|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tổng Thư ký Quốc hội: Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về lãi suất và tiếp cận nguồn tín dụng

15:20 | 10/10/2022
Chia sẻ
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, trong bối cảnh lãi suất tăng cao, thiếu quy định về trần lãi suất, có những khoản vay lãi suất cao, siết room tín dụng,…doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn cả về lãi suất cả về tiếp cận nguồn tín dụng.

Tại phiên họp thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 10/10, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh cần quan tâm hơn tiến độ triển khai chính sách hỗ trợ hoạt động cho doanh nghiệp, môi trường đầu tư kinh doanh.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Ông Bùi Văn Cường cho biết, thời gian qua, nhiều cơ chế, chính sách được ban hành để phục hồi, phát triển kinh tế, nhất là hỗ trợ đối với doanh nghiệp, tuy nhiên, một số nội dung còn đang chậm triển khai như về giải ngân vốn đầu tư công, gói tín dụng hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp,…

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, trong bối cảnh lãi suất tăng cao, thiếu quy định về trần lãi suất, có những khoản vay lãi suất cao, siết room tín dụng,…doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn cả về lãi suất cả về tiếp cận nguồn tín dụng.

Đây là những vấn đề được nhiều doanh nghiệp phản ánh. Ông Cường đề nghị cần làm rõ hơn trong báo cáo; cùng với đó là đánh giá về môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta cũng cần được quan tâm.

Khó khăn về vốn cũng là vấn đề vừa được các chuyên gia, doanh nghiệp thảo luận mới đây tại tọa đàm: "Chính phủ và doanh nghiệp: Đồng hành vượt khó" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức.

Tại tọa đàm, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên nhấn mạnh doanh nghiệp hiện nay rất khát vốn.

"Ba năm vừa qua ngưng tụ nhiều chiều, chúng ta có tiếp tục bơm vốn không trong khi lạm phát cũng là nguy cơ thường trực, lãi suất thế giới cao ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái từ đó tác tác động đến xuất nhập khẩu. Nhưng lúc này không tập trung cứu doanh nghiệp thì nền kinh tế có nguy cơ đánh mất thành quả và chậm nhịp, lỡ thời cơ", ông nói. 

Vị chuyên gia nhắc lại việc tháo gỡ vốn cho doanh nghiệp phải tập trung hàng đầu, cần căn cứ vào dự án cụ thể, nếu theo thủ tục hành chính chung sẽ rất khó. Lúc tình thế bất thường phải hành động khác thường.

Cũng tại tọa đàm, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đồng tình cho rằng vốn là vấn đề trọng yếu đối với doanh nghiệp. Vốn là vấn đề tồn tại hay không tồn tại đối với doanh nghiệp. 

Đại diện VCCI nêu quan điểm, hiện tại gỡ bài toán về vốn vừa là điểm nghẽn, điểm nóng vừa là câu chuyện khó nhất đối với Chính phủ trong điều hành kinh tế.

"Chúng ta có thể thấy rằng, trong điều hành kinh tế, cũng như đối với doanh nghiệp, điều sợ nhất là những "cú phanh gấp", tức là những chính sách không lường trước được. Chúng ta phải rất khéo léo, rất thông minh để giải bài toán này. Giai đoạn COVID-19, chúng ta đã giải tốt bài toán khó rồi nhưng tôi cho rằng sắp tới đây giải bài toán này cũng không hề đơn giản. Tôi kỳ vọng Chính phủ sẽ có quyết sách đặc biệt", ông Phạm Tấn Công nói.

Về phía doanh nghiệp, ông Hồ Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn CMC thừa nhận nhu cầu vốn của đại bộ phận doanh nghiệp đang rất thiếu, vì thế cần có khuôn khổ pháp lý hỗ trợ để khai thông dòng tiền.  

Về vấn đề hạn mức tín dụng, tại phiên thảo luận tổng thể, thuộc khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế xã hội 2022, ngày 18/9, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà cho biết vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%, vì nới thêm sẽ ảnh hưởng tới thanh khoản hệ thống, mặt bằng lãi suất cũng tăng. 

Trước đó, đầu tháng 9, bốn "ông lớn" ngân hàng và một số nhà băng tư nhân có sức khoẻ tốt đã được NHNN cấp thêm hạn mức tín dụng 1-4%. 

Trong báo cáo cập nhật mới nhất từ Công ty chứng khoán VNDirect hôm 5/10, 4 ngân hàng gồm VPBank, HDBank, MB và Vietcombank vừa được điều chỉnh thêm hạn mức tín dụng cho năm 2022. Đây cũng là các ngân hàng đã tham gia cơ cấu lại các tổ chức tài chính yếu kém theo chủ trương của NHNN.

Theo VNDirect, sau đợt điều chỉnh này sẽ có thêm khoảng 83.500 tỷ đồng được đưa vào nền kinh tế. Tuy nhiên khối phân tích cho hay đợt điều chỉnh này chỉ là động thái phân bổ lại hạn mức tín dụng giữa các ngân hàng thương mại và mục tiêu tăng trưởng toàn hệ thống 14% của năm nay vẫn được duy trì.

Hồng Hà