|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đóng cửa nhà máy tại Quảng Nam, Heineken hiện đang sở hữu những nhà máy nào?

17:16 | 26/06/2024
Chia sẻ
Mặc dù tạm đóng cửa nhà máy tại Quảng Nam song Heineken vẫn đánh giá Việt Nam là thị trường tiềm năng của hãng và sẽ "tối ưu hóa hoạt động với ít nhà máy hơn nhưng mỗi nhà máy lớn hơn về quy mô".

Mới đây, Heineken Việt Nam đã chính thức thông báo về việc tạm dừng hoạt động của Nhà máy bia Heineken Quảng Nam để tìm giải pháp tối ưu cho tài sản. Thông báo bất ngờ này được nhiều người quan tâm, bởi đây là một trong những nhà máy có đóng góp lớn đối với nguồn thu ngân sách của tỉnh Quảng Nam.

Các năm trước Heineken Quảng Nam luôn nộp ngân sách trung bình mỗi năm khoảng 1.000 - 1.200 tỷ đồng và là một trong những doanh nghiệp thuộc top đầu nộp ngân sách bên cạnh nhà máy ô tô của Thaco.

Quyết định tạm đóng cửa Heinenken Quảng Nam được đại diện Heineken Việt Nam lý giải là nhằm "tối ưu hoá hoạt động sản xuất và kinh doanh" và "tối ưu hóa hoạt động với ít nhà máy hơn nhưng mỗi nhà máy lớn hơn về quy mô".

Chuyển hướng sang ít nhà máy nhưng quy mô lớn hơn

Trước thông tin tạm đóng của nhà máy tại Quảng Nam, nhiều câu hỏi được đặt ra rằng phải chăng doanh nghiệp này đang muốn rút gọn quy mô do tình hình kinh doanh sụt giảm?

Trao đổi với chúng tôi đại diện Heineken khẳng định doanh nghiệp này vẫn tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, để đạt được lợi thế kinh tế theo quy mô, Heineken cần tinh giản hoạt động để tiếp tục đầu tư và phát triển tại thị trường Việt Nam, qua đó hỗ trợ lực lượng lao động hiện hữu và duy trì hoạt động kinh doanh cùng chuỗi giá trị.

"Quyết định này phù hợp với tham vọng và trách nhiệm của Việt Nam và Heineken Việt Nam trong việc hướng tới mục tiêu không phát thải các-bon trong hoạt động sản xuất bằng việc tiếp tục tối ưu hóa với ít nhà máy hơn nhưng mỗi nhà máy lớn hơn về quy mô" đại diện Heineken cho biết.

Đến nay, Heineken đã đầu tư hơn 1 tỷ EUR tại Việt Nam, tạo ra gần 250.000 việc làm trong toàn bộ chuỗi giá trị, đóng góp tương đương 1,04% GDP quốc gia. Đây cũng là doanh nghiệp luôn nằm trong top những doanh nghiệp đóng góp thuế nhiều nhất cho ngân sách nhà nước.

Nhà máy Heineken tại Bà Rịa - Vũng Tàu. (Ảnh: Hạ An).

Heineken Việt Nam thành lập nhà máy đầu tiên tại Hóc Môn, TP HCM vào năm 1991. Sau đó năm 1996, Heineken tiếp tục mở nhà máy tại Hà Nội với quy mô 33 ha để sản xuất các sản phẩm gồm: Heineken, Tiger và Bia Việt.

Năm 2007, Heineken Việt Nam tiếp tục thực hiện bước ngoặt mở rộng quy mô bằng cách mở cùng lúc ba nhà máy bia tại Đà Nẵng, Quảng Nam & Tiền Giang.

Trong đó, nhà máy bia Heineken Đà Nẵng được phát triển bằng việc mua lại toàn bộ Công ty TNHH Foster’s Đà Nẵng. Nhà máy bia Quảng Nam được thành lập dựa trên liên doanh giữa Công ty TNHH Nhà Máy Bia Heineken Việt Nam và Công ty Xây lắp Điện Quảng Nam còn nhà máy bia Tiền Giang được thành lập mới với quy mô 5,1 ha, đặt tại Khu Công Nghiệp Mỹ Tho, xã Trung An, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

Năm 2022, Heineken khánh thành nhà máy bia tại Bà Rịa - Vũng Tàu với quy mô lên tới 40 ha. Nhà máy Heineken tại Bà Rịa - Vũng Tàu được phát triển dựa trên nhà máy mua lại từ Carlsberg Việt Nam từ năm 2016.

Sau 5 năm xây dựng, Heineken đã nâng công suất nhà máy này lên 36 lần, từ 30 triệu lít/năm lên mức 1,1 tỷ lít/ năm, vận hành hoàn toàn bằng năng lượng tái tạo. Nhà máy được Heineken đầu tư gần 400 triệu USD (9.000 tỷ đồng) với diện tích 40 ha, sử dụng dây chuyền tự động hoàn toàn nên tổng số nhân sự của toàn nhà máy chỉ có hơn 200 người. 

Heineken Quảng Nam hiện là nhà máy nhỏ nhất trong số 6 nhà máy của Heineken tại Việt Nam. So với nhà máy mới xây dựng tại Bà Rịa - Vũng Tàu, quy mô 7,6 ha của nhà máy Quảng Nam chỉ bằng 1/5 còn công suất cũng chỉ bằng khoảng 1/10.

Một điểm nữa là nhà máy Quảng Nam nổi tiếng với sản phẩm bia Larue trong khi các thương hiệu bia Heineken được đẩy mạnh những năm gần đây là: Heineken, Tiger, Bia Việt, Strongbow... Đây cũng là 4/5 thương hiệu bia được truyền thông mạnh mẽ nhất năm 2023 theo YouNet Media cho thấy sự chuyển hướng chiến lược của hãng bia này.

Như vậy, sau khi tạm đóng cửa nhà máy tại Quảng Nam, Heineken sẽ còn 5 nhà máy đang hoạt động ở TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Tiền Giang và Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó, công suất cũng không quá ảnh hưởng bởi nhà máy tại Bà Rịa - Vũng Tàu có công suất lớn gấp 10 lần nhà máy Quảng Nam và hiện vẫn chưa sử dụng đến công suất tối đa.

Heineken lên kế hoạch mở rộng nhà máy tại Bà Rịa - Vũng Tàu

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Dolf van den Brink, Tổng giám đốc Tập đoàn Heineken toàn cầu trong chuyến thăm năm 2022. (Ảnh: VGP).

Đánh giá về thị trường Việt Nam, ông Dolf van den Brink, Tổng giám đốc Tập đoàn Heineken toàn cầu từng cho biết đây là thị trường tiềm năng nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và hiện thuộc top 5 thị trường chiến lược của doanh nghiệp này trên toàn thế giới.

Nhấn mạnh tại cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vào cuối năm 2022, ông Dolf van den Brink cho biết khoản đầu tư của Heineken vào Việt Nam đạt 1 tỷ USD và trong vòng 10 năm tới, dự kiến đầu tư tiếp 500 triệu USD.

Tiết lộ với chúng tôi tại một cuộc phỏng vấn đầu năm 2023, bà Holly Bostock - Giám đốc Ngoại vụ Cấp cao Heineken Việt Nam cho biết doanh nghiệp này sẽ tiếp tục đầu tư hàng trăm triệu USD trong giai đoạn 2023 - 2025 để mở rộng nhà máy tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Hiện thực hoá mục tiêu này, tháng 11/2022, Heineken Việt Nam chính thức ký biên bản ghi nhớ với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhằm tiếp tục đầu tư thêm 142 triệu USD cho công tác mở rộng nhà máy bia Vũng Tàu, đưa tổng mức đầu tư lên hơn 500 triệu USD, nâng công suất từ 11 triệu hectolit lên 16 triệu hectolit mỗi năm.

Tuy nhiên, do tác động của Nghị định 100 khiến doanh thu ngành bia sụt giảm, Heineken Việt Nam hiện vẫn chưa công bố các bước mở rộng tiếp theo của nhà máy này.

Hạ An