|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ngân hàng tích cực đẩy vốn ra nền kinh tế trong tháng cuối năm

13:34 | 22/12/2022
Chia sẻ
Sau quyết định nới room tín dụng thêm 1,5-2% của NHNN, nhiều ngân hàng đã có những chương trình ưu đãi đẩy mạnh cho vay, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh trong bối cảnh nhu cầu vốn tằng cao trong những tháng cuối năm.

Ngân hàng đẩy vốn cho vay tháng cuối năm

Sau quyết định nới room tín dụng thêm khoảng 1,5 - 2% của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhiều ngân hàng thương mại đã đồng loạt tung các chương trình ưu đãi để đẩy vốn ra nền kinh tế.

Các "ông lớn" Big4 tiên phong khi Agribank giảm 20% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ bằng VND tại thời điểm 30/11 và giảm tối đa 20% với các khoản vay trong tháng 12 tuỳ từng đối tượng, lĩnh vực.

Vietcombank giảm lãi suất tới 1% một năm đối với các khoản vay VND cho khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân hiện hữu đến hết 31/12/2022. Ngân hàng ước tính tổng số khách hàng được giảm lãi suất là 175.000 khách hàng với quy mô tín dụng hơn 500.000 tỷ đồng, chiếm gần 50% dư nợ hiện hữu.

BIDV với mức giảm cao hơn từ 0,5%- 2,5%/năm với các khách hàng vay vốn thuộc lĩnh vực ưu tiên; khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; khách hàng có hoạt động xuất nhập khẩu; khách hàng doanh nghiệp nước ngoài, khách hàng cá nhân…

Mới đây nhất, LienVietPostBank cũng công bố gói hỗ trợ quy mô 3.000 tỷ đồng để giảm lãi suất vay lên tới 1%/năm cho khách hàng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu, đơn vị đem về nguồn thu ngoại tệ lớn cho đất nước.

Bên cạnh đó, theo ngân hàng, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn cũng được hỗ trợ giảm lãi suất trong hai tháng cuối năm 2022, vốn được xem là cao điểm về nhu cầu vốn vay, góp phần giảm bớt áp lực khó khăn về chi phí, hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

“Việc phân bổ tín dụng lần này có thể được xem là một trong những chính sách khuyến khích các NHTM tập trung huy động vốn và giảm lãi suất, tạo điều kiện rất thuận lợi, tích cực kể cả về nguồn vốn, lãi suất cho doanh nghiệp, cho các dự án, chương trình cần thiết của nền kinh tế”, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết. 

  Phó Thống đốc Thường thực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú. (Ảnh: VGP). 

Thông điệp được đưa ra khi nới room tín dụng của NHNN là việc phân bổ thêm room sẽ dành cho các ngân hàng có thanh khoản tốt, có chính sách giảm lãi suất cho vay và tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên.

Theo thông tin từ cuộc họp các ngân hàng vào giữa tháng 12, khoảng 16 ngân hàng công bố chương trình giảm lãi suất cho khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp đối với các lĩnh vực ưu tiên, với mức lãi suất giảm cao nhất là 3,5%/năm.

Những cái tên có thể được nhắc đến như: SHB, VIB, HDBank, Techcombank, ACB, ABBank,...

Động thái trên của các ngân hàng cho thấy sự tích cực muốn đưa vốn vào nền kinh tế của các nhà băng trong bối cảnh nhu cầu vốn của doanh nghiệp tăng cao nhất là vào vụ mùa cuối năm.

Nới room là hơi muộn nhưng vẫn rất cần thiết

Nhận định về động thái nới room tín dụng của NHNN, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng quyết định room tín dụng là hơi muộn nhưng vẫn cần thiết. 

"Nới room tín dụng là động thái NHNN nên làm vì giai đoạn vừa qua đã thắt chặt quá mức", ông Cung cho hay.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, chắc chắn rằng với việc nới room tín dụng thêm 1,5 - 2%, thanh khoản của nền kinh tế sẽ đỡ cạn kiệt. Doanh nghiệp nói chung và cả các doanh nghiệp bất động sản sẽ có sự dễ dàng hơn trong tiếp cận nguồn vốn để nhiều dự án có thể tiếp tục thực hiện. "Doanh nghiệp sẽ có cơ hội tồn tại, tiếp tục duy trì và vượt qua được giai đoạn khó khăn", ông nói.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT CTCP Thủy sản Thuận Phước, cho hay từ đầu năm đến tháng 10 là thời điểm sản xuất tăng cao. Khi đó doanh nghiệp đã kỳ vọng được nới room tín dụng để trả nợ và để doanh nghiệp phát triển thì room tín dụng ngân hàng lại thắt chặt.

"Khi NHNN mới quyết định nới room thì sản xuất đã có phần chững lại trong hai tháng cuối năm, tỷ giá cũng leo cao, lãi suất lại tăng, dòng tiền không kịp nên việc nới room không còn nhiều ý nghĩa", ông chia sẻ.

Trong khi đó, TS. Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN, khẳng định vốn tín dụng không thiếu. Ông cho biết, room tín dụng 3,5% - 4% trong ba tuần cuối năm là cực kỳ nhiều, thống kê tháng 12 hàng năm thường chỉ cần từ 2 - 2,2% room tín dụng. Các ngân hàng cũng rất muốn cho vay vì họ phải trả lãi tiền gửi cho khách hàng, càng đọng vốn càng tăng chi phí.

Trong một thời gian ngắn làm sao để "tiêu" được 300.000 - 400.000 tỷ đồng là một thách thức lớn với các ngân hàng, ông Quang nhận định.

"Trong bối cảnh này, ngân hàng thương mại cũng phải đốt đuốc tìm doanh nghiệp tốt, không chỉ một ngân hàng mà nhiều ngân hàng cùng cấp hạn mức tín dụng, duy trì quan hệ tín dụng", ông Quang cho biết.

Vụ trưởng cho rằng nên tìm giải pháp để phát triển các kênh huy động vốn khác, để ngân hàng thực hiện đúng chức năng cung cấp vốn ngắn hạn. Nguồn vốn trung dài hạn nên được lấy từ các kênh như vốn tự có hoặc thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Ông cho hay ngành ngân hàng hiện nay, tổng nguồn vốn ngắn hạn trên 80%, 20% còn lại là vốn tự có và các nguồn vốn trung và dài hạn trong khi đó họ đang phải cho vay 50% tổng dư nợ cho nề kinh tế là trung và dài hạn.

Con số này cho thấy ngành ngân hàng đang chạy với biên độ chênh lệch rất lớn về mặt kỳ hạn giữa huy động và cho vay. Điều này dẫn đến hai rủi ro rất lớn cho ngành ngân hàng là rủi ro về thanh khoản và rủi ro chi trả cho người gửi tiền.

Báo cáo phân tích của Chứng khoán KB cũng nhận định hệ thống ngân hàng nói chung đang xảy ra hiện tượng mất cân đối giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng huy động. Chênh lệch âm giữa hai con số này có thể khiến mức tăng trưởng tín dụng sẽ không đạt được như kỳ vọng.

 

Huyen Vi

PGS. TS Nguyễn Hữu Huân: Hạ lãi suất cần cân nhắc đến tỷ giá, tác động từ Fed sẽ có độ trễ
Theo chuyên gia, động thái nới lỏng gần đây của NHNN sẽ giúp hạ lãi suất huy động, nhưng cũng có thể ảnh hưởng tới tỷ giá, nhất là trong bối cảnh Fed hạ lãi suất mới chỉ mang tác động về mặt tâm lý.