Đón xu hướng dòng vốn FDI vào Việt Nam
Chất lượng dự án tăng lên
Ông Đỗ Nhất Hoàng – Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài cho biết, tính đến cuối tháng 8/2022, tổng vốn đăng ký đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 16,7 tỷ USD, giảm 12,3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, vốn thực hiện là 12,8 tỷ USD, tăng 10,5% và vốn đăng ký tăng thêm 7,5 tỷ USD, tăng 50,7%. Đáng chú ý, chất lượng đầu tư các dự án được nâng lên, đạt bình quân 14,7 triệu USD/dự án, cao hơn năm 2021 (hơn 10 triệu USD/dự án). Qua đó, cho thấy các dự án đầu tư ngày càng có quy mô và chất lượng hơn.
Riêng khu vực các tỉnh, thành phố phía Nam về thu hút đầu tư nước ngoài, dẫn đầu là Thành phố Hồ Chí Minh, tiếp đến là Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh… Trong số đó, tỉnh Bình Dương nổi lên là địa phương đón làn sóng đầu tư nước ngoài chiếm ưu thế nhất. Tính lũy kế 8 tháng của năm 2022, tỉnh thu hút được gần 2,6 tỷ USD (tăng 72% so với cùng kỳ năm 2021).
Bình Dương tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư khi các dự án lớn được đầu tư tại đây. Điển hình như nhà máy sản xuất đồ chơi của Tập đoàn Lego (Đan Mạch) đầu tư 1 tỷ USD tại Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore III; nhà máy sản xuất đồ trang sức của Tập đoàn Pandora (Đan Mạch) đầu tư 100 triệu USD. Lũy kế đến nay toàn tỉnh Bình Dương có 4.063 dự án FDI từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký 39,5 tỷ USD.
Ông Đỗ Nhất Hoàng cho biết thêm, gần đây do tình hình thế giới có nhiều biến động; các chuỗi cung ứng đứt gãy sau đại dịch COVID-19 và Trung Quốc được coi là “đại công xưởng” của thế giới tiếp tục theo đuổi chính sách “Zero COVID”. Do vậy, các nhà đầu tư đang lên kế hoạch tái cấu trúc dòng vốn đầu tư. Theo đó, việc các nhà đầu tư nước ngoài một lần nữa phải tái cấu trúc để chuyển dịch dòng vốn sang đầu tư thị trường khác là cơ hội cho Việt Nam nói chung và khu vực các tỉnh, thành phía Nam nói riêng. Dự báo xu hướng đầu tư này sẽ chuyển dịch mạnh mẽ từ nay đến năm 2023, với sự xuất hiện của nhiều tập đoàn lớn.
Để đón bắt cơ hội, các tỉnh, thành cần liên kết vùng nhằm hình thành hệ sinh thái đủ hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư công nghệ. Hệ sinh thái hấp dẫn nhất hiện nay là sản xuất chip điện tử đang “hút” hàng trên thế giới. Qua đó, hiện có những doanh nghiệp trong nước bắt nhịp được xu thế này và đã liên kết thành chuỗi cung ứng, gia công các linh kiện trong hệ sinh thái sản xuất chip.
Dự kiến Việt Nam sẽ thu hút được các dự án điện, điện tử, công nghiệp chế biến chế tạo của Hàn Quốc đang tìm kiếm cơ sở sản xuất để xuất khẩu tại thị trường mới. Cùng đó, những lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, phi sản xuất, công nghiệp phụ trợ sẽ tiếp tục thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong trung hạn (2 - 3 năm tới), các tập đoàn công nghệ vẫn ưu tiên lựa chọn Việt Nam làm địa điểm đầu tư hoặc mở rộng đầu tư, đặc biệt là các lĩnh vực sản xuất chế tạo. Trong số đó, nhiều lĩnh vực “hot” như: công nghệ, sản xuất, dược phẩm, năng lượng... là những lĩnh vực mà Việt Nam có cơ hội thu hút.
Tận dụng cơ hội
Tại hội nghị giao ban, nhiều ý kiến cho rằng, các tỉnh, thành phố đang thiếu, thậm chí gặp khó để cạnh tranh khi giá đất trong khu công nghiệp vượt ngưỡng 200 USD/m2. Bên cạnh đó, thiếu lực lượng lao động có kỹ năng, nhất là nguồn lao động công nghệ cao; thiếu các gói chính sách ưu đãi đầu tư vượt trội và linh hoạt để thu hút các dự án FDI; nguy cơ bị tụt hậu trong công cuộc số hóa các hoạt động thu hút, xúc tiến đầu tư; cập nhật thông tin và các báo cáo lên hệ thống thông tin quản lý quốc gia chưa đầy đủ và kịp thời…
Để tận dụng xu hướng chuyển dịch chuỗi sản xuất toàn cầu và thu hút FDI, đại diện Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, các tỉnh, thành cần tranh thủ cơ hội thu hút có chọn lọc dòng vốn FDI chất lượng phù hợp với nhu cầu của Việt Nam. Dự kiến đầu tư nước ngoài vẫn tăng trưởng trong năm 2022 và sẽ bứt phá trong các năm tới khi các quốc gia đang dần mở cửa nền kinh tế, thích ứng với điều kiện bình thường mới.
Ngoài ra, chuẩn bị đội ngũ lao động có tay nghề để đón đầu, đáp ứng được yêu cầu về năng lực cho những dự án đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ cao. Tập trung chuyển đổi hoạt động xúc tiến đầu tư và quản lý đầu tư nước ngoài, khai thác các nền tảng công nghệ số và dịch vụ trực tuyến để hỗ trợ các nhà đầu tư và doanh nghiệp với thủ tục nhanh gọn. Đồng thời, có cơ chế riêng để đón nhận các dòng vốn từ các tập đoàn lớn vào Việt Nam. Cụ thể, các tỉnh, thành phố cần cải cách nhanh hơn về đơn giản hóa các thủ tục hành chính; thành lập các Tổ Công tác chuyên trách để đàm phán, hỗ trợ các dự án lớn.
Các địa phương cũng phải chuẩn bị sẵn sàng mặt bằng cho sản xuất, đặc biệt là đất các khu công nghiệp; các điều kiện về cơ sở hạ tầng, năng lượng…
Theo ông Phạm Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc Tổng công ty Becamex, xu thế giá đất nhìn chung sẽ tăng. Hiện với mức giá 200 USD/m2 trong khu công nghiệp ở khu vực Đông Nam Bộ đã phải tìm "đỏ mắt". Trong khi đó, tâm lý người dân muốn đền bù, giải tỏa đất làm khu công nghiệp với giá cao nhất. Cộng với chi phí tiền thuê đất, đầu tư cơ sở hạ tầng và các yếu tố khác để tạo ra hệ sinh thái mới về khu công nghiệp xanh hiện nay thì không thể nào đưa được mặt bằng giá về thấp.
“Như vậy, sức cạnh tranh sẽ hạn hẹp, mất đi cơ hội và nhà đầu tư sẽ di chuyển đến nơi khác” – ông Thuận băn khoăn về vấn đề này.