|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Samsung, LG, Intel liên tục mở rộng đầu tư, Việt Nam cần làm gì để tăng vị thế cạnh tranh trên 'bản đồ FDI'?

15:28 | 27/07/2022
Chia sẻ
Nhiều tập đoàn lớn như Samsung, LG, Intel,… liên tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam sau một thời gian đầu tư và hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, theo các chuyên gia để giữ vị thế cạnh tranh trên "bản đồ FDI" khu vực, Việt Nam cần hoàn thiện chế đầu tư cũng như tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.

Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 10,06 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, đây là mức tăng cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 5 năm qua.

Trong đó, công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ đang là mũi nhọn trong quá trình phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19. 

Samsung, LG, Intel,...liên tục mở rộng đầu tư

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2022, thu hút FDI ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 7,65 tỷ USD, chiếm 76,1% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 881,3 triệu USD, chiếm 8,8%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 823,2 triệu USD, chiếm 8,2%.

Có thể thấy, vốn FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm đa số và bỏ xa các lĩnh vực hấp dẫn vốn ngoại thứ 2 và thứ 3 là bất động sản và sản xuất, phân phối điện.

Đáng chú ý, không chỉ thu hút lượng vốn đầu tư khủng, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo còn có sức hấp dẫn đối với những tập đoàn công nghiệp lớn, có tầm ảnh hưởng trên thế giới như: Samsung, LG, Intel,… Những tập đoàn này liên tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam sau một thời gian đầu tư và hoạt động hiệu quả.

Samsung là một trong các doanh nghiệp FDI lớn nhất tại Việt Nam với tổng giá trị đầu tư lên đến hơn 20 tỷ USD. Vào tháng 6/2022, Samsung tiếp tục tăng vốn đầu tư thêm 841 triệu USD cho Samsung Complex HCMC – SEHC (nhà máy sản xuất các sản phẩm tivi, thiết bị điện tử gia dụng lớn nhất toàn cầu của Samsung).

Không chỉ có Samsung, LG cũng đã 2 lần tăng vốn trong năm ngoái cho LG Display, lúc đầu năm là 750 triệu USD và cuối năm thêm 1,4 tỷ USD, đưa tổng vốn đầu tư của LG Display tại Việt Nam lên 4,65 tỷ USD. 

Theo các chuyên gia kinh tế, việc Việt Nam thu hút nhiều dự án FDI lớn vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo không chỉ tạo công ăn việc làm mà còn tăng sức hấp dẫn cho môi trường đầu tư, tăng vị thế của Việt Nam trong bản đồ kinh tế thế giới. Đây là điều tích cực trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi sau 2 năm chùng xuống do dịch bệnh COVID-19.

Cũng theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong lĩnh vực chế biến, chế tạo 6 tháng đầu năm 2022, nhiều địa phương ghi nhận tăng trưởng rất mạnh so với cùng kỳ năm trước. Điển hình như Bắc Giang tăng 48,9%; Quảng Nam tăng 25,4%; Hà Giang tăng 23%; Bình Phước tăng 23,7%; Sơn La tăng 14,4%; Đắk Lắk tăng 10%; Bắc Ninh tăng 19,8%; Bạc Liêu tăng 8,9%.

Một địa phương có mức tăng trưởng mạnh và ổn định là Hải Dương, tính chung 6 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp tại Hải Dương ước tăng 16,9% trong đó, ngành sản xuất linh kiện điện tử tăng 19,3% so với cùng kỳ. Ngành sản xuất thiết bị điện tăng 20,7%, sản xuất máy móc thiết bị tăng 31,1% so với cùng kỳ. Một số sản phẩm chính đó là tổ máy phát điện tăng 28,9%; bơm nước một tầng tăng 33,3%; máy khâu loại khác trừ máy khâu sách và máy khâu gia đình tăng 29,9%...

Ngành sản xuất xe có động cơ tăng 13,5% so với cùng kỳ; trong đó sản phẩm xe có động cơ chở được từ 5 người tăng 70,4%; tăng cao do chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ và việc Công ty TNHH Ford Việt Nam đưa nhà máy sản xuất dòng xe mới vào hoạt động từ tháng 6/2021.

Cải thiện thể chế để cạnh tranh trên bản đồ FDI

  GS. TS. Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE). (Ảnh: Nhà Đầu tư).

Ngoài những điểm sáng để thu hút đầu tư, theo GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài, việc xử lý cấp phép, cấp giấy đăng ký cũng như các công tác sau đăng ký như giải tỏa mặt bằng, hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện dự án vẫn còn chậm ở một số địa phương.

"Không chỉ doanh nghiệp nước ngoài mà một vài doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước cũng phản ánh về tình trạng có những dự án phải mất 2 - 3 năm mới có thể triển khai được kể từ khi có ý tưởng đầu tư", GS.TS. Nguyễn Mại nói.

Hiện tại, cạnh tranh để thu hút đầu tư nước ngoài rất khốc liệt, đặc biệt một số nước ASEAN đang nổi lên về thu hút FDI như Indonesia, Malaysia, Thái lan. Ba quốc gia này đã có thay đổi lớn về thể chế, thủ tục đầu tư, chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư và đem lại kết quả ngay tức thì.

Vì vậy, nếu Việt Nam không nhanh chóng hoàn thiện thể chế đầu tư, đặc biệt liên quan đến thu hút đầu tư về kinh tế xanh, công nghiệp số và vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu 15%, thì rõ ràng chúng ta khó mà cạnh tranh với các nước đang nổi lên trên "bản đồ FDI" của khu vực.  

Còn theo Bộ Công Thương, để thu hút nguồn vốn FDI chất lượng cao cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ở Việt Nam.

Cũng như, từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tăng khả năng cạnh tranh, xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu nhằm hỗ trợ sản phẩm trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa...

Trong dài hạn, cần thống nhất nguồn lực từ Trung ương đến địa phương tập trung đầu tư, phát triển các dự án công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp nền tảng, các ngành sản xuất xuất khẩu chủ lực như công nghiệp vật liệu, công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, ô tô, dệt may, da - giày, điện - điện tử, chế biến thực phẩm...

Tập trung hỗ trợ nâng cao năng lực các doanh nghiệp công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ thông qua các giải pháp hỗ trợ về tín dụng, nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường; cũng như các ưu đãi về thuế và đất đai theo quy định của pháp luật.

Hạ An

Cập nhật kết quả quý I ngân hàng: Techcombank tạm dẫn đầu, LPBank báo lãi tăng mạnh nhất
Nhiều ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý I với lợi nhuận phân hoá rõ nét, bảng xếp hạng lợi nhuận lại tiếp tục có xáo trộn với sự vươn lên trước của Techcombank.