|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

90% ngân hàng đã áp dụng ESG, tín dụng xanh chiếm gần 5% dư nợ

14:32 | 26/07/2024
Chia sẻ
Tính đến 31/3, đã có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh đạt 636.964 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Tại Tọa đàm “Thúc đẩy thực hành ESG trong ngành Ngân hàng” do Thời báo ngân hàng tổ chức ngày 25/7, các tổ chức tín dụng (TCTD) cùng đồng quan điểm về việc áp dụng ESG vào hoạt động thực tiễn để hướng tới thông điệp chung tay vì sự phát triển bền vững.

Đây được xem là giải pháp mang đến nhiều lợi ích cho nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, cũng như nâng cao uy tín, vị thế của mình cả trong nước và quốc tế.

Bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biếtNHNN đã hoàn thiện các quy định, định hướng về ngân hàng xanh và tín dụng xanh phù hợp với những mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

Tính đến 31/3/2024, đã có 47 TCTD phát sinh dư nợ tín dụng xanh đạt 636.964 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội của hệ thống TCTD tăng trưởng đều qua các năm, đến nay đạt khoảng 2,9 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 21%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế.

 

 Bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế. (Ảnh: Thời báo Ngân hàng).

 

Một số ngân hàng tại Việt Nam có tỷ trọng tín dụng xanh cao Agribank, BIDV, Sacombank, TPBank, VietinBank, VPBank, Nam A Bank, HDBank,…

Tính đến 31/3/2024 số dự án, số khách hàng đã cấp tín dụng được thực hiện đánh giá quản lý rủi ro về môi trường là 110.371 dự án/ khách hàng; số dư nợ được quản lý rủi ro về môi trường đạt 991.378 tỷ đồng.

 

Đến nay, 100% ngân hàng thương mại (NHTM), chi nhánh ngân hàng nước ngoài báo cáo đã xây dựng quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng độc lập hoặc lồng ghép trong quy định nội bộ về cấp tín dụng. Cùng với đó, đã có 17 ngân hàng thành lập bộ phận chuyên trách để quản lý rủi ro môi trường và xã hội. 

Thực hành ESG trong tài chính vẫn còn nhiều khó khăn

 

Theo bà Tùng, tuy ESG là xu hướng bắt buộc và ngành ngân hàng cần tiên phong để thực hiện nhưng hiện việc thực hành ESG trong tài chính, ngân hàng vẫn còn nhiều khó khăn.

Cụ thể, một điều bắt buộc là các quy định và hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan quản lý về ESG còn chưa được hoàn thiện nên hầu hết các NHTM chưa xây dựng khung chiến lược và lộ trình thực hành ESG. Chỉ một số ít ngân hàng đã bắt đầu thiết lập hệ thống quản lý rủi ro môi trường - xã hội, hay lồng ghép kết hợp đánh giá rủi ro ESG trong hoạt động cấp tín dụng.

Ngoài ra, sự mới mẻ về khái niệm ESG là nhân tố khiến công tác quản trị ESG gặp nhiều vướng mắc đối với cả khách hàng là doanh nghiệp và các TCTD.Chưa kể đến việc tại Việt Nam cơ sở dữ liệu ESG vẫn chưa hoàn thiện và đa dạng.

Hiện nay, trong nội bộ ngành ngân hàng, vẫn chưa có một tiêu chuẩn thống nhất và rõ ràng về các yêu cầu thực thi ESG. Do đó, các ngân hàng gặp khó trong việc xác định cần thu thập dữ liệu gì hay công bố thông tin ra sao.

Hơn nữa, dữ liệu đầu vào còn phụ thuộc vào mức độ công bố thông tin từ khách hàng doanh nghiệp. Điều này cũng đòi hỏi các NHTM tăng chi phí đầu tư công nghệ vì dữ liệu hiện tại chưa thể đáp ứng việc thực hiện các nguyên tắc và báo cáo bền vững….

 ThS. Tạ Đức Bình - Nghiên cứu viên Ban Kinh tế Tài nguyên và Môi trường. (Ảnh: Thời báo Ngân hàng).

Theo ông Tạ Đức Bình - Nghiên cứu viên Ban Kinh tế Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, để ngân hàngthực hành tiêu chí ESG trong kinh doanh thì rất cần danh mục phân loại xanh, để hỗ trợ ngân hàng trong quá trình nhận diện và đánh giá thế nào là dự án xanh.

Điều này không chỉ giúp việc chuẩn hóa các quy trình của ngành Ngân hàng mà còn tạo ra những nền tảng làm nên tính minh bạch trong việc định hướng các dòng đầu tư trong lĩnh vực tài chính.

Do đó,Bộ Tài nguyên và Môi trường sau khi tham khảo ý kiến từ các bên trong đó có NHNN, hiện đang gấp rút hoàn thiện dự thảo về danh mục và bộ tiêu chí xanh, hy vọng sẽ được sớm ban hành trong những tháng còn lại của năm 2024.

Minh Nguyệt