|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Sự chuyển biến rõ rệt của tín dụng xanh

15:15 | 11/10/2022
Chia sẻ
Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN cho biết các tổ chức tín dụng có sự chuyển biến rõ rệt trong định hướng hoạt động tín dụng xanh, dư nợ cấp tín dụng xanh có tăng trưởng bình quân đạt hơn 25%/năm trong giai đoạn 2017-2021.

Tại Hội thảo: “Hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng 0: Cơ hội và thách thức với các doanh nghiệp” sáng 11/10, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước (NHNN), bà Phạm Thị Thanh Tùng cho biết các tổ chức tín dụng (TCTD) có sự chuyển biến rõ rệt trong định hướng hoạt động tín dụng xanh, chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế để phát triển và triển khai cho vay chương trình tín dụng xanh. 

Chẳng hạn như, Dự án chuyển hóa cacbon thấp sang lĩnh vực tiết kiệm năng lượng được BIDV, ANZ triển khai với nguồn vốn do Chính phủ Đan Mạch tài trợ theo Chương trình hỗ trợ đầu tư xanh (GIF). Hay sản phẩm cho vay dự án phát triển năng lượng tái tạo tại các ngân hàng Vietcombank, BIDV, Vietinbank, SHB, HDBank từ nguồn vốn Ngân hàng Thế giới.

Ngoài ra, còn có sản phẩm cho vay công trình xanh từ nguồn vốn của IFC tại VPBank; sản phẩm cho vay lại để triển khai các dự án năng lượng tái tạo từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) thông qua Vietcombank

Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN. (Ảnh: Anh Quyền).

Đại diện NHNN cũng cho biết, Việt Nam được xếp vào nhóm thứ 2 các quốc gia có sự tiến bộ đáng kể trong tiến trình phát triển bền vững tại Báo cáo Đánh giá tiến bộ quốc gia giai đoạn 2020-2021 của Mạng lưới tài chính và ngân hàng bền vững (SBFN) 

Trong giai đoạn 2017-2021, dư nợ cấp tín dụng xanh có tăng trưởng bình quân đạt hơn 25%/năm. Đến 30/6/2022, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh đạt hơn 474.000 tỷ đồng (chiếm 4,1% tổng dư nợ toàn nền kinh tế), tăng 7,08% so với năm 2021, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (47%), nông nghiệp xanh (32%).

Dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt hơn 2.283 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 20% dư nợ cho vay của nền kinh tế, với hơn 1,1 triệu món vay.

Tăng trưởng xanh vẫn đối mặt với không ít khó khăn

Dù đã đạt được kết quả tích cực, đại diện NHNN cho biết tín dụng ngân hàng cho tăng trưởng xanh còn đối mặt với không ít tồn tại, khó khăn, do Việt Nam chưa có quy định chung về tiêu chí, danh mục dự án xanh cho các ngành/lĩnh vực theo hệ thống phân ngành kinh tế, làm căn cứ để các tổ chức tín dụng xác định cấp tín dụng xanh cho giai đoạn tới.

Việc cấp tín dụng xanh đòi hỏi yếu tố kỹ thuật về môi trường chuyên sâu, nên khó khăn cho cán bộ tín dụng trong việc thẩm định, đánh giá hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng. Ngoài ra, còn có khó khăn trong việc giám sát và quản lý rủi ro khi cấp tín dụng do thiếu quy định tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá công cụ đo lường tác động đến môi trường.

Hạn chế trong ý thức bảo vệ môi trường của người dân, doanh nghiệp dẫn đến bị xử phạt vi phạm pháp luật về môi trường, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án, tiềm ẩn rủi ro thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng.

“Việc đầu tư vào các ngành/lĩnh vực xanh, nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo, công trình xanh thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, trong khi nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng thường là vốn huy động ngắn hạn. Điều này gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong việc cân đối vốn và đảm bảo tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo quy định," bà Tùng cho hay.

Nhằm khắc phục những khó khăn trên, Đại diện NHNN đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có hướng dẫn về Danh mục xanh và tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp với phân ngành kinh tế của Việt Nam làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng có căn cứ thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh

Đồng thời xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ các ngành xanh (từ thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, đến quy hoạch, chiến lược phát triển…) của từng ngành/lĩnh vực một cách đồng bộ nhằm thu hút và phát huy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng xanh.

Ngoài ra, cần nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu xanh, tạo kênh huy động vốn cho các chủ đầu tư có thêm nguồn lực triển khai các dự án xanh.

Đối với các ngân hàng, doanh nghiệp, bà Tùng cho rằng cần tạo thuận lợi cho các tổ chức tài chính quốc tế, các TCTD trong nước tham gia hoạt động hợp tác quốc tế tài trợ vốn cho các dự án xanh; đổi mới khoa học, công nghệ theo hướng giảm phát thải, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi số trong ngành ngân hàng, góp phần phát triển bền vững. Các doanh nghiệp cần chủ động, vận động, thay đổi mô hình sản xuất, kinh doanh để nắm bắt được cơ hội tiếp cận với nguồn vốn tín dụng xanh


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Phương Nga

[LIVE] Talkshow ‘Xu hướng đầu tư bất động sản 2025: Cơ hội nào trong chu kỳ mới?’
Những thông tin cập nhật bối cảnh thị trường, dự báo xu hướng dòng tiền vào bất động sản... sẽ được đưa ra thảo luận tại Talkshow ‘Xu hướng đầu tư bất động sản 2025: Cơ hội nào trong chu kỳ mới?’ phát sóng vào 14h30 ngày 30/10.