|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Dòng chảy hàng hóa của TP HCM và 45 tỉnh, thành được lưu thông

13:53 | 27/09/2019
Chia sẻ
Các doanh nghiệp có điều kiện nắm bắt tín hiệu thị trường, định hướng sản xuất, đáp ứng nhu cầu của nhiều đơn vị trong chuỗi cung ứng hàng hóa, nhất là hỗ trợ sản phẩm đặc sản địa phương, nông sản thực phẩm an toàn tìm được đầu ra và tiến đến xuất khẩu.

Tại Hội nghị kết nối cung – cầu hàng hóa giữa TP HCM và 45 tỉnh, thành phố năm 2019 – 2020 khai mạc sáng 26/9, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết chương trình kết nối cung, cầu năm nay có đến 45 địa phương tham gia.

Trong đó, có gần 1.500 doanh nghiệp cung ứng và hơn 800 doanh nghiệp thu mua, đơn vị phân phối hiện đại, doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu, nhà hàng đạt chuẩn du lịch, khách sạn chuẩn 3 sao trở lên, doanh nghiệp suất ăn công nghiệp, bếp ăn tập thể.

"TPHCM tiếp tục kết nối hàng hóa giữa nhà sản xuất và nhà phân phối các tỉnh, thành, định hướng hoạt động sản xuất chuyển dịch từ 'sản xuất cái mình có' sang 'sản xuất cái người tiêu dùng cần', bà Trang cho hay.

Ghi nhận tại hội nghị lần này, các doanh nghiệp ở khu vực Đông - Tây Nam bộ tập trung giới thiệu các mặt hàng đặc sản thủy hải sản, nông sản tươi và qua chế biến từ chuối, gạo, xoài… 

Các doanh nghiệp miền Trung và Tây Nguyên trưng bày nhiều loại hồ tiêu, trà, hạt điều, cà phê, mật ong… Còn doanh nghiệp từ phía Bắc đem vào sản phẩm chủ yếu từ quế và nghệ với mong muốn mở rộng thị trường.

53b358f5015ce602bf4d

9acc1185482caf72f63d

Các gian hàng tham gia hội nghị kết nối cung-cầu hàng hóa tại TP HCM. Ảnh: Như Huỳnh.

Bên cạnh hàng nông sản an toàn từ các tỉnh, thành lân cận còn có các sản phẩm công nghiệp tiêu dùng, thực phẩm chế biến, sản phẩm chủ lực của TP HCM. 

Đặc biệt đây cũng là năm đầu tiên TP HCM làm đầu mối giới thiệu nông sản đặc sản của các tỉnh thành cho hệ thống nhà hàng khách sạn trên địa bàn.

Theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp, thực tế một số chủ khách sạn, nhà hàng ở TP.HCM dù có nhu cầu về sản phẩm sạch, đặc sản lạ, độc của nhiều địa phương, tuy nhiên họ cần một đầu mối tập trung để dễ quản lí hệ thống và cung cấp hàng ổn định, đảm bảo chất lượng, đảm bảo các điều kiện giao nhận, kế toán, hóa đơn… chặt chẽ và thuận lợi.

"Do đó, việc kết nối cung cầu này sẽ giúp đơn vị sản xuất, kinh doanh nắm bắt được tín hiệu thị trường, định hướng sản xuất, hình thành chuỗi liên kết chặt chẽ giữa nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng", ông Trương Văn Thôi, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chia sẻ với người viết.

17af57f10e58e906b049

f7d6c5b39c1a7b44220b

Rất nhiều sản phẩm được trưng bày, giới thiệu với khách tham quan. Ảnh: Như Huỳnh.

Đồng quan điểm ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho rằng: "Thực tế cho thấy, thị trường nội địa đang trở thành nền tảng của nền kinh tế, lượng tiêu thụ hàng hoá ngày càng lớn, doanh thu bán lẻ tăng cao, chứng tỏ sức hút từ thị trường nội địa rất lớn.

Vì vậy để đảm bảo ổn định đầu ra cho sản xuất trong nước, cần có nhiều hơn nữa các hội nghị kết nối cung cầu hàng hoá, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu", ông Lập nói.

Cũng theo Phó giám đốc Sở Công Thương TP HCM một trong những thành công của chương trình kết nối cung cầu hàng hoá giữa TP HCM và các tỉnh, thành là số doanh nghiệp tham gia và hợp đồng, mặt hàng cung ứng được các bên kí kết ngày càng nhiều.

Tính lũy kế đến nay, có 2.283 hợp đồng nguyên tắc được kí kết. Cụ thể, năm 2018 có 397 hợp đồng. Trong đó, một số địa phương có nhiều biên bản ghi nhớ tại hội nghị năm 2018 là Long An, Đồng Tháp, Lâm Đồng, Cà Mau, Bà Rịa - Vũng Tàu...

Năm nay hội nghị đặt mục tiêu trên 500 biên bản và hợp đồng ghi nhớ được kí kết tại hội nghị lần này. 

Đồng thời, sau hội nghị, các đơn vị đã có thông tin liên lạc của nhau và sẽ tiếp tục đàm phán, tìm tiếng nói chung, tiến đến liên kết, hợp tác trong thời gian tới đây, bà Nguyễn Huỳnh Trang nói.

f435de5c87f560ab39e4

Nhiều loại trái cây đặc trưng vùng miền có cơ hội đến tay người tiêu dùng. Ảnh: Như Huỳnh

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, qui mô và hiệu quả của Hội nghị ngày càng lan tỏa, số lượng doanh nghiệp tham gia tăng vượt bậc, nguồn cung hàng hóa dồi dào, chất lượng sản phẩm được nâng cao…

Đây không chỉ là kênh kết nối cung cầu hàng hóa thiết yếu phục vụ tốt cho nhu cầu mua sắm của người dân mà còn góp phần bình ổn thị trường, chống lạm phát đồng thời mở ra nhiều cơ hội cho các thành phần kinh tế hợp tác sản xuất kinh doanh hiệu quả, Thứ trưởng nhận định.

Tuy nhiên, Thứ trưởng lưu ý, trong mối liên kết cung cầu, các doanh nghiệp cần tăng cường công tác mở rộng thị trường trong nước, đầu tư để xây dựng thương hiệu cho hàng Việt, phát triển đa dạng loại hình doanh nghiệp, đổi mới hình thức kinh doanh và kết nối trong sản xuất, tiêu thụ hàng hóa. 

Đồng thời, các doanh nghiệp cần kết hợp với chương trình bình ổn thị trường, chương trình xây dựng nông thôn mới, nhất là dịp cuối năm, lễ tết...

Như Huỳnh