|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Đồng tiền ảo do FBI tạo ra để truy lùng hành vi thao túng thị trường

18:53 | 14/10/2024
Chia sẻ
FBI đã tạo ra một đồng tiền mã hóa có tên NexFundAI để bắt các cá nhân và doanh nghiệp có hành vi thao túng thị trường.

Ảnh minh họa: Fortune.

Theo Fortune, tuần trước, một bản án được công bố cho thấy Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã tạo ra một đồng tiền mới để dụ dỗ những kẻ thao túng thị trường tiền mã hóa. Theo đó, có tổng cộng 18 cá nhân và doanh nghiệp bị cáo buộc hành vi thao túng thị trường tiền mã hóa và đẩy giá đồng tiền một cách giả tạo sau cuộc điều tra của FBI. 

Đây là lần đầu tiên Bộ Tư pháp Mỹ truy tố các doanh nghiệp vì hành vi thao túng thị trường tiền mã hóa. Trước đó, chỉ một cá nhân bị truy tố về hành vi trên là ông Avraham Eisenberg. Người này đã bị kết án vào tháng 4 vì gian lận trên một nền tảng có tên là Mango Markets.

Theo tuyên bố của bà Jodi Cohen, đặc vụ phụ trách văn phòng FBI tại Boston, cơ quan đã thực hiện "bước đi chưa từng có" là tạo ra đồng tiền mã hóa riêng và một công ty giả để có thể bắt giữ những kẻ phạm pháp. 

Ngành công nghiệp tiền mã hóa không còn quá xa lạ với tình trạng thao túng thị trường. Giá của các đồng tiền thường xuyên bị đẩy lên quá cao thông qua những hành vi wash trading (thực hiện mua và bán một cổ phiếu với mục đích cung cấp thông tin sai lệch cho thị trường) của các nhà tạo lập thị trường (market makers). Một ước tính của Forbes dựa trên hoạt động từ 157 sàn giao dịch cho thấy có tới hơn 50% giao dịch là giả tạo. 

Để tìm ra các đối tượng tham gia hành vi “bơm và xả” trên thị trường tiền mã hóa, FBI đã tạo ra một đồng tiền mã hóa với tên gọi NexFundAI hoạt động trên blockchain Ethereum.

Sau đó, FBI đã đến gặp các doanh nghiệp tạo lập thị trường để yêu cầu được sử dụng dịch vụ bơm thổi giá. Một trong những bị cáo đã cho biết công ty mình sử dụng phần mềm tự động để tạo lệnh mua bán trên các sàn giao dịch tập trung nhằm tạo khối lượng giao dịch. 

Trong lần gặp mặt với đặc vụ FBI vào tháng 9, người này đã yêu cầu phải thanh toán trước số tiền là 2.000 USD. Cho đến tuần trước, những phần mềm của nhà tạo lập thị trường này vẫn thực hiện hàng triệu giao dịch giả mạo để đẩy giá. 

Nhiều bị cáo làm việc tại Saitama, một công ty tiền mã hóa có địa chỉ ở bang Massachusetts. Doanh nghiệp này đã thao túng nhiều đồng tiền mã hóa để thổi phồng tổng giá trị vốn hóa lên tới 7,5 tỷ USD. Saitama đã làm việc với Gotbit, một doanh nghiệp khác trong danh sách bị cáo để thổi giá đồng tiền. Bộ Tư pháp cho biết các lãnh đạo của Saitama đã bí mật bán những đồng tiền được thổi giá để thu lợi nhuận hàng chục triệu USD. 

Năm 2019, một nhà đồng sáng lập của Gotbit từng thừa nhận với CoinDesk rằng doanh nghiệp của ông “không hề có đạo đức”. 

Một số bị cáo đang ở các quốc gia ngoài Mỹ như Bồ Đào Nha và Nga. 5 người đã nhận tội hoặc đồng ý nhận tội. Cùng với bản cáo trạng của Bộ Tư pháp Mỹ, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) cũng đệ đơn kiện dân sự chống lại những bị cáo này vì hoạt động tạo lập thị trường vi phạm luật chứng khoán. 

Minh Quang