|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Donald Trump đã là quá khứ, hiện thách thức lớn nhất của TPP là Thủ tướng Canada

14:53 | 22/11/2017
Chia sẻ
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã là một vấn đề cũ đối với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hiện Thủ tướng Canada Justin Trudeau mới là khó khăn lớn nhất để đạt được thỏa thuận này.
donald trump da la qua khu hien thach thuc lon nhat cua tpp la thu tuong canada justin trudeau
Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Ảnh: Bloomberg

Truyền thông Australia và Nhật Bản đã chỉ trích Thủ tướng Canada vì không xuất hiện trong hội nghị cấp cao diễn ra hôm 10/11 tại Việt Nam với sự tham gia của 10 nhà lãnh đạo các nước thành viên khác vẫn tham gia vào TPP

Trong khi Nhật Bản rất muốn nhanh chóng đạt được thỏa thuận về hiệp định mà ông Trump rời đi hồi đầu năm nay, Canada cho biết cần đàm phán nhiều hơn về những điểm gây tranh cãi.

Theo một quan chức chính phủ Canada, quốc gia này nhìn nhận khung thỏa thuận đạt được tại thành phố Đà Nẵng như là một cách để tiếp tục các đàm phán và không phải là một thoả thuận tạm thời. Chính phủ của ông Trudeau cho rằng Nhật Bản và Australia đang gây áp lực với Canada nhằm ngăn chặn các nền kinh tế nhỏ hơn như Việt Nam, Malaysia và Brunei tiếp tục đưa ra những thay đổi khác.

Sau khi ông Trump rời khỏi TPP, Nhật Bản đã thúc đẩy để hoàn thành thỏa thuận, thống nhất với các thành viên khác tạm ngừng 20 quy tắc của hiệp định, một phần hy vọng Mỹ sẽ gia nhập trở lại vào một ngày nào đó.

Theo tờ Sankei của Nhật Bản đăng tải trong tuần này, trích dẫn lời của một nhà đàm phán giấu tên, Nhật Bản muốn đạt thỏa thuận càng sớm càng tốt, và có thể sẽ tiếp tục hoàn thành thỏa thuận mà không có Canada nếu cần thiết. Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg vào tuần trước, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi kêu gọi các thành viên còn lại tham gia vào thỏa thuận trước khi một số người phải đối mặt với các cuộc bầu cử vào năm tới.

Cộng đồng nói tiếng Pháp

Canada đang tìm cách củng cố quy tắc miễn trừ văn hoá trong thỏa thuận cho phép chính phủ của ông Trudeau hỗ trợ quyền ngôn ngữ của cộng đồng nói tiếng Pháp, đóng vai trò quan trọng đối với cơ sở cử tri của ông. Động thái này cho thấy chính phủ của ông Trudeau muốn tự do trợ cấp và khuyến khích việc sử dụng tiếng Pháp và các chương trình khác, đặc biệt là nội dung số và trực tuyến của người Canada, mà không phải lo ngại về thách thức thương mại.

Ông Trudeau tiếp nhận TPP từ người tiền nhiệm Stephen Harper và luôn không hết lòng ủng hộ thỏa thuận. Ông cho biết Canada sẽ không hối thục về thỏa thuận TPP, và chính phủ của ông gần như bị phân tâm bởi các cuộc đàm phán NAFTA đang diễn ra với Mỹ và Mêhicô.

Vị quan chức Canada giấu tên đề cập ở trên cũng nói họ lo ngại việc cho phép TPP hiện tại nói tới các ngoại lệ về văn hoá sẽ làm phức tạp thêm các cuộc đàm phán NAFTA, đặc biệt khi Trump đe dọa rút lui như ông đã làm với TPP.

Bài báo của Sankei chỉ ra rằng các quốc gia khác bao gồm cả Nhật Bản sẽ không ủng hộ việc thay đổi miễn trừ văn hóa, một chủ đề Phó Tổng thứ ký nội các Nhật Bản, Kotaro Nogami tranh luận hôm thứ Ba.

"Đề xuất này chưa bị bác bỏ tại thời điểm này. Chúng tôi đã thống nhất tại Đà Nẵng rằng 11 quốc gia nên thúc đẩy để TPP có hiệu lực, và chúng tôi không thảo luận về việc thông qua thỏa thuận mà không có một quốc gia cụ thể nào", ông Nogami nói.

Trong khi, Báo cáo Tài chính Australia công bố ngày 16/11 cho biết, Bộ trưởng Thương mại quốc gia này, Steve Ciobo hồi đầu tháng này đã nói rằng việc ông Trudeau không xuất hiện tại hội nghị TPP ở Việt Nam là một điều thất vọng. Điều đó có thể làm Canada mất đi cơ hội được tham gia vào Hội nghị cấp cao Đông Á, một nhóm 18 quốc gia liên quan tới các vấn đề kinh tế và an ninh trong khu vực.

Lyly Cao

Ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ có ảnh hưởng đến mục tiêu GDP của Việt Nam?
Theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, ông Donald Trump trở lại vị trí Tổng thống Mỹ vào năm tới có thể sẽ giải quyết các cuộc xung đột đang leo thang theo hướng hòa bình, làm cho chính trị thế giới ổn định hơn. Từ đó, nhiều nền kinh tế phát triển trong đó có Mỹ sẽ tăng trưởng tốt hơn, thu nhập người dân cao hơn khiến nhu cầu mua sắm tăng lên sẽ thúc đẩy xuất hàng hóa từ Việt Nam.