|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đồng Nai không hỗ trợ cơ sở chăn nuôi vi phạm phòng chống dịch tả heo châu Phi

07:26 | 25/06/2019
Chia sẻ
Các trang trại, hộ nuôi xảy ra dịch do sử dụng nguồn thức ăn dư thừa; không thực hiện nghiêm công tác phòng dịch; không tuân thủ quy định tiêu hủy, cách ly heo bệnh hoặc phòng dịch theo kiểu đối phó, gây lây lan dịch sẽ không được nhận hỗ trợ.

Theo báo Đồng Nai, chiều 24/6, Ban chỉ đạo phòng, chống khẩn cấp dịch tả heo châu Phi tỉnh Đồng Nai đã họp về công tác phòng, chống dịch tả trên địa bàn tỉnh.

Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết đến nay toàn tỉnh có 156 hộ chăn nuôi thuộc 24 xã của 8 huyện xảy ra dịch với trên 25.000 con heo bị tiêu hủy. 

Trong đó, các huyện vừa xuất hiện dịch tả là Thống Nhất, Tân Phú, Xuân Lộc và TP Biên Hòa. Nguy hiểm hơn là dịch đã lây lan sang các trang trại chăn nuôi lớn với quy mô cả ngàn con. Cụ thể, dịch bệnh được phát hiện tại Công ty chăn nuôi lợn Phú Sơn (huyện Trảng Bom, Đồng Nai) với tổng đàn gần 20.000 con.

Trước tình hình nói trên, các địa phương đã tập trung vào các giải pháp phòng, chống dịch như: thành lập thêm các chốt kiểm dịch, các tổ kiểm tra, kiểm soát lưu động; tăng cường thực hiện an toàn sinh học tại trại nuôi; tăng cường vệ sinh, tiêu độc khử trùng… 

Sở Tài chính tiếp tục rà soát, tham mưu UBND tỉnh mua bổ sung 24 ngàn lít thuốc sát trùng và đồ bảo hộ phục vụ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh.

Pig on a Chinese farm

Đồng Nai không hỗ trợ cơ sở chăn nuôi vi phạm phòng chống dịch tả heo châu Phi.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh nhấn mạnh, dịch đang lây lan với cấp số nhân và còn tiếp tục diễn biến rất phức tạp, vì đang vào mùa mưa mà dịch lại lây lan nhanh qua nguồn nước. Điều đáng báo động là công tác phòng dịch của các trại chăn nuôi còn rất kém do sự chủ quan của các hộ chăn nuôi.

Các trang trại, hộ nuôi xảy ra dịch do sử dụng nguồn thức ăn dư thừa; không thực hiện nghiêm công tác phòng dịch; không tuân thủ quy định tiêu hủy, cách ly heo bệnh hoặc phòng dịch theo kiểu đối phó, gây lây lan dịch sẽ không được nhận hỗ trợ.

Các địa phương phải chỉ đạo quyết liệt, tập trung cao độ trong công tác phòng chống dịch như: thực hiện dọn vệ sinh, sát trùng tiêu độc chuồng trại, khu vực xung quanh, đường đi; ngăn chặn, cách ly mọi nguồn lây lan từ chuột, ruồi và các vật nuôi khác.

Tăng cường xử lý, diệt virus dịch tồn tại trong nước, hạn chế nguồn lây lan lớn qua sông suối; trên cạn, tăng cường các trạm kiểm soát và công tác kiểm soát lưu động việc vận chuyển, tiêu thụ heo; mỗi ấp, xã đều tổ chức 1 tổ phản ứng nhanh trong công tác dập dịch, tiêu hủy heo. 

Bên cạnh đó, các địa phương cần tiếp tục vận động người chăn nuôi giảm đàn qua việc khuyến khích xuất heo đủ tuổi tiêu thụ; không nên nhân giống, tái đàn, tăng đàn trong giai đoạn hiện nay.

Lyly Cao