|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đối tượng chịu ảnh hưởng kịch bản Brexit 'cứng'

06:53 | 29/10/2018
Chia sẻ
Nguy cơ về việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, mà không đạt được thỏa thuận đang trở nên rõ nét hơn bao giờ hết.
doi tuong chiu anh huong kich ban brexit cung

Đối tượng chịu ảnh hưởng kịch bản Brexit “cứng”. Ảnh: TTXVN

Điều này gây ra không khí lo lắng bao trùm vì nếu trở thành hiện thực, kịch bản Brexit cứng sẽ kéo theo nhiều hệ lụy đối với nền kinh tế Anh, cũng như châu Âu. Tờ Les Echos (Pháp) mới đây đăng bài phân tích 8 tác động chính của kịch bản không ai mong muốn này.

Đầu tiên, một cuộc “ly hôn” không thỏa thuận sẽ vô hiệu hóa những thỏa hiệp được đưa ra vào tháng 12/2017, trong lúc chờ đợi một thỏa thuận mang tính toàn diện. Vào tháng 7 vừa qua, Bộ trưởng đặc trách về Brexit của Anh Dominique Raab đã cảnh báo rằng trong trường hợp không đạt được thỏa thuận thương mại dài hạn, hóa đơn mà EU yêu cầu Anh phải trả vì Brexit - lên đến khoảng 45 tỷ euro - sẽ không được phía Anh thanh toán.

Đối tượng chịu ảnh hưởng tiếp theo là thỏa hiệp đạt được hồi tháng 12/2017 nhằm xác định quy chế trong tương lai của 3 triệu người châu Âu định cư tại Anh, tùy theo việc họ có nhiều hơn hay ít hơn 5 năm sinh sống trên đất Anh.

Brexit không thỏa thuận có thể dẫn tới việc xem xét lại điều khoản mang tính hòa giải này. Trong khi đó, người Anh ngay lập tức sẽ mất quyền sử dụng thẻ bảo hiểm y tế châu Âu. Vấn đề tự do đi lại trong EU cũng sẽ bị ảnh hưởng thông qua việc kiểm soát biên giới và kiểm tra visa của người Anh - khi đó sẽ được coi là người dân đến từ nước thứ ba.

Cùng với đó, nguy cơ hỗn loạn tại biên giới là không tránh khỏi một khi các trạm kiểm soát hải quan và kiểm dịch được tái thành lập. Theo ông Xavier Bertrand, Chủ tịch vùng Hauts-de-France của Pháp, cứ mỗi 2 phút để kiểm soát hải quan và kiểm dịch đối với từng phương tiện sẽ gây ra đoạn đường tắc nghẽn 27km từ Pháp đến Anh và ngược lại. Mỗi năm có khoảng 4,2 triệu xe vận tải hạng nặng đi qua các cảng Calais, Dunkerque của Pháp và đường hầm dưới eo biển Manche.

Để tránh việc tắc nghẽn này, phía Anh đã dự định biến một con đường cao tốc dài 16 km tại Kent thành chỗ đậu xe cho xe tải đến từ cảng Dover. Ngoài ra, nhà chức trách Anh sẽ phải huy động khoảng 5.000 nhân viên hải quan.

Trong trường hợp kịch bản Brexit không thỏa thuận xảy đến, các sản phẩm của Anh sẽ bị áp thuế theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Điều này sẽ gây thiệt hại cho các nhà xuất khẩu Anh đến 5,6 tỷ bảng (tương đương 7,2 tỷ euro)/năm.

Bên cạnh việc các trạm kiểm soát được thiết lập trở lại, giao thông vận tải sẽ là lĩnh vực đầu tiên chịu tác động. Trong kịch bản xấu nhất, đường hầm dưới eo biển Manche có thể bị đóng do tài xế đang có bằng châu Âu trở nên không hợp lệ cùng với ngày nước Anh chính thức rời khỏi EU.

Các công ty hàng không Anh cùng lúc đó mất quyền điều hành các chuyến bay tại EU. Ngoài ra, giấy phép bay, giấy phép của phi công và những quy định về an ninh hàng không sẽ phải đàm phán lại. Bên cạnh đó, Brexit sẽ tác động tới ngành du lịch của EU bởi theo thống kê năm 2015 có 30 triệu lượt người Anh, bằng 76% dân số Anh, sang du lịch châu Âu.

Trong khi toàn bộ ngành công nghiệp ô tô đang trong tình thế tuyệt vọng, Brexit không thỏa thuận sẽ là kịch bản tồi tệ nhất. Hơn 50% số xe ô tô sản xuất tại Anh (bao gồm Honda, Toyota, Nissan) được bán tại EU và 56% phụ tùng cho ngành công nghiệp ô tô của Anh được sản xuất ở nước ngoài, phần lớn từ EU. Xe ô tô sẽ phải hứng chịu tác động các quy định về thuế của WTO, theo đó giá thành sẽ tăng 10%, trung bình tăng 1.500 bảng đối với mỗi sản phẩm.

Trên thị trường dược phẩm, mỗi năm nước Anh nhập khẩu khoảng 37 triệu hộp thuốc từ châu Âu. Trong trường hợp Brexit cứng, giấy phép thương mại trong lĩnh vực này sẽ có thể không còn giá trị. Hơn nữa, việc thiết lập lại quyền kiểm soát hải quan có thể gây ra sự chậm trễ trong việc giao đơn hàng thuốc đến Anh.

Tổng Giám đốc tập đoàn dược AstraZeneca, ông Pascal Soriot, cho biết : “Chúng tôi có những sản phẩm lưu thông giữa Anh và EU ở các giai đoạn sản xuất khác nhau. Nếu như quá trình này bị phong tỏa từ bất cứ phía nào, chúng tôi sẽ gặp nhiều khó khăn”.

Cũng trong Vương quốc Liên hiệp Anh, Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland cùng chung thị trường năng lượng từ hơn một thập kỷ qua. Bắc Ireland không có khả năng sản xuất đủ năng lượng và phải phụ thuộc vào nhập khẩu từ biên giới phía Nam.

Trong trường hợp xảy ra Brexit cứng vào tháng 3/2019, nguy cơ hiện hữu là Bắc Ireland sẽ không có đủ điện. Chính quyền Bắc Ireland đã phải tính đến việc huy động các máy phát điện có sẵn, kể cả các máy phát điện của quân đội.

Trong khi đó, ngư dân Anh chỉ mơ ước một điều là nước Anh nhanh chóng lấy lại vùng lãnh hải của mình để tiến hành đánh bắt cá một cách tự do, ngay cả khi họ xuất khẩu đến 70% hải sản đánh bắt được sang EU. Brexit không có thỏa thuận, nghĩa là “ai về nhà nấy”, sẽ gây ra những thiệt hại làm giảm sút đến 60% sản lượng đối với những tàu đánh bắt hải sản nước sâu của Pháp và châu Âu./.