|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bộ NN&PTNT: Nguy cơ châu chấu sa mạc xâm nhập vào Việt Nam không cao

10:55 | 03/06/2020
Chia sẻ
Bộ NN&PTNT nhận định rằng cho đến nay, tình hình châu chấu sa mạc vẫn diễn biến phức tạp, các đàn châu chấu di chuyển qua lại theo hướng gió nhưng nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam không cao.

Tình hình nạn châu chấu sa mạc diễn biến phức tạp

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho biết theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), đàn châu chấu sa mạc tại Đông Phi với số lượng ước tính hàng trăm triệu con (gồm nhiều đàn với số lượng khoảng 150 triệu con/đàn) bao phủ khoảng 2.400 km2, di chuyển giữa quốc gia Đông Phi với tốc độ khoảng 13 km/h.

Loài châu chấu này tàn phá cây trồng và các nguồn thực phẩm khác tại mỗi nơi chúng dừng chân cũng như đe dọa nghiêm trọng tới an ninh hàng không.

Sức tàn phá của châu chấu sa mạc lớn, nếu không được kiểm soát, sẽ có tới 60 quốc gia bị ảnh hưởng, 1/5 diện tích đồng cỏ, hoa màu trên thế giới bị tàn phá, đe dọa an ninh lương thực cho hàng trăm triệu người. 

Theo bản tin 27/5 về tình hình gây hại và dự báo về hướng di chuyển của châu chấu sa mạc từ Phòng thông tin về châu chấu sa mạc của FAO (DLIS, FAO), tại khu vực Đông Phi và bán đảo Ả Rập châu chấu sa mạc vẫn đang tiếp tục sinh sản và nhân đàn.

Tại khu vực Tây Nam Á châu chấu đang hình thành các đàn nhỏ tại khu vực đẻ trứng hàng năm, cá biệt tại Ấn Độ do chịu ảnh hưởng của những đợt gió mạnh bởi siêu bão Andama trong tháng 5.

Do đó, một số đàn châu chấu đã di chuyển từ khu vực sinh sản tại khu vực giáp biên giới Pakistan tới phía Bắc và miền Trung Ấn Độ. 

Châu chấu sa mạc tiếp tục sinh sản, lây lan và gây hại ở khu vực Đông Phi, một số quốc gia ven biển đỏ (Yemen, Arab Saudi) và phía Nam Iran, có khả năng tiếp tục di cư sang các nước khu vực Nam Á (Pakistan, Ấn Độ,…) trong tháng 6-7/2020 theo hướng gió mùa Tây Nam và gió Tây, từ đó có thể xâm nhập vào nước ta. 

Nguy cơ châu chấu sa mạc vào Việt Nam không cao

Trước đó (ngày 1/6), trong văn bản gửi Thủ tướng, Bộ NN&PTNT nhận định rằng cho đến nay, tình hình châu chấu sa mạc vẫn diễn biến phức tạp, các đàn châu chấu di chuyển qua lại theo hướng gió nhưng nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam không cao. 

Mặc dù chúng đã xâm nhập vào Bắc Ấn Độ nhưng theo dự báo của FAO chúng sẽ di chuyển trở lại phía Tây Ấn Độ, về sa mạc Rajasthan vào tháng 7 tới. 

Tuy nhiên, dưới tác động của biến đổi khí hậu làm biến đổi các nhân tố thời tiết khí hậu từ đó làm thay đổi quy luật phát sinh, phát triển các đối tượng dịch hại trong đó có châu chấu. Nếu để dịch châu chấu xảy ra sẽ gây ra thiệt hại vô cùng lớn. 

Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục giám sát châu chấu sa mạc với cường độ cao nhất và xây dựng các phương án, kịch bản ứng phó không để bất ngờ trước dịch bệnh.

H.Mĩ