Chứng khoán Trung Quốc tăng mạnh khiến bitcoin mắc kẹt dưới 65.000 USD
Hút dòng tiền từ bitcoin
Theo CoinDesk, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã có sự phục hồi mạnh mẽ kể từ cuối tháng 9 nhờ một loạt biện pháp kích thích kinh tế của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, đợt tăng đột biến này có thể đang hút dòng vốn khỏi thị trường tiền mã hóa, hạn chế đà tăng của bitcoin cũng như nhiều thị trường chứng khoán châu Á khác.
"Đợt tăng đột biến hiện tại của cổ phiếu Trung Quốc, được thúc đẩy bởi gói kích thích và hoạt động của nhà đầu tư trong tuần lễ nghỉ lễ Quốc khánh, thể hiện một giao dịch rủi ro-phần thưởng được tính toán cho các nhà đầu tư thông minh”, ông Danny Chong, đồng sáng lập của giao thức Tranchess và đồng sáng lập của Hiệp hội Tài sản Kỹ thuật số Singapore, nhận định.
Ngay cả khi phải chịu chi phí chuyển đổi từ tiền ổn định (stablecoin) như USDT thành cổ phiếu Trung Quốc là 3-5% nhà đầu tư vẫn sẵn sàng vì tiềm năng lợi nhuận lên tới 50 - 70%, ông cho biết thêm.
Trong một tháng qua, chỉ số Shanghai Composite đã tăng gần 28%, đạt mức cao nhất kể từ đầu năm 2022. Đồng thời, chỉ số Hang Seng China Enterprises cũng đã tăng 30%, bất chấp mức giảm hơn 6% trong phiên sáng ngày 8/10.
Đợt tăng giá của chứng khoán Trung Quốc diễn ra sau khi Bắc Kinh thông báo về các biện pháp kích thích bao gồm cắt giảm lãi suất, hỗ trợ thanh khoản cho cổ phiếu, bơm vốn vào hệ thống ngân hàng và cam kết hỗ trợ giá bất động sản.
Đợt kích thích khổng lồ, ước tính quy mô lên tới 7.500 tỷ nhân dân tệ được nhiều người cho rằng sẽ tác động tích cực tới giá bitcoin và nhiều loại tài sản rủi ro khác. Tuy nhiên, bitcoin vẫn gần như đi ngang và không thể duy trì trên ngưỡng 65.000 USD hay đạt đến những đỉnh cao mới.
Ngoài ra, những biện pháp kích thích của Bắc Kinh cũng đang hút vốn từ các thị trường chứng khoán châu Á khác. “Chúng tôi đang cắt giảm vị thế mua trên khắp châu Á để tài trợ cho những giao dịch mua vào tại Trung Quốc”, ông Eric Yee, Giám đốc danh mục đầu tư cấp cao tại Atlantis Investment Management ở Singapore, nhận định.
Xu hướng tạm thời
Theo ông Chong, việc dòng vốn dịch chuyển có thể là tạm thời và cuối cùng các nhà đầu tư sẽ lại trở lại với thị trường tiền mã hóa.
“Sự thay đổi này có thể chỉ là tạm thời. Khi đợt tăng giá gần đây của cổ phiếu Trung Quốc đã kết thúc, chúng ta có thể mong đợi sự tái phân bổ vốn của tiền mã hóa”, ông nói.
“Đây là ví dụ điển hiền về tư duy sẵn sàng chuyển đổi giữa các loại tài sản để tối ưu hóa lợi nhuận”, ông Chong cho biết thêm.
Các nhà phân tích thị trường truyền thống tin rằng biện pháp kích thích mới nhất của Bắc Kinh không giải quyết được các vấn đề kinh tế và có thể không dẫn đến đợt tăng giá lâu dài cho cổ phiếu Trung Quốc.
“Nhìn rộng hơn, các hiệu quả của các biện pháp có thể hạn chế trừ khi một số vấn đề cơ bản trong nền kinh tế được giải quyết. Vấn đề lớn nhất là sửa chữa bảng cân đối kế toán của các ngân hàng”, TS Lombard nhận định.
“Cho đến khi những vấn đề này được xử lý, những nỗ lực nhằm thúc đẩy hoạt động cho vay và đều có khả năng thất bại”.
TS Lombard cho rằng các biện pháp kích thích mới nhất chỉ tương đương 1,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc, so với quy mô 32% vào năm 2008 và 22% vào năm 2015 - 2016. Quy mô này cho thấy tác động lan tỏa từ các biện pháp kích thích mới có thể không lớn.
BCA Research cũng đưa ra ý kiến tương tự vào tuần trước, cho biết đợt tăng giá cổ phiếu Trung Quốc có thể sẽ không kéo dài.
Trên thực tế, sau khi các quan chức Bắc Kinh đã không công bố gói kích thích tài khóa lớn trong cuộc họp báo ngày 8/10, chứng khoán Trung Quốc đã hụt hơi.
Chỉ số CSI 300 nhảy vọt 11% khi thị trường mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ lễ, nhưng đến khi chốt phiên chỉ còn cao hơn mức tham chiếu 5,93%. Hang Seng China Enterprises Index, thước đo cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại Hong Kong có lúc sụt 11% nhưng đã lấy lại được một số mất mát và chỉ còn giảm gần 8% khi sắp kết phiên.