|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bộ NN&PTNT trình Thủ tướng kế hoạch ứng phó châu chấu sa mạc xâm nhập

11:33 | 03/06/2020
Chia sẻ
Trước tình hình diễn biến phức tạp của châu châu sa mạc trên thế giới, Bộ NN&PTNT đã lên kế hoạch ứng phó và xin ý kiến Thủ tướng để chuẩn bị cho những kịch bản xâm nhập khác nhau của châu châu sa mạc.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) vừa có báo cáo 3659/BC-BNN-BVTV gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về tình hình châu chấu sa mạc.

Bộ NN&PTNT cho biết hiện nay, châu chấu sa mạc đã gây hại tại Pakistan, cuối tháng 5 đã xâm nhập vào phía Bắc và phía Tây Ấn Độ, có nguy cơ di chuyển qua Ấn Độ xuống khu vực các nước Banglades, Myanmar, Lào hoặc các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc) và vào Việt Nam.

Cụ thể, theo thông tin mới nhất của FAO, từ nay đến tháng 7/2020 dự kiến những đàn châu chấu ở phía Đông sa mạc Rajasthan có thể tiếp tục lây lan sang phía Bắc Ấn Độ và sau đó di chuyển về phía Tây và trở lại sa mạc Rajasthan bởi sự thay đổi hướng gió mùa.

Bộ NN&PTNT cho rằng tình hình châu chấu sa mạc vẫn diễn biến phức tạp, các đàn châu chấu di chuyển qua lại theo hướng gió nhưng nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam không cao.

Tuy nhiên, dưới tác động của biến đổi khí hậu làm biến đổi các yếu tổ thời tiết khí hậu từ đó làm thay đổi qui luật phát sinh, phát triển các đối tượng dịch hại trong đó có châu chấu.

Nếu để dịch châu chấu xảy ra sẽ gây thiệt hại vô cùng lớn. Vì vậy, Bộ NN&PTN sẽ tiếp tục giám sát châu chấu sa mạc với cường độ cao nhất và xây dựng các phương án, kịch bản ứng phó không để bất ngờ trước dịch bệnh.

Cụ thể, theo dõi sát tình hình các đàn châu chấu di cư, các cảnh báo về hướng di chuyển và gây hại của châu chấu sa mạc từ FAO và các nước có liên quan trong khu vực.

Đồng thời làm việc với Bộ Quốc phòng về thiết bị phun thuốc và khả năng phát hiện châu chấu ở độ cao 2.000 m hoặc hơn và làm việc với Trung tâm Khí tượng thủy văn trung ương về nội dung này để sử dụng radar dân sự sẽ thuận lợi hơn.

Nếu châu chấu sa mạc xâm nhập vào Việt Nam, sẽ ứng phó thế nào?

Trước đó, theo Kế hoạch ứng phó châu chấu sa mạc xâm nhập vào Việt Nam, Bộ NN&PTNT đặt ra 3 mốc cảnh báo gồm cảnh báo xa, cảnh báo gần và khi châu chấu sa mạc xâm nhập vào Việt Nam.

Trong đó, cảnh báo xa là khi chúng xâm nhập vào phía Nam Ấn Độ, Banglades và cảnh báo gần là khi chúng xâm nhập vào Myanmar, Trung Quốc (Vân Nam) và Lào. 

Trong trường hợp châu chấu sa mạc xâm nhập vào Việt Nam mà không qua các nước kể trên thì lập tức chuyển sang phương án phòng chống trực tiếp.

Theo đó, Bộ NN&PTN sẽ ra văn bản chỉ đạo phòng trừ châu chấu sa mạc đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ; cảnh báo về châu chấu sa mạc trên toàn quốc; thông tin tuyên truyền rộng rãi về nhận biết châu chấu và biện pháp phòng chống.

Cụ thể, lập tức thành lập Ban chỉ đạo phòng chống châu chấu sa mạc ở trung ương do Lãnh đạo Bộ là Trưởng ban và ở địa phương (các tỉnh giáp biên giới Trung Quốc, Lào hoặc tỉnh thực tế bị nhiễm châu chấu sa mạc) do lãnh đạo UBND tỉnh làm Trưởng ban. 

Trong trường hợp dịch trên diện rộng, khả năng phải huy động quân đội thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo do Lãnh đạo Chính phủ làm Trưởng ban.

Đồng thời, huy động radar thời tiết, radar quân sự phát hiện sớm đàn châu chấu khi chúng mới di chuyển đến Việt Nam hoặc di chuyển trong nội địa; ứng dụng bản đồ gió theo thời gian thực xác định hướng di chuyển của đàn châu chấu để cảnh báo các địa phương.

Vận hành kênh thông tin, báo cáo tình hình châu chấu sa mạc giữa trung ương và địa phương, giữa người dân và cơ quan quản lý nhà nước.

Huy động tối đa nguồn lực để phòng chống châu chấu sa mạc. Ngoài ra, sẽ xây dựng phương án bảo vệ hoa màu, tại sản tại chỗ cũng như sinh kế của người dân tại vùng bị châu chấu sa mạc xâm nhập, gây hại.


Như Huỳnh