|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Dòng chảy mới vào thị trường mĩ thuật toàn cầu từ thế hệ millennials Châu Á

08:46 | 25/06/2019
Chia sẻ
Những nhà sưu tập mĩ thuật trẻ giờ đây năng động và chịu chi hơn rất nhiều so với những đồng nghiệp lớn tuổi.

Millennials, còn được gọi là Thế hệ Y, là nhóm nhân khẩu học sau Thế hệ X và Thế hệ Z trước đó. Các nhà nghiên cứu và phương tiện truyền thông phổ biến thường sử dụng đầu những năm 1980 như những năm bắt đầu và giữa những năm 1990 đến đầu những năm 2000 như những năm kết thúc. (Theo wiki)

Khi bố mẹ Michael Xufu Huang (một điển hình của thế hệ millennials) gửi anh đến London để tham gia một khoá học mĩ thuật, họ có lẽ không nghĩ rằng mình đang đặt nền móng cho sự ra đời của một bảo tàng tư nhân. 

"Tôi không hội hè hoặc tương tự vậy", Huang nói về quãng thời gian ở Học viện Hoàng gia Anh. Tôi lấy hết những gì mình có và bắt đầu mua một tác phẩm mỗi năm", bài viết về thế hệ Millennials trên Nikkei Asian Review ghi lại.

Bộ sưu tập mĩ thuật đương đại của Huang, bắt đầu bằng một tác phẩm in bản thạch của Helen Frankenthaler, đến nay đã có hơn 300 tác phẩm. 

Anh đồng thời là đồng giám đốc của M Woods, một bảo tàng nghệ thuật phi lợi nhuận tại Bắc Kinh với nhiều chương trình hỗ trợ giáo dục mĩ thuật và các nghệ sĩ trẻ trên toàn thế giới. Giờ đã bước sang tuổi 25 cùng phong cách thời trang màu đen kiểu cách, Huang tự tin nói rằng "có lẽ anh là người đầu tiên giúp thành lập một bảo tàng ở tuổi 20."

Những nhà sưu tập nghệ thuật thế hệ millennials Châu Á ngày càng chịu chi

anh1

Nhà sưu tập người Indonesia Tom Tandio "không bao giờ mua một tác phẩm nếu chưa biết rõ về nghệ sĩ và ý tưởng của họ." (Ảnh: SongEun Art Space)

Theo Art Basel 2019 và báo cáo của UBS Global Art Market xuất bản hồi tháng 3, có 45% các nhà sưu tập mĩ thuật ở Singapore và 39% ở Hong Kong thuộc thế hệ millennials. 

Con số này trước ngược hẳn với các nước phương Tây nơi hầu hết các nhà sưu tập đã bước sang tuổi 50. Các nhà sưu tập trẻ Châu Á cũng năng động hơn khi mua số lượng tác phẩm nghệ thuật mới nhiều hơn gấp hai lần so với các đồng nghiệp lớn tuổi của mình trong năm ngoái.

Báo cáo nói trên cũng cho biết thêm rằng "miếng bánh" trong khối tài sản toàn cầu để đầu tư cũng giảm xuống 10% trong năm 2018, trong khi đó con số này của Trung Quốc tăng gấp đôi. 

Châu Á hiện nay đang chiếm 36% trong khối tài sản để đầu tư vào mĩ thuật, vượt qua cả Châu Âu và Mỹ. 

Không quá ngạc nhiên khi sự hiện diện của các nhà sưu tập Châu Á trong danh sách 200 nhà sưu tập hàng đầu cũng tăng từ 3% đến 30% trong một thập niên vừa qua.

Thế nhưng, những con số nói trên là chưa đủ để thể hiện được tầm ảnh hưởng của thế hệ millennials Châu Á – những người đang điều hành các cuộc đấu giá, bán các tác phẩm trong phòng trưng bày và phát triển bảo tàng mỹ thuật, cả tư nhân và công cộng. 

Tất cả được thực hiện bằng một nhận thức sớm và sâu rộng về các xu hướng mới liên quan đến sáng tạo nghệ thuật đương đại thông qua trải nghiệm nhờ du lịch và dễ dàng tiếp cận với các hình ảnh trên mạng xã hội. 

Nhờ các nhà sưu tập này, Châu Á đang nhanh chóng rũ bỏ những tàn dư của chủ nghĩa địa phương và chuyển động theo dòng chảy của mĩ thuật đương đại thế giới.

"Họ nhận thức được những gì mình đang làm, biết những gì mình thích và thỉnh thoảng sẵn sàng di chuyển từ Brussels về Thượng Hải chỉ để xem triển lãm, biên giới quốc gia không còn là giới hạn với họ", Rene Meile, đồng giám đốc Galerie Urs Meile, có văn phòng tại Bắc Kinh, Trung Quốc và Lucerne, Thuỵ Sỹ, chia sẻ. 

"Nhiều người lấy cảm hứng từ một buổi đấu giá hồi năm ngoái ở Nhật Bản như một nhà sưu tập 30 tuổi đã mua tác phẩm Basquiat của Jean-Michel với giá 111 triệu USD," Meile nói thêm. "Nhóm nhà sưu tập mới này rất sành và mức độ trưởng thành của họ vượt qua tốc độ của thị trường."

Đam mê sưu tập bắt đầu từ cuộc sống

anh2

Nhà sưu tập Michael Xufu Huang cùng một bức tranh trong bộ sưu tập của mình. (Ảnh: John Krich)

Câu chuyện của làn sóng những nhà sưu tập mới dường như không chỉ giới hạn ở Trung Quốc. 

Năm 2014, khi hoàn thành khoá học luật tại quê nhà Singapore, Ryan Su, quyết định tập trung chuyên sâu vào lĩnh vực quyền sở hữu liên quan đến các tác phẩm nghệ thuật. 

"Tôi đã gỡ rối nhiều vụ tranh chấp với các công ty lưu trữ, các tác phẩm bị chuyển nhầm, bị hải quan giữ lại hoặc thậm chí cả các di sản văn hoá bị lấy trộm –thỉnh thoảng các nghệ sĩ trả công cho tôi bằng các tác phẩm nghệ thuật", Su chia sẻ.

"Nhưng tôi không sưu tập vì niềm tự hào quốc gia. Ban đầu, tôi nghĩ là mình thấy hứng thú với Andy Warhol và cách sử dụng màu sắc của ông. Ông qua đời năm tôi ra đời nhưng giờ tôi vẫn có thể mua những tấm hình Polaroid gốc mà Warhol đã dựa vào chúng để vẽ. 

Ngay cả các quan chức ở đại sứ quán Mỹ cũng không thể tin số lượng tác phẩm thuộc trường phái ấn tượng trừu tượng mà tôi có".

Chỉ trong vòng hai năm, ở độ tuổi 29, Su tự đặt cho mình câu hỏi: "Đâu là mục đích cuối cùng của hành trình này?", Câu trả lời của anh đã mở lối cho sự ra đời của Ryan Foudation, một tổ chức "cổ vũ, cho mượn các tác phẩm nghệ thuật" và hơn thế nữa. 

"Tôi gọi mình là một người kích hoạt chứ không phải một nhà sưu tập", Ryan chia sẻ. "Tôi thích hiện thực hoá mọi thứ và như ở nhiều quốc gia Châu Á, các cá nhân sẽ tự mình vận động khi giới chức không đầu tư nhiều vào việc lưu trữ các tác phẩm nghệ thuật".

Ryan đã từng giúp các tác phẩm của một nữ diễn viên có tên Lucy Liu và một nghệ sĩ Singapore xuất hiện tại một buổi triển lãm thu hút được 4.000 người. 

Bên cạnh đó, những tấm hình Polaroids mà anh có như nhắc đến bên trên cũng trở thành một triển lãm di động của Warhol lớn nhất Đông Nam Á. 

Ryan không cảm thấy sự cần thiết của việc mở một không gian triển lãm cố định bởi anh cho rằng thế hệ của mình đã quen với "trạng thái di động" qua những hình ảnh đã được số hoá.

Sutima Sucharitakul, một người Thái học ngành lịch sử mĩ thuật và từng làm việc tại bộ phận mĩ thuật Châu Á tại Bảo tàng Metropolitain, New York, cũng có trải nghiệm tương tự. "Giống như nhiều người thuộc thế hệ của tôi đã đi đây đi đó rất nhiều, tôi không muốn về nước để làm một công việc bình thường," Sutima nói. 

Cô tận dụng bản năng của một nhà sưu tập để thành lập phòng triển lãm Nova Comtemporary ở Bangkok, Thái Lan.

"Với tôi, nghệ thuật không phải một món hàng, nó cũng không phải một vật trang trí hay một bộ váy áo mà rồi bạn sẽ cảm thấy chán", cô chia sẻ. 

"Mỗi tác phẩm thể hiện cuộc sống của tôi, đẹp đẽ và cũng mang tính chất lịch sử". Sutima thừa nhận rằng cô sẽ trở thành một người xấu nếu không hỗ trợ nghệ sỹ Thái. Thế nhưng gần đây cô lại dành không gian của mình tại triển lãm Art Basel ở Hong Kong để quảng bá Moe Satt, một nghệ sỹ trẻ người Myanmar với tác phẩm cánh chim và chiếc chuồng.

Vào cuộc sớm và trở thành những người định hình xu hướng

anh3

Nhà sưu tập Sutima Sucharitakil, bên trái, tại triểm lãm Art Basel cùng nghệ sĩ Myanmar Moe Satt. (Ảnh: John Krich)

Với Tom Tandio, một nhà sưu tập 38 tuổi người Indonesia, những nhà sưu tập "có vai trò thúc đẩy ranh giới và có thể để lại những ảnh hưởng lớn ở các quốc gia đang phát triển". 

Là một cựu nhân sự làm việc trong ngành ô tô, Tandio cho hay anh bắt đầu sư tập bằng cách chọn những tác phẩm đương đại Trung Quốc để đầu tư, thế nhưng giờ thì anh "không bao giờ mua thứ gì trừ khi biết rõ về nghệ sỹ". Tandio nói thêm anh từng không bao giờ đi đây đó để xem triển lãm nhưng giờ thì đó là "điều duy nhất tôi làm".

Sự thành công trong sự nghiệp sưu tập của Tandio khiến anh trở thành giám đốc của phiên bản Art Jakarta tiếp theo.

 Đây là một triển lãm phản ánh được sự năng động trong nghệ thuật Indonesia. "Tôi không phân chia nghệ thuật theo khu vực, cũng không dán nhãn cho chúng và không xem việc sưu tập chỉ là thu thập một đống các chủ thể đơn thuần" anh nói. "Mỗi tác phẩm phải làm tôi nhìn nhận thế giới khác đi".

Với các nhà sưu tập khác, chìa khoá là "tìm thấy những gì mình thích và vào cuộc sớm", Huang nói. Dù mang hơi hướng phương Đông hay phương Tây, anh chia sẻ thêm: "Không có gì tuyệt bằng việc trở thành người định hình xu hướng".

Thái Sơn