|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đội quân trăm tỉ con châu chấu áp sát biên giới, Trung Quốc tự tin có ‘vũ khí sinh học’ đặc hiệu

08:21 | 23/02/2020
Chia sẻ
Các nhà máy tại Trung Quốc đang sản xuất hàng nghìn tấn thuốc có tên “nấm zombie xanh" để giúp các nước châu Phi chống lại đại dịch châu chấu hoành hành và cũng để phòng trường hợp nạn côn trùng này lan đến Trung Quốc. Ngoài nấm, đất nước tỉ dân tự tin còn nhiều công cụ đặc trị khác.
Đội quân trăm tỉ con châu chấu áp sát biên giới, Trung Quốc tự tin có ‘vũ khí sinh học’ đặc hiệu - Ảnh 1.

Hàng trăm tỉ con châu chấu đang tàn phá cây cối ở châu Phi, Ấn Độ, Pakistan, Afghanistan và có khả năng sẽ sớm tiến vào Trung Quốc. Ảnh: AP.

Nấm ăn châu chấu

Metarhizium là một chi nấm với gần 50 loài khác nhau, một số loài trong đó còn được biến đổi gen, thường được dùng làm các loại thuốc trừ sâu sinh học chống dịch châu chấu. Rễ của các loại nấm này có khả năng khoan thủng lớp vỏ ngoài rắn chắc của châu chấu và dần dần đầu độc chết loại côn trùng này.

Tại Trung Quốc, tên gọi của loại thuốc trừ sâu sinh học Metarhizium khi dịch ra có nghĩa là "nấm zombie xanh" vì nó biến nạn nhân của mình thành một đống rêu xanh.

Theo tờ South China Morning Post (SCMP), hiện nay có hàng chục nhà máy trên khắp Trung Quốc chuyên sản xuất bào tử của loại nấm này. Mặc dù nhiều biện pháp hạn chế đang được áp dụng để ngăn dịch virus corona (covid-19) lây lan nhưng những nhà máy này đã hoạt động trở lại và chuyển hàng nghìn tấn sản phẩm tới châu Phi.

Các nhà máy sản xuất nấm Metarhizium được thiết kế gần giống các nhà máy bia rượu, bào tử nấm được nuôi cấy từ gạo và được giữ trong các điều kiện kiểm soát cẩn thận để đảm bảo nhiệt độ cũng như độ ẩm thích hợp.

Mỗi nhà máy có thể sản xuất hàng nghìn tấn bột nấm mỗi ngày, mỗi gram của loại thuốc trừ sâu này chứa hàng chục tỉ bào tử nấm.

Trao đổi với SCMP, giám đốc tiếp thị tại một nhà máy ở tỉnh Giang Tây nói: "Tôi đang điều một xe tải đi đây này. Hàng trong kho sắp hết rồi. Một số khách hàng của chúng tôi cần loại thuốc trừ sâu này rất gấp để dập dịch châu chấu".

Đội quân trăm tỉ con châu chấu áp sát biên giới, Trung Quốc tự tin có ‘vũ khí sinh học’ đặc hiệu - Ảnh 2.

Châu chấu bị loại nấm Metarhizium ăn từ bên trong ra. Ảnh: Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc và Đại học Maryland.

Ở các nước châu Phi, tình hình quả thực đang rất nguy cấp. Lượng mưa cao đột biến giữa mùa khô vừa qua đã tạo điều kiện thuận lợi cho hàng trăm tỉ con châu chấu từ trong trứng nở ra trong vài tháng gần đây.

Tại Kenya, dịch châu chấu được cho là tồi tệ nhất trong vòng 70 năm trở lại đây. Cả một vùng trời châu Phi bỗng chốc đen kịt, ánh nắng mặt trời bị che khuất bởi những đám mây châu chấu bay lượn.

Đến nay, những đàn châu chấu này đã hủy hoại mùa màng ở Ethiopia, Kenya, Somalia, Uganda và chúng đang di chuyển sang các quốc gia lân cận.

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) đã cảnh báo nạn đói do dịch châu chấu gây ra có thể ảnh hưởng tới 13 triệu người và khiến cho giá lương thực thế giới tăng cao.

Tuần trước, tạp chí Science đưa tin chính phủ Somalia đang làm việc với FAO để chuẩn bị một giống nấm Metarhizium với đặc tính chỉ tiêu diệt châu chấu và cào cào. Đây được coi là chiến dịch sử dụng thuốc trừ sâu sinh học chống châu chấu lớn nhất trong lịch sử nhân loại.

Các nhà khoa học cho rằng việc theo dõi các đợt bùng phát và tấn công vào khu vực đẻ trứng của loài côn trùng này sẽ hiệu quả hơn là dùng thuốc trừ sâu kiểu nấm để tiêu diệt. Tuy nhiên chế phẩm sinh học này có thể là vũ khí ứng phó quan trọng trong những đợt dịch về sau.

Quá trình đánh giá hiệu quả của nấm sẽ mất một khoảng thời gian nhất định, một phần vì nấm cần vài ngày mới có thể phát huy tác dụng. Một phần nguyên nhân nữa là qui mô khổng lồ của đại dịch này, chỉ một đàn châu chấu ở Kenya được ước tính có qui mô lên tới 100-200 tỉ con.

Các đàn châu chấu đang tiến về phía Đông tới khu vực các nước Trung Đông, tốc độ di chuyển lên tới 150 km mỗi ngày. Các nước láng giềng với Trung Quốc như Ấn Độ, Pakistan, Afghanistan hiện nay cũng đã bị châu chấu tấn công.

Đội quân trăm tỉ con châu chấu áp sát biên giới, Trung Quốc tự tin có ‘vũ khí sinh học’ đặc hiệu - Ảnh 3.

Đại dịch châu chấu đang hoành hành ở châu Phi, đe dọa an ninh lương thực của hàng chục triệu người và vật nuôi. Ảnh: EPA.

Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho rằng các đàn châu chấu có thể bay theo hướng gió mùa để vào nước này nhưng "khả năng chúng gây ra thiệt hại nghiêm trọng là rất nhỏ".

Đa phần các nhà khoa học đồng ý rằng châu chấu sẽ không thể có tác động lâu dài đối với sản xuất lương thực nhưng cũng nói thêm rằng các nước đang phát triển có thể sử dụng đến công nghệ chống châu chấu hiện đại bậc nhất của Trung Quốc.

Các trạm radar đã được lắp đặt trên khắp tuyến biên giới phía tây và phía nam Trung Quốc để phát hiện những đám mây châu chấu. Máy bay không người lái được dùng để lùa loại côn trùng này vào bẫy nhằm phục vụ việc thu thập dữ liệu về loại và qui mô.

Các nhân viên mang theo smartphone với phần mềm khảo sát châu chấu cũng đã có mặt ở những khu vực thuộc các thung lũng Himalayas và sa mạc Gobi mà loại côn trùng này có khả năng sẽ đi qua.

Dữ liệu được truyền trực tiếp về sở chỉ huy của Bộ Nông nghiệp – cơ quan chịu trách nhiệm lập kế hoạch và điều phối hoạt động phòng chống dịch châu chấu trên cả nước.

Các máy bay chở nhiều tấn thuốc trừ sâu sinh học và hóa học cũng đã sẵn sàng, chỉ chờ hiệu lệnh cất cánh.

SCMP dẫn lời ông Lưu Hổ, Phó Giáo sư Đại học Nông nghiệp Trung Quốc cho biết: Ngày nay đa phần các đợt bùng phát dịch châu chấu xảy ra ở những nước đang phát triển thiếu mạng lưới giám sát hiện đại và không có khả năng sản xuất thuốc trừ sâu trên qui mô lớn.

Ông cũng cho rằng các công nghệ dập dịch châu chấu của Trung Quốc là cực kì hiện đại và thường rẻ hơn nhiều công nghệ tương tự của phương Tây.

Gà, vịt và người cũng ăn châu chấu

Không quá khi nói rằng Trung Quốc là nước có bề dày kinh nghiệm trong đối phó với dịch châu chấu. Theo một nghiên cứu, trong khoảng 2.600 năm trước năm 1949, Trung Quốc có 800 lần xảy ra dịch châu chấu, ảnh hưởng tới mùa màng dọc lưu vực sông Hoàng Hà và Hoài Hà.

Các tài liệu lịch sử còn lại đến ngày nay cho biết dưới triều đại nhà Tần (năm 221 – 206 trước công nguyên) và nhà Hán (năm 206 TCN – 25 SCN), trung bình cứ 8,8 năm lại có một dịch châu chấu. Thời nhà Nguyên (1279 – 1368), cứ 1,6 năm lại xảy ra dịch một lần.

Theo chính sử, năm 715 dưới thời nhà Đường, một chiến dịch do tể tướng Diêu Sùng thực hiện đã thu được 9 triệu bao tải châu chấu, giúp bảo vệ phần lớn mùa màng của nông dân.

Trong những thập niên 1950-1960, Trung Quốc không chỉ dùng thuốc trừ sâu mà còn hạn chế nguồn cung nước để ngăn châu chấu sinh sản.

Tờ Thời báo Hoàn Cầu của nhà nước Trung Quốc dẫn lời ông Kang Le, một chuyên gia về châu chấu tại Viện Động vật học Trung Quốc khẳng định: "Công nghệ kiểm soát châu chấu của Trung Quốc là hết sức thành công".

Năm 2014, ông Kang và các đồng nghiệp đã giải trình tự bộ gen của châu chấu, cho phép kiểm soát đại dịch châu chấu bằng công nghệ gen. 

Chẳng hạn việc biến đổi gen của giống nấm Metarhizium nhắc đến phía trên là một trong những kết quả từ nghiên cứu bộ gen của châu chấu. Theo Thời báo Hoàn Cầu Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), trong những đợt dịch vài năm trước, nông dân Trung Quốc tại tỉnh Hà Bắc còn nuôi và thả gà để bắt châu chấu.

Theo một bộ phim tài liệu của CCTV, chính phủ Trung Quốc đã giao gà con đến cho người dân ở tỉnh Hà Bắc, Cam Túc và Khu tự trị Tân Cương và hướng dẫn cách huấn luyện gà.

Sau khi nuôi 40 ngày và huấn luyện trong 90 ngày, gà có thể hiểu mệnh lệnh bằng còi của nông dân và đi theo người nông dân, chạy sau máy kéo đến khu vực có châu chấu. Người dân sẽ quyết định đàn gà "làm việc" ở đâu và khi nào, tùy thuộc vào điều kiện thời tiết.

Theo Phó Giáo sư Yan Xizhong của Đại học Nông nghiệp Sơn Tây: "Gà có thể giúp giảm dịch phần nào. Các loại gia cầm như gà và vịt là thiên địch của châu chấu và có thể chế ngự hiệu quả loài côn trùng này". Đồng thời ông cũng cảnh báo: "Khi có quá nhiều châu chấu, tôi nghĩ sử dụng máy bay để phun thuốc sẽ có hiệu quả hơn".

Theo Thời báo Hoàn Cầu, cuộc chiến chống châu chấu ở Tân Cương hồi tháng 5/2000 có sự giúp sức của gần 100.000 con vịt và tỏ ra khá hiệu quả. Đến tháng 8 cùng năm, vịt được cho là đã dọn sạch châu chấu ở hơn 400.000 ha đất nông nghiệp tại Tân Cương.

Một mẩu video ngắn do đài truyền hình CGTN của nhà nước Trung Quốc đăng tải hôm 19/2 cho biết nước này đã chuẩn bị sẵn sàng 100.000 "chú lính vịt" để chống lại đội quân châu chấu xâm lược trong thời gian tới.

Mùa hè 2017, dịch châu chấu xảy ra ở tỉnh Sơn Đông. Tuy nhiên do châu chấu là một món ăn được ưa thích nên người dân chuyển sang bắt loại côn trùng này để ăn và bán. "Ruộng ngô của chúng tôi chắc chắn sẽ bị phá hỏng nhưng bù lại chúng tôi kiếm được kha khá tiền từ bán châu chấu", một nông dân Sơn Đông nói với báo chí. 

Châu chấu xuất hiện trong nhiều thực đơn nhà hàng ở Trung Quốc. Châu chấu tươi hoặc đông lạnh có giá dao động từ 17 đến 400 nhân dân tệ/kg (56.000 đồng – 1,3 triệu đồng/kg), tùy thuộc vào chất lượng và chủng loại.

Đức Quyền