|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Chênh lệch tín dụng - huy động âm, các ngân hàng đứng trước bài toán khó trong cân đối vốn

08:14 | 15/12/2022
Chia sẻ
9 tháng đầu năm, tỷ lệ dư nợ cho vay trên tổng huy động tăng so với đầu năm, tạo thêm áp lực cho các ngân hàng trong thời điểm thị trường đang khát vốn.

Chênh lệch tín dụng và huy động âm cộng với nhu cầu vốn đáp ứng hoạt động kinh doanh và thanh toán thời điểm cuối năm khiến mặt bằng lãi suất tăng chưa có dấu hiệu dừng lại. Cuộc chạy đua lãi suất huy động thời gian qua cũng đã cho thấy mức độ căng thẳng khi các ngân hàng phải tăng cường bù đắp nguồn vốn cho phần cho vay ra trong 9 tháng đầu năm. 

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 10, tăng trưởng tín dụng đạt 11,5%, tăng trưởng huy động vốn đạt 4,8% so với đầu năm. Chênh lệch huy động vốn và tín dụng đã xuống mức âm kể từ tháng 7, tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn so với tốc độ tăng trưởng vốn huy động khiến tỷ lệ dư nợ tín dụng trên huy động (LDR) tại các ngân hàng tăng cao.

Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research), áp lực cho việc cân đối vốn từ phía các ngân hàng thương mại (NHTM) là rất lớn, trong bối cảnh thanh khoản trên hệ thống về trung hạn vẫn chưa được cải thiện nhiều.

Trong khi tỷ lệ LDR thuần đã vượt quá 99%, tỷ lệ LDR theo Thông tư 22 (bao gồm cả tiền gửi liên ngân hàng) vẫn được giữ ở mức thấp hơn 85%, báo cáo ngành tháng 11 của SSI Research cho hay. Tỷ lệ LDR thuần tại nhiều ngân hàng đã vượt ngưỡng 100% như MSB, Techcombank, VIB hay VPBank.

 

Theo tính toán của người viết, tỷ lệ LDR của 28 ngân hàng khảo sát trong 9 tháng đầu năm 2022 trung bình đạt 85%, tăng so với mức 82% của cùng kỳ năm trước và bằng tỷ lệ tối đa theo Thông tư 22 đề ra.

Tỷ lệ LDR ở đây được tính theo công thức: LDR (%) = Dư nợ cho vay khách hàng/(Tiền gửi khách hàng - Tiền ký quỹ - Tiền gửi chuyên dùng của khách hàng +Tiền gửi của TCTD khác) x 100%. 

Trong đó, có 6 ngân hàng có tỷ lệ dư nợ cho vay trên tổng huy động vượt 85% là BIDV, VietinBank, MB, Techcombank, VPBank, và Saigonbank.

Tỷ lệ LDR của Vietcombank tăng 4% so với cuối năm trước đạt 83% trong khi LDR của VietinBank lại giảm nhẹ (từ 90% về 89%) còn BIDV thì ở mức tương đương (87%).

 Nguồn: Huyen Vi tổng hợp từ số liệu BCTC quý III các ngân hàng.

Xét về mức tăng trưởng, VietABank là ngân hàng có tỷ lệ LDR tăng mạnh nhất sau 9 tháng đầu năm, tăng 18% từ 60% lên 78% do chênh lệch tín dụng và huy động vốn. Dư nợ cho vay của ngân hàng tăng từ 54.458 tỷ đồng lên 61.492 tỷ đồng, trong khi đó tổng huy động của ngân hàng lại giảm mạnh từ 91.419 tỷ đồng xuống 78.388tỷ đồng.

Tỷ lệ này tại Viet Capital Bank cũng tăng mạnh từ 67% lên 77% do chênh lệch tín dụng và huy động vốn. Cho vay khách hàng của ngân hàng tăng lên trong khi tổng huy động lại giảm sau 9 tháng đầu năm.

Ở chiều ngược lại, tại PG Bank, tỷ lệ LDR của ngân hàng lại giảm mạnh từ 79% vào cuối năm ngoái xuống 68% sau 9 tháng đầu năm. Nguyên nhân là cho vay khách hàng của ngân hàng không có nhiều thay đổi, ở mức hơn 27.000 tỷ đồng trong khi đó tổng huy động vốn tăng sau 9 tháng đầu năm, từ gần 35.000 tỷ đồng lên hơn 40.000 tỷ đồng.

 (Nguồn: Huyen Vi tổng hợp)

Tuy vậy, theo số liệu của NHNN, tính đến cuối tháng 10 tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi của toàn hệ thống ở mức 75,82% (thời điểm cuối tháng 9 là 72,9%), trong đó tỷ lệ tại nhóm các ngân hàng có vốn lớn của Nhà nước (Big4 và CBBank, GP Bank, OceanBank) ở mức 82,04% (cuối tháng 9 là 83,24%). 

Nới room tín dụng, tiền bơm ra sẽ nhanh chóng được hấp thụ

Sự chênh lệch âm giữa tín dụng và huy động cho thấy nền kinh tế đang thực sự "khát" vốn.

Động tháinới room tín dụng toàn hệ thống thêm 1,5 - 2% của NHNN (lên khoảng 15,5 – 16% so với cuối 2021) đã phần nào giảm bớt sức nóng từ thị trường lãi suất. Nhưng sự gia tăng của tỷ lệ LDR trong thời gian qua cũng cho thấy các ngân hàng đang đứng trước bài toán về cân đối vốn.

Trong báo cáo mới đây của Chứng khoán KB (KBSV), các chuyên gia phân tích cho biết BIDV được nới room khoảng 2% nhưng cũng phần nào gặp khó khăn trong việc cân đối nguồn để giải ngân hết phần room tín dụng được cấp.

"Việc cải thiện sự mất cân đối giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng huy động sẽ đóng vai trò quan trọng để BIDV nói riêng và hệ thống ngân hàng nói chung có thể đạt được mức tăng trưởng tín dụng như kỳ vọng", báo cáo nhận định.

Bên cạnh việc nới room, NHNN cũng đã có những nỗ lực nhất định để cải thiện tình trạng này. Kèm trong thông báo nới room tăng trưởng tín dụng, NHNN cũng cho biết sẽ hỗ trợ thanh khoản để các ngân hàng có thể giải ngân tín dụng. 

Theo nhận định của chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực, với tình trạng hồ sơ tín dụng xếp hàng như hiện nay, lượng tiền khoảng 200.000 tỷ đồng được cấp ra cho nền kinh tế vào lúc này sẽ nhanh chóng được hấp thụ, chủ yếu đi vào những lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng.

Chứng khoán ACBS cũng nhận định hệ thống ngân hàng vẫn đủ năng lực để cung ứng nguồn tín dụng trên ra nền kinh tế.

Tuy nhiên, chuyên gia của ACBS cũng cho rằngchênh lệch tín dụng - huy động tiếp tục âm trong ít nhất hai quý nữa. Đồng thời, áp lực tăng lãi suất liên tiếp tục cao trong thời gian tới do NHNN cần duy trì chênh lệch dương giữa lãi suất USD và VND liên ngân hàng để hỗ trợ tỷ giá và hạn mức tín dụng mới sẽ được cấp vào đầu năm 2023 kết hợp với nhu cầu tiền mặt cao đầu năm.

Từ phía Chính phủ, Thủ tướng mới đây cũng đã có công điện gửi Thống đốc NHNN chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc, cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế,đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất.

Trong đó Thủ tướng yêu cầu NHNN chỉ đạo các ngân hàng tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu; xây dựng khu công nghiệp, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân), nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, an ninh tài chính tiền tệ quốc gia.

Huyen Vi