|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cựu Thủ tướng Israel chia sẻ về cách thu hút FDI để quốc gia 'lợi đơn, lợi kép'

14:38 | 16/08/2022
Chia sẻ
Theo Cựu Thủ tướng Israel Ehud Barak việc thu hút các tập đoàn FDI lớn với trình độ công nghệ tiên tiến sẽ giúp quốc gia đó “lợi đơn, lợi kép” vừa đào tạo nguồn nhân lực, vừa phát triển kinh tế quốc gia.

Cựu Thủ tướng Israel Ehud Barak vừa có những chia sẻ về cách thu hút FDI của Israel trong chương trình "Một ngày với Cựu Thủ tướng Israel Ehud Barak: Tầm nhìn và vận hội Việt Nam trong kỷ nguyên khai sáng toàn cầu" diễn ra sáng 16/8. 

Ông nhấn mạnh với mỗi quốc gia, nhất là các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) rất quan trọng bởi nó mang lại nhiều lợi ích.

"Cách chúng tôi thu hút vốn FDI là tạo cho họ những lợi thế nhất định, cố gắng hiểu và đáp ứng những điều họ mong đợi", ông nói.

 Cựu Thủ tướng Israel Ehud Barak phát biểu tại sự kiện sáng 16/8. (Ảnh: Hạ An).

Lợi ích là yếu tố hàng đầu thu hút doanh nghiệp

Cựu Thủ tướng Israel kể lại, khi Intel có kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất chip tại khu vực, Israel đã phải cạnh tranh với Ireland nhằm thu hút công ty này.

"Khi còn là Thủ tướng, tôi đã quyết định dành cho Intel 600 triệu USD để đảm bảo rằng tập đoàn này sẽ đầu tư 4-5 tỷ USD vào Israel thay vì vào Ireland. Ngoài khoản trợ cấp từ chính phủ, chúng tôi đã giảm thuế tiêu thụ đặc biệt trong 10 năm đầu để đảm bảo rằng tập đoàn không chuyển hướng tới Ireland khi được cung cấp các điều khoản tốt hơn.

"Doanh nghiệp đến đầu tư tại một quốc gia không phải để giúp quốc gia đó mà đơn giản họ làm ăn kinh doanh và mong muốn có lãi. Nếu nắm được logic này sẽ thắng lợi trong thu hút đầu tư FDI", Cựu Thủ tướng Ehud Barak nói.

Vậy đổi lại, Israel được gì? Gần 20 năm sau khi Intel đầu tư, họ cần nguồn nhân lực và đội ngũ nhân viên chất lượng cao, do đó họ lại đầu tư vào các trường đào tạo sinh viên ở khu vực xung quanh. Họ cũng nhận vai trò giảng dạy bộ môn toán và khoa học ở tất cả các trường xung quanh nhà máy 30 km.

Theo cựu Thủ tướng Israel, điều đó đã giúp thay đổi toàn bộ khu vực nông thôn xung quanh, giúp các em học sinh và sinh viên tại quốc gia này tiếp cận được đội ngũ giảng viên có trình độ hàng đầu. Không bao lâu sau, nguồn nhân lực tại đây trở thành khu vực nắm công nghệ tiên tiến nhất. Như vậy, Israel “lợi đơn, lợi kép” vừa đào tạo nguồn nhân lực, vừa phát triển kinh tế quốc gia.

"Hiện các công ty toàn cầu như Google, Amazon đều có trung tâm nghiên cứu phát triển tại Israel, có nghĩa là Microsoft, Intel hoặc Google đều có hàng trăm, đôi khi hàng nghìn người làm việc ở Israel trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển. Điều đó tạo ra một cú hích, sự phát triển thực sự cho Israel", ông chia sẻ.

 Cựu Thủ tướng Israel Ehud Barak có phần trao đổi cùng các diễn giả Việt Nam. (Ảnh: Hạ An). 

Rất ít nhà đầu tư chấp nhận bỏ tiền vào một môi trường bất định

Đề cập đến Việt Nam, ông cho rằng khi thu hút FDI vào một số ngành công nghệ, điện tử hoặc thông tin, Việt Nam phải cạnh tranh với các nước khác trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore, thậm chí là Úc - những nước đưa ra ưu đãi tốt hơn cho các nhà đầu tư. 

Ông nói đến điều quan trọng thứ hai trong thu hút FDI. Đó là nhà đầu tư cũng muốn một môi trường ổn định, luật pháp, chính sách lâu dài, ít sự thay đổi. Rất ít nhà đầu tư chấp nhận bỏ tiền vào một môi trường hay thay đổi và không thể tiên liệu trước, cái họ cần là sự ổn định.

"Một doanh nghiệp FDI khi vào một quốc gia họ xác định đầu tư trong vòng 20 năm, 30 năm hoặc lâu hơn thế, vì vậy, một môi trường ổn định cả về thể chế chính trị lẫn chính sách dành cho nhà đầu tư là điểm đến hàng đầu", ông nhấn mạnh.

Ngoài ra việc học hỏi từ các doanh nghiệp FDI sẽ nâng cao trình độ của các doanh nghiệp và cả nguồn nhân lực trong nước, từ đó phát triển các khu vực kinh tế nội địa.

Cựu Thủ tướng Ehud Barak cũng nói thêm rằng, Việt Nam có khát vọng vươn lên trở thành nền kinh tế phát triển vào năm 2045, vì vậy lời khuyên duy nhất của ông là phải tự lập kế hoạch, phải chú trọng vào giáo dục.

Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của các nước khác như Nhật Bản, cách họ đã vươn lên sau Thế chiến thứ hai, từ một nước bại trận trở thành nước dẫn đầu các nước lớn. Nhật Bản chỉ lớn hơn Việt Nam một chút nhưng rất tiên tiến bởi năm 1870, họ bắt đầu tiếp cận với trình độ công nghệ cao như phương Tây.

Ngoài ra, có thể học hỏi nhiều điều từ Singapore và Israel. Việc học hỏi có nghĩa là hợp tác, trao đổi sinh viên, gửi học giả tới cả hai bên, mời họ đến với các điều khoản ưu đãi. Các công ty Nhật Bản đến làm việc tại đây vì họ biết công nghệ, biết robot hóa, họ làm nên những điều kỳ diệu trong sản xuất.

"Những người Singapore mà tôi nhớ khi chúng tôi bắt đầu hợp tác, họ thuộc thế giới thứ ba, kém phát triển nhưng bây giờ họ đã vượt qua Israel sau khoảng 50 năm, ông Ehud Barak cho hay. 

Hạ An