|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Đông Nam Á háo hức đón chờ ngày hội độc thân (11/11), Việt Nam vẫn yêu thích Black Friday hơn

07:17 | 10/11/2019
Chia sẻ
Theo dữ liệu của nhà cung cấp giải pháp quảng cáo trực tuyến Criteo, ngày hội độc thân (11/11) của gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba đã đẩy mạnh hoạt động tiêu dùng tại Malaysia và Singapore, nhưng Indonesia và Việt Nam lại yêu thích lễ mua sắm 12/12 và Black Friday hơn.
1

Pano quảng cáo sự kiện mua sắm 11/11 của Shopee (Ảnh: Nikkei Asian Review)

Doanh thu ba chữ số của ngày hội độc thân tại Đông Nam Á

Doanh thu bán lẻ trực tuyến trong ngày hội độc thân tại Malaysia đã tăng đột biến lên 418% vào năm ngoái, trong khi ở Singapore ghi nhận con số 368%. Criteo cho biết các lễ hội mua sắm khủng khác cũng không thể làm rỗng ví khách hàng ở hai nước nhanh như như ngày hội 11/11.

Lễ mua sắm 12/12, sự kiện ăn theo ngày hội độc thân 11/11, được tổ chức để các thương nhân nhỏ hơn có thể hưởng một chút lợi nhuận mà các tên tuổi lớn đã chiếm trọn trong ngày 11/11, nhờ đó doanh số bán lẻ trực tuyến tăng lên 195% tại Malaysia và 92% ở Singapore vào năm 2018.

"Black Friday", sự kiện mua sắm cao điểm bắt nguồn từ Mỹ, đã đẩy doanh số bán lẻ trực tuyến tại Malaysia lên 100% vào năm ngoái, trong khi ở Singapore là 114%.

Criteo xác định các xu hướng này thông qua phân tích hơn 465 triệu giao dịch mua sắm trực tuyến từ 340 nhà quảng cáo lớn tại Đông Nam Á, từ đó theo dõi mức tăng doanh số trong giai đoạn 2017 - 2018 đối với các sự kiện thương mại điện tử lớn.

Tuy nhiên, Criteo từ chối tiết lộ mức tăng tính theo phần trăm sang giá trị tính theo đồng USD do các điều khoản bảo mật với đối tác kinh doanh.

Theo Nikkei Asian Review, phát triển từ một ngày dành cho người trẻ độc thân ở Trung Quốc, ngày hội độc thân đã dần trở thành một sự kiện lớn trên lịch bán lẻ của nhiều doanh nghiệp.

Trong ngày hội độc thân năm 2009, Alibaba ghi nhận tổng doanh thu trên nền tảng mua sắm của họ là khoảng 100 triệu nhân dân tệ (14,2 triệu USD). Tuy nhiên vào năm ngoái, tổng doanh thu từ sự kiện này đã tăng vọt lên 30,8 tỉ USD.

Ngay cả khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung còn đang diễn ra, công ty tiếp thị di động App Annie vẫn dự đoán ngày hội độc thân của Alibaba sẽ thu về 37 tỉ USD trong một ngày vào năm nay. Người tiêu dùng thời đại số được cho là nhân tố phát triển xu hướng trên.

Ở Đông Nam Á, nền kinh tế Internet (chủ yếu được thúc đẩy bởi mua sắm trực tuyến) được dự đoán sẽ trị giá khoảng 300 tỉ USD vào năm 2025, theo nghiên cứu chung của Google và Temasek.

Người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng Black Friday

Trong khi hiện tượng ngày hội độc thân thu hút người tiêu dùng Malaysia và Singapore hơn, dữ liệu của Criteo cho thấy sự kiện này chưa thể thành công tại Indonesia và Việt Nam. Tại hai quốc gia kể trên, khách hàng dường như yêu thích ngày hội 12/12 và Black Friday hơn.

Criteo cho biết sự kiện 12/12 mới là "vua" trong các lễ hội mua sắm ở Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Cụ thể, doanh số bán lẻ trực tuyến tại Indonesia tăng vọt 389% vào ngày này năm 2018. Trong khi đó, ngày hội độc thân chỉ ghi nhận mức tăng doanh số là 174% năm 2018.

Còn tại Việt Nam, dữ liệu của Criteo cho thấy Black Friday mới là sự kiện mua sắm khủng nhất, tạo ra mức tăng doanh số bán lẻ trực tuyến là 149% vào năm ngoái. Tuy nhiên, doanh số bán lẻ chỉ tăng 64% vào ngày hội độc thân 11/11 và tăng 97% vào ngày 12/12 năm ngoái.

Như vậy, hai sự kiện này không thể đạt được mức tăng trưởng ba con số mà sự kiện Black Friday đạt được.

Bà Paulin Lemaire, Giám đốc cấp cao của Criteo tại Đông Nam Á, Hong Kong và Đài Loan, cho biết ảnh hưởng từ sự kiện mua sắm số một Trung Quốc không thể cảm nhận rõ tại Indonesia và Việt Nam.

Còn ông Syfur Rahman, một nhà phân tích về bán lẻ tiêu dùng tại Nasdaq, cho biết mặc dù ngày hội 11/11 dự kiến sẽ tiếp tục thúc đẩy doanh số bán lẻ tăng trưởng, kết quả trên toàn khu vực có thể không đồng đều do khác biệt về khả năng tiếp cận Internet của người tiêu dùng.

"Các quốc gia như Indonesia và Việt Nam đang bị tụt lại phía sau so với các quốc gia Đông Nam Á khác vì tỉ lệ truy cập Internet, tính đến tháng 6/2019 tỉ lệ này chỉ ghi nhận lần lượt ở mức 64% và 70%, trong khi của Singapore là 88% và Malaysia là 81%", ông Rahman cho biết.

Shopee, Lazada "lên đạn" chuẩn bị cho ngày lễ mua sắm

Tuy nhiên, các công ty bán lẻ trực tuyến đang chuẩn bị để "hốt bạc" khi mà năm 2019 sắp sửa kết thúc. Shopee của Singapore, nền tảng hiện đang có cầu thủ bóng đá Cristiano Ronaldo quảng bá cho chiến dịch, khẳng định họ tiết kiệm đến 90% cho khách hàng và miễn phí vận chuyển hơn 111.111 mặt hàng vào ngày 11/11.

Nền tảng mua sắm trực tuyến Lazada, công ty con của Alibaba và vận hành tại 6 thị trường ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đang tung ra hàng triệu voucher có tổng trị giá hơn 8 triệu USD cho các khách hàng tham gia vào trò chơi trực tuyến trước thềm ngày hội 11/11.

Để tiếp tăng doanh số lên cao kỉ lục, các nhà bán lẻ trực tuyến có thể sẽ phải tương tác tốt hơn với người tiêu dùng, theo một nghiên cứu gần đây của Facebook và Boston Consulting Group.

Nghiên cứu đã khảo sát gần 9.000 người trên 9 quốc gia, trong đó có các nền kinh tế lớn ở Đông Nam Á, và nhận thấy người tiêu dùng bị ảnh hưởng đáng kể bởi sự tương tác của họ với người bán trước khi "mở ví".

Gần 45% những người được khảo sát tại khu vực Đông Nam Á cho biết khi trò chuyện qua điện thoại với các nhà bán lẻ để có thêm thông tin về các sản phẩm và đàm phán về giá, họ đã quyết định chốt đơn hàng.

Trong số những người được khảo sát tại Việt Nam, 36% cho biết đã mua sắm trực tuyến thông qua hình thức thương mại giao tiếp này, trong khi ở Indonesia là 29% và Malaysia là 26%.

Yên Khê

[Cập nhật] KQKD ngân hàng 2024: Xuất hiện nhà băng có lợi nhuận tăng bằng lần
Nhiều ngân hàng thông báo vượt chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh đã được đại hội đồng cổ đông giao. Trong đó, một số nhà băng ước tính tăng trưởng lợi nhuận, dư nợ tín dụng cả năm 2024 sẽ ở mức hai con số.