Các địa phương Trung Quốc trải thảm đỏ đón lao động nhập cư
Trung Quốc đang phải vô cùng nỗ lực để khởi động lại sản xuất sau khoảng thời gian phải tạm ngưng bởi virus corona. Chính quyền cấp tỉnh tại các trung tâm sản xuất gần bờ biển phía đông đã bắt đầu xếp xe buýt, xe lửa và cả các chuyến bay để đưa công nhân nhập cư quay lại nhà máy.
Tờ South China Morning Post (SCMP) đưa tin Chủ tịch Tập Cận Bình đã thúc giục chính quyền địa phương khởi động lại hoạt động kinh tế sau kì nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài. Nhưng nhiều doanh nghiệp đang thiếu hụt một yếu tố quan trọng - nhân công.
Theo ước tính của Bộ giao thông Trung Quốc, tính đến ngày 14/2, có đến 2/3 trong số 300 triệu lao động nhập cư chưa quay trở lại làm việc. Giao thông hành khách cũng chưa hồi phục lại.
Ngày 18/2, lưu lượng hành khách trên đường bộ, đường sắt và hàng không của Trung Quốc chỉ đạt 13 triệu người, chỉ bằng 1/5 so với lưu lượng một năm trước.
Chính quyền nhiều nơi ở Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp có ảnh hưởng rộng rãi để ngăn chặn sự lây lan của virus corona.
Nhưng việc bắt buộc người lao động phải cách li 14 ngày khi trở về làm việc, cộng với các hạn chế giao thông và phong tỏa khu vực đã cản trở luồng lao động nhập cư, khiến tình trạng thiếu lao động càng trầm trọng hơn.
Bây giờ, nhiều tỉnh ở khu vực ven biển phía đông Trung Quốc đang đi đầu để giúp công nhân trở về.
Tỉnh Chiết Giang - nơi có đến 23 triệu lao động nhập cư - cho biết các chính quyền địa phương đã bắt đầu "nhập" lao động từ những vùng khác đến. Ít nhất 21.800 công nhân từ các tỉnh có lao động thặng dư, bao gồm Quý Châu, Tứ Xuyên và An Huy, đã được đưa đến Chiết Giang bằng đường sắt, máy bay và xe buýt.
Thành phố cảng Ninh Ba - trung tâm công nghiệp ở Chiết Giang, đã khuyến khích các công ty sắp xếp các điểm đưa và đón lao động nhập cư. Chính quyền sẽ trợ cấp một nửa chi phí thuê xe cộ.
Các cặp vợ chồng trở lại làm việc tại nhà máy sẽ được xem xét cấp 500 nhân dân tệ (71 USD). Công ty nào thuê nhiều nhân viên hơn so với cùng kì năm trước cũng có thể nhận khoản trợ cấp lên tới 300.000 nhân dân tệ (42.800 USD).
Chính quyền Hồ Châu - một thành phố giáp tỉnh Giang Tô, đã thành lập quĩ 100 triệu nhân dân tệ (14,2 triệu USD) để thu hút lao động trở lại làm việc.
Mỗi lao động mới được một công ty địa phương thuê đều sẽ được nhận trợ cấp 1.000 nhân dân tệ (143 USD). Các công ty thuê từ 20 lao động từ bên ngoài thành phố trở lên có thể được nhận ít nhất 4.000 nhân dân tệ (572 USD). Chính quyền địa phương cũng đang đề nghị sẽ hoàn lại chi phí thuê xe buýt.
Vĩnh Khang - một thành phố cấp quận nổi tiếng về sản xuất kim loại và phần cứng, gửi 60 chiếc xe buýt để đón công nhân nhập cư từ huyện Trấn Hùng ở tỉnh Vân Nam. Trong số 500.000 lao động nhập cư ở Vĩnh Khang, có tới hơn 20% người đến từ các quận ở vùng nông thôn.
Nghĩa Ô, một thành phố nổi tiếng về buôn bán hàng hóa nhỏ, đang hoàn trả tiền vé đường sắt và xe buýt cho những công nhân đến thành phố trước 22/2. Khoản bồi hoàn sẽ giảm xuống còn một nửa vào tuần sau.
Ông Aidan Yao - nhà phân tích kinh tế cấp cao về các thị trường mới nổi ở Châu Á tại AXA Investment Managers cho biết: "Đây là một dấu hiệu cho thấy chính phủ đang ngày càng chuyển đổi chính sách từ "chống virus corona bằng mọi giá" đến điểm cân bằng giữa việc ngăn chặn virus corona và nối lại hoạt động kinh tế bình thường".
"Điều này sẽ khó thành công nếu người lao động không quay lại làm việc. Vì vậy, tôi nghĩ việc tập trung nỗ lực tài chính để thúc đẩy lao động nhập cư trở lại là điều hợp lí".
Ông Yao nói thêm: "Điều này đặc biệt quan trọng đối với các khu vực đã ngăn chặn virus corona khá tốt và phụ thuộc nhiều vào lao động nhập cư để thúc đẩy tăng trưởng. Chiết Giang là một ví dụ điển hình".
Theo SCMP, hôm 19/2, chính quyền tỉnh Chiết Giang đã gỡ bỏ tất cả các trạm kiểm soát trên đường cao tốc và khôi phục lối ra đường cao tốc, ngoại trừ những trạm dẫn đến các tỉnh khác hoặc Ôn Châu - thành phố có số ca nhiễm virus cao nhất trong tỉnh.
Trong tuần này, chính quyền Chiết Giang cho biết việc thiếu hụt nguồn cung lao động là trở ngại chính cho việc khởi động lại sản xuất. Ngoài ra các nhà máy nhàn rỗi, không hoạt động cũng là một vấn đề khác trong chuỗi cung ứng và logistics.
Chính phủ Trung Quốc hi vọng công suất ngành chế tạo và công nghiệp sẽ đạt 70% vào cuối tháng này, tăng từ mức 40% của tuần trước.
Ông Liu Xiaoming - Thứ trưởng Bộ giao thông vận tải dự kiến khoảng 120 triệu lao động nhập cư sẽ làm việc trở lại trong nửa cuối tháng 2, nâng tổng số lực lượng lao động lên mức 2/3 so với thời điểm cao nhất. 100 triệu lao động còn lại sẽ trở lại vào tháng 3 nếu dịch virus corona được kiểm soát.