Đối thủ của Mixue sẵn sàng miễn phí nhượng quyền, hạ giá bán khiến phân khúc bình dân thêm chật chội
Mixue - thương hiệu bán kem và trà sữa dành cho phân khúc khách hàng thu nhập khiêm tốn đã nhanh chóng mở rộng và xuất khẩu mô hình thành công này ra khắp Đông Nam Á, từ Indonesia tới Việt Nam, Lào.
Hiện tại, Mixue có khoảng 25.000 cửa hàng nhượng quyền trên toàn cầu và công ty Trung Quốc đã lọt vào top 5 chuỗi cửa hàng lớn nhất thế giới, xếp cùng với McDonald's, Subway, Starbucks và KFC. Đầu năm nay, Mixue đã cán mốc 1.000 cửa hàng sau 5 năm có mặt tại Việt Nam.
Công thức thành công của Mixue rất đơn giản: Bán giá phải chăng. Các nhà máy lớn và chuỗi cung ứng rộng khắp đã giúp hãng giữ giá kem và trà tại cửa hàng thấp.
Hầu như tất cả các chi nhánh Mixue đều được nhượng quyền thương mại. Khoảng 95% trong tổng doanh thu 10,3 tỷ nhân dân tệ (1,5 tỷ USD) của công ty vào năm 2021 đến từ việc bán nguyên liệu, bao bì và thiết bị cho các chủ sở hữu nhượng quyền.
Sau thành công của Mixue tại Việt Nam, nhiều đơn vị cũng nhòm ngó tới mảng kinh doanh kem tươi. Thương hiệu trà sữa ToCoToCo vốn tồn tại lâu năm tại thị trường Việt Nam cũng bắt đầu bán thêm kem, mức giá tương đối cạnh tranh với Mixue, chỉ từ 8.000 đồng.
Ngoài ra, thị trường cũng chứng kiến sự tham gia của Cooler City - "đồng hương" của Mixue. Cooler City cũng định hình họ là chuỗi bán kem và trà sữa với linh vật là chú chim cánh cụt màu xanh da trời. Tuy vậy, không giống TocoToco, Cooler City có lượng cửa hàng khá khiêm tốn, quy mô cửa hàng tại quê nhà Trung Quốc chưa bằng 1/10 của Mixue.
Hay Chatoo cũng đi theo mô hình tương tự Mixue. Ngoài ra, để cạnh tranh chuỗi này còn liên tục mời hợp tác nhượng quyền, với các chính sách ưu đãi như giảm 100% phí quản lý, không phí nhượng quyền, không thu bất cứ % lợi nhuận, doanh thu, không tốn chi phí thiết kế cửa hàng.
Tuy nhiên, tốc độ phát triển của những chuỗi mới sau này chưa thể đuổi kịp Mixue. Ông Hoàng Tùng - một người am hiểu về lĩnh vực F&B nêu quan điểm rằng các thương hiệu đi sau không thể mạnh bằng kẻ tiên phong.
"Mọi người cần phải nhìn vào mô hình kinh doanh của họ để xem thương hiệu đang kinh doanh ở những mặt nào. Ví dụ, tổng tiền mua nhượng quyền của Mixue trong ba năm chỉ hơn 70 triệu đồng, trong khi tiền họ thu về nhiều nhất là phí đầu tư cơ sở vật chất, nguyên liệu.
Như vậy, với các thương hiệu kém tên tuổi hơn, việc họ miễn phí nhượng quyền cũng không mang lại giá trị nhiều vì thương hiệu chưa mạnh bằng Mixue", ông Tùng giải thích.
Vị chuyên gia lưu ý người mua nhượng quyền cần chú trọng một số điểm khi bước vào cuộc chơi này. Chẳng hạn, việc thương hiệu cam kết cửa hàng độc quyền kinh doanh trong khu vực, ông Tùng khuyên người mua nhượng quyền cần phải có thỏa thuận bằng văn bản rõ ràng với đơn vị phân phối nhượng quyền và xem xét kỹ các điều khoản trong hợp đồng.
"Đơn cử như Mixue, hợp đồng của họ đã được bên pháp lý soạn rất chặt chẽ và đều có lợi cho công ty. Người mua nhượng quyền phải có trách nhiệm với quyết định của mình. Theo kinh nghiệm của tôi, mọi người thường tin vào lời quảng cáo có cánh của nhân viên sale (nhân viên kinh doanh - PV), đây là những cơ hội được người ta nêu ra khiến người mua nhượng quyền bị thu hút vào, bỏ qua những rủi ro trong kinh doanh.
Tôi cho rằng mọi người không nên tin vào lời của nhân viên sale, văn bản hợp đồng mới có giá trị cao nhất", ông Tùng nói.
Người này đưa ra lưu ý rằng trước khi quyết định đầu tư nhượng quyền, người mua cần tham khảo các cửa hàng đi trước, tính toán khả năng hoàn vốn trong thời gian nhất định để đánh giá bản thân có đủ khả năng thực hiện hay không.
"Đây là những bài toán kinh doanh rất cơ bản nhưng ít người làm, thay vào đó họ chọn tin lời hứa hẹn của nhân viên sale và khi sự cố xảy ra thì bên mua nhượng quyền sẽ phải chịu thiệt thòi", ông Tùng cho biết thêm.