|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Đồng 'room' vàng lấp lánh

07:26 | 31/10/2022
Chia sẻ
“Room” tín dụng đã trở nên lấp lánh trong mắt không chỉ các ngân hàng mà còn cả từ phía khách hàng. Từng “đồng” room được nới còn quý hơn vàng ở thời điểm hiện tại.

 

Nguồn: freepik.

Những ngày qua có lẽ room tín dụng đã trở thành một trong những tiêu điểm trong các câu chuyện thường ngày của giới kinh doanh nhưng cũng không quá ngạc nhiên khi bắt gặp trong các nhóm trà đá vỉa hè.

Từ một thuật ngữ chuyên môn của giới banker thì nay độ phổ biến của nó lan rộng, đến cả những tài xế taxi hay bà chủ quán tạp hoá cũng biết ngân hàng đang căng thẳng vì room tín dụng. Đâu đó sẽ bắt gặp câu chuyện anh nhân viên văn phòng A không thể vay được tiền mua xe hay công ty B không kịp giải ngân đúng hạn để trả nợ cho đối tác,.... Tất cả đều xoay quanh câu chuyện room tín dụng của ngân hàng.

Trong khoảng thời gian trước, khi nhu cầu tín dụng ở mức bình thường, thậm chí giảm mạnh trong đại dịch, người ta không mấy quan tâm về room, nhân viên kinh doanh các ngân hàng phải miệt mài tìm khách, cạnh tranh nhau tới từng khách hàng.

Nhưng thời nay đã khác. Ngân hàng vẫn phải đi tìm khách nhưng là "đãi cát tìm vàng".

Khi room tín dụng nhỏ giọt, ngân hàng càng phải cân nhắc cẩn trọng hơn cho bài toán đầu ra của vốn sao cho vừa đảm bảo được lợi nhuận lại vừa giảm thiểu rủi ro. Do đó, điều kiện phê duyệt các khoản vay cũng sẽ khó hơn, mục đích sử dụng vốn, phương án đầu tư kinh doanh phải hợp lý và có tính khả thi cao.

Việc đi vay ngân hàng không còn dễ dàng với những người có nhu cầu. Thay vì có thể lựa chọn không bank X thì bank Y như trước đây thì giờ đây người vay còn phải tự tìm thông tin ngân hàng nào còn room, ngân hàng nào có chủ trương giải ngân các khoản vay phù hợp với mục đích của mình. Bên cạnh đó, họ cũng phải chấp nhận mức lãi suất cao hơn, chấp nhận "bán bia kèm lạc" với các khoản mời bảo hiểm.

Cơn khát nới room lên tới đỉnh điểm vào cuối quý II và trong suốt quý III. Nhiều ngân hàng đã gần ‘cạn' room tín dụng vào những ngày cuối tháng 5, chỉ có thể cho vay cầm chừng. Tăng trưởng tín dụng thời điểm đó đạt 7,75% (tới ngày 27/5/2022), mức cao nhất trong 10 năm qua, gấp đôi con số của cùng kỳ năm ngoái.

Phó Tổng Giám đốc ABBank từng cho biết tính đến hết tháng 6, ngân hàng đã sử dụng 99% hạn mức tín dụng được cấp đầu năm và kỳ vọng sớm được nới room để có thể giải ngân mới cho khách hàng. Một số ngân hàng như Techcombank, TPBank,... đã phải cân đối lại cơ cấu cho vay của mình bằng cách bán bớt danh mục trái phiếu doanh nghiệp để có thêm "room" giải ngân.

Thời điểm đó, ngay cả “ông lớn” lão làng Agribank cũng phải đánh giá 1% room còn lại cho nửa cuối năm là một bài toán rất khó cho ngân hàng.

Sau nhiều tháng chờ mong, ngày 7/9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát đi thông tin chính thức điều chỉnh hạn mức tín dụng cho nhiều ngân hàng trên cơ sở kết quả xếp hạng theo Thông tư 52 và một số chủ trương, định hướng điều hành của Chính phủ, NHNN.

Trong đợt nới room này, mà nói chính xác hơn là phân bổ thêm room tín dụng, hạn mức tăng trưởng tín dụng được nới thêm của các ngân hàng là từ 0,7% đến 4%. Sacombank là ngân hàng được nới room cao nhất là 4% (từ 7% lên 11%). Từng “giọt” room được nới ở thời điểm này còn quý hơn vàng với các tổ chức tín dụng.

 Hiệu chỉnh đồ hoạ: Alex Chủ.

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) ước tính lượng room tín dụng được phân bổ trong đợt này đạt xấp xỉ 175.000 tỷ đồng. Khi so sánh với con số tăng trưởng tín dụng tới 26/8 (đạt 9,91%), các chuyên gia cho rằng vẫn còn có thêm một đợt nới room nữa trong nửa sau của quý IV/2022.

“Thị trường vẫn còn dư địa trong hạn mức tăng trưởng tín dụng 14% kế hoạch năm nay và kỳ vọng sẽ có thêm một đợt phân bổ room tới các ngân hàng từ nay đến cuối năm”, bộ phận phân tích của VDSC nhận định.

Tuy vậy, hạn mức tín dụng vừa được rót xuống có vẻ không đủ dùng cho nhu cầu tín dụng thực tế đang tăng cao ở thời điểm hiện tại. Các ngân hàng phải gạn lọc những hồ sơ tốt nhất để phê duyệt và giải ngân.

"Chúng tôi sẽ ưu tiên trước với những khách hàng đã được cấp hạn mức tín dụng và sau đó mới xét tới những hồ sơ vay sau. Nhưng hạn mức được cấp thêm lần này có lẽ sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn có xu hướng ngày càng tăng về cuối năm của khách hàng", phó TGĐ một ngân hàng cổ phần lớn chia sẻ với chúng tôi.

Lựa chọn đau đầu của các nhà điều hành

Nửa cuối tháng 9, NHNN đã tổ chức một cuộc họp đặc biệt kéo dài 7 tiếng đồng hồ để chia sẻ với đại diện các ngân hàng, công ty tài chính về chủ trương điều hành chính sách tiền tệ và đặc biệt là việc cấp room tín dụng trong năm nay.

Thông điệp được đưa ra từ phía nhà điều hành là NHNN sẽ ưu tiên việc ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá và việc nới thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng toàn ngành là khó xảy ra trong năm nay do nền kinh tế Việt Nam đang phải chịu áp lực lớn từ thị trường quốc tế.

Cũng tại cuộc họp này, quan điểm điều hành của NHNN đã nhận được sự nhất trí và đồng thuận của lãnh đạo các tổ chức tín dụng. Điều đó hàm ý rằng chúng ta phải sống chung với thời cuộc, phải chấp nhận việc hạn chế room tín dụng để kiểm soát lạm phát và ổn định tỷ giá.

Giới chuyên gia đã cảnh báo về cuộc đua lãi suất nếu room tín dụng được nới lỏng, điều đó dẫn đến vòng xoáy lạm phát, tỷ giá.

Cuối tháng 9, số liệu từ WiGroup, công ty chuyên cung cấp dữ liệu thị trường, cho thấy mặt bằng chung lãi suất của các ngân hàng lớn đã tăng khoảng 1,1 điểm %, đối với các ngân hàng nhỏ hơn, ít áp lực hơn, lãi suất tăng khoảng 0,5 điểm %.

Founder & CEO WiGroup, ông Trần Ngọc Báu dự báo mặt bằng chung lãi suất sẽ tăng khoảng 0,5 điểm % từ nay đến cuối năm do áp lực tỷ giá (đến thanh khoản và thị trường 2) và chênh lệch tín dụng -  huy động tăng cao.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cũng cho hay hệ số sử dụng vốn của hệ thống ngân hàng Việt hiện ở mức rất cao, khoảng 100%, nghĩa là đã sử dụng hết vốn huy động để cho vay. "Nếu nâng tăng trưởng tín dụng thêm vài %, nguy cơ rất lớn ảnh hưởng đến thanh khoản hệ thống, mặt bằng lãi suất lập tức sẽ dâng lên", ông nói.

Hạn chế tín dụng trong thời điểm nhu cầu vay vốn tăng cao là bài toán khó cho cả người bán (ở đây là bank) và người mua (người vay) và cũng là lựa chọn “đau đầu” của các nhà điều hành. Nhưng có lẽ ở thời điểm hiện tại, đây là sự lựa chọn an toàn nhất.

Xin dẫn lại nhận định của chuyên gia kinh tế TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn - Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia: "Chúng ta mong muốn vĩ mô ổn định trong dài hạn thì dứt khoát phải kiểm soát room tín dụng chặt chẽ hơn nữa. Các doanh nghiệp không nên chỉ tập trung vào vốn tín dụng từ ngân hàng mà nên huy động vốn thêm trên các kênh khác như trái phiếu, cổ phiếu,…”

Trích Đặc san "Người Tiên Phong" - Số tháng 10/2022 - Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam 

Diệp Bình

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định sẽ không buông bỏ VinFast và tiếp tục hỗ trợ 1 tỷ USD
Theo quan điểm của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, VinFast là dự án làm vì trách nhiệm xã hội, muốn đóng góp cho đất nước một thương hiệu, top đầu về xe trên thế giới.