trên báo cáo tài chính kiểm toán của các doanh nghiệp niêm yết. Thời điểm đầu năm là thời điểm các doanh nghiệp đang thực hiện kiểm toán nên nếu chờ khi có báo cáo kiểm toán thì phải đến tháng 3 – 4. Do đó, sản phẩm chứng quyền ra đời nếu sớm nhất cũng vào cuối tháng 5, nếu không thì phải sang tháng 6 – 7.
Kể từ ngày 15/2, căn cứ theo Thông tư 127 năm 2018 của Bộ Tài chính, bên cạnh phí giao dịch của công ty chứng khoán, nhà đầu tư phải đóng thêm ba loại phí cho Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Hội (HNX) và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD). Thứ nhất, HNX thu phí giao dịch 3.000 đồng/Hợp đồng tương lai (HĐTL). Tức là với mỗi hợp đồng, nhà đầu tư mất thêm 3.000 đồng nộp cho HNX. Phí giao dịch do công ty chứng khoán thu. Trước thời điểm 15/2, nhà đầu tư không phải đóng loại phí này. Thứ hai, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) thu phí quản lý vị thế. Những vị thế không đóng trong ngày mà nắm giữ qua đêm, VSD sẽ thu 3.000 đồng/vị thế/ngày. Phí quản lý vị thế được tính trong cả ngày nghỉ. Ví dụ, trong trường hợp nhà đầu tư có 10 vị thế mở tại ngày Thứ 6, tổng mức phí quản lý vị thế tính cho 3 ngày Thứ Sáu, thứ Bẩy và Chủ Nhật là 90.000 đồng. Ngoài ra, VSD thu phí quản lý tài sản kí quỹ bằng 0,003% giá trị lũy kế số dư tài sản ký quỹ. Tức là khi nhà đầu tư có tiền nộp kí quỹ, Trung tâm sẽ thu phí tối thiểu 400.000 đồng/tài khoản/tháng và tối đa 2 triệu đồng/tài khoản/tháng. Phí được thu vào cuối tháng khi khách hàng phát sinh số dư tài sản ký quỹ lũy kế cuối các ngày trong tháng. Trường hợp, nếu khách hàng đồng thời nộp và rút hết tiền ký quỹ thành công trong ngày, tương ứng số dư tài sản ký quỹ cuối ngày bằng 0 thì phí quản lý tài sản lý quỹ sẽ không phát sinh trong ngày đó. |