|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cho vay tiêu dùng cần cơ chế room tín dụng riêng

07:43 | 19/10/2022
Chia sẻ
Dư nợ tài chính tiêu dùng chỉ chiếm 1,3% trên tổng dư nợ toàn nền kinh tế, nếu áp tỷ lệ tăng trưởng theo tỷ lệ chung thì mức tăng trưởng của các công ty tài chính rất thấp, đại diện một công ty tài chính tiêu dùng cho hay.

Đề xuất room tăng trưởng xây dựng trên cơ sở số tuyệt đối thay vì tỷ lệ %

Tại hội thảo“Tín dụng tiêu dùng: Kênh dẫn vốn hiệu quả với người yếu thế”, ông Lê Quôc Ninh, Tổng Giám đốc Công ty tài chính TNHH MB Shinsei (Mcredit), đề xuất đối với NHNN về công tác xây dựng room tăng trưởng đối với hoạt động cung cấp tài chính tiêu dùng. Theo ông, cần có cơ chế riêng đối với đối tượng khách hàng yếu thế.

“Khi tính toán room tăng trưởng tín dụng hàng năm, tôi đề xuất NHNN xây dựng trên cơ sở số tăng trưởng tuyệt đối thay vì tỷ lệ phần trăm. Dư nợ tài chính tiêu dùng chỉ chiếm 1,3% trên tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Nếu áp tỷ lệ tăng trưởng theo tỷ lệ chung thì mức tăng trưởng của các công ty tài chính rất thấp, do đó tôi đề xuất áp mức tăng trưởng tuyệt đối”, ông Ninh phát biểu.

Ngoài ra, khi áp dụng một số phân khúc khách hàng có dư nợ nhỏ. NHNN đang yêu cầu các công ty tài chính giải ngân cho vay tiêu dùng dưới mức 20 triệu đồng thì không tính vào dư nợ nhỏ.

Với mức dư nợ nhỏ này thì đây là nhu cầu vay phục vụ cho cuộc sống hàng ngày, vì vậy ông đề xuất cần có cơ chế riêng để không tính vào mức tăng trưởng tín dụng cho những khoản vay nhỏ này.

Về thực tế triển khai tín dụng tiêu dùng cho người yếu thế ông Nguyễn Thành Phúc, Phó Tổng Giám Đốc công ty tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE Credit) có đề xuất mong muốn NHNN xem xét điều chỉnh tỷ lệ cho vay tiền mặt của các công ty tài chính phù hợp với tình hình hoạt động cụ thể, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu vay tiền mặt của công nhân vẫn rất cao, chưa thể đáp ứng đủ.

Ngoài ra, ông có đề xuất Chính phủ và các bộ ngành liên quan hỗ trợ, sửa đổi và hoàn thiện hệ thống văn bản, hành lang pháp lý, tăng cường, thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong các hoạt động tài chính, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng chính thức của người dân.

Đồng thời, thông qua công nghệ và xem xét tạo điều kiện cho các công ty tài chính được kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia để giúp công ty tài chính định vị khách hàng mục tiêu dễ dàng hơn đồng thời giúp việc thẩm định, đánh giá khách hàng được chính xác, tiết kiệm nguồn lực cho các tổ chức tín dụng cũng như cả xã hội.

Đối với các hành vi cố ý chây ì, trốn nợ, cần nâng cao mức chế tài và xem xét khả năng hình sự hóa hành vi này nếu chứng minh được dấu hiệu cố ý trốn tránh nghĩa vụ trả nợ và đẩy mạnh phổ cập kiến thức tài chính, nâng cao hiểu biết về pháp luật cho người yếu thế, đặc biệt tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp, nông thôn…

Tính đến 30/9, dư nợ cho vay tiêu dùng đạt 145.000 tỷ đồng

Phát biểu tại hội thảo, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết tài chính tiêu dùng là một trong những chủ trương lớn trong hoạt động của hệ thống ngân hàng, khẳng định được vai trò, hiệu quả và thị phần trong sự phát triển chung của thị trường tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam.

Đến ngày 30/9, dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tiêu dùng đạt khoảng 145.000 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cuối năm 2021, chiếm gần 6% dư nợ cho vay tiêu dùng của hệ thống và chiếm 1,3% dư nợ toàn nền kinh tế.

Thị trường Việt Nam đã có 16 công ty tài chính được NHNN cấp phép hoạt động với 17 chi nhánh, 41 văn phòng đại diện và 74.000 điểm giới thiệu dịch vụ, phục vụ khoảng 30 triệu khách hàng trên toàn quốc.

  Phó Thống đốc Đào Minh Tú phát biểu tại Hội thảo (Nguồn: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ)

Đến nay, chính thức có 4 tổ chức tài chính vi mô với dư nợ hơn 10.000 tỷ đồng, 75 chương trình, dự án tín dụng vi mô ở các địa phương ở 35 tỉnh, thành phố. Tất cả những loại hình này đang là kênh cùng với các công ty tài chính tiêu dùng tạo điều kiện cho những người dân yếu thế tiếp cận được dịch vụ tài chính, tiếp cận được vốn vay để phục vụ nhu cầu cấp thiết trong cuộc sống. 

Theo Phó thống đốc, phát triển tín dụng tiêu dùng là một xu hướng tất yếu, tuy nhiên phải đảm bảo được sự lành mạnh. Đây là hai yếu tố đi cùng với nhau. Người dân, nhất là những người yếu thế, những người có thu nhập thấp, rất cần vay vốn để phục vụ những nhu cầu rất bức thiết.

Nếu những đối tượng này không có tài sản bảo đảm, không có điều kiện vật chất để thế chấp cho những khoản tiền vay, mặc dù những khoản tiền này là không lớn. Cần giải quyết hài hoà vấn đề này một cách thoả đáng thì tài chính tiêu dùng mới phát triển một cách thực sự lành mạnh, ổn định. 

Phó thống đốc gợi ý một số nội dung liên quan đến xu hướng, hiệu quả của tài chính tiêu dùng, cơ hội phát triển và khó khăn, thách thức đồng thời phân biệt bản chất hoạt động công ty tài chính tiêu dùng được NHNN cấp phép, quản lý và công ty tài chính khác.

Ngoài ra, một nội dung khác được Phó thống đốc đề cập đến là gói hỗ trợ triển khai gói tín dụng 20.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi cho công nhân lao động theo thỏa thuận của hai công ty tài chính tiêu dùng HD Saison, FE Credit và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.

“Trong 6 tháng tới, nếu gói hỗ trợ này cho kết quả tốt, toàn bộ 16 công ty tài chính tiêu dùng cũng có thể triển khai theo mô hình trên. Có sự tham gia của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, rủi ro sẽ giảm đi, lãi suất cũng thấp hơn. Tôi tin chắc gói tín dụng này sẽ hiệu quả”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Huyen Vi

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).