Doanh thu thị trường fintech châu Á ước đạt 600 tỷ USD vào năm 2030, vượt Bắc Mỹ để dẫn đầu toàn cầu
Vừa qua, Boston Consulting Group (BCG) đã công bố báo cáo về thị trường fintech toàn cầu năm 2023. Theo đó, BCG nhận định fintech không phải là một lĩnh vực mới, song sự kết hợp giữa tài chính (finance) và công nghệ (technology) đã có tác động tới cuộc sống hàng ngày của hàng tỷ người trong vài năm qua.
Doanh thu ngành fintech được dự đoán sẽ tăng gấp 6 lần, từ 245 tỷ USD lên 1.500 tỷ USD vào năm 2030 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Lĩnh vực fintech, hiện chiếm 2% trong tổng doanh thu dịch vụ tài chính toàn cầu trị giá 12.500 tỷ USD, được ước tính sẽ tăng tới 7%, trong đó fintech riêng trong mảng ngân hàng dự kiến sẽ chiếm gần 25% tổng giá trị ngân hàng trên toàn thế giới vào năm 2030.
Theo báo cáo của BCG, vào năm 2022, ngành fintech trung bình mất hơn một nửa giá trị thị trường, nhưng theo nghiên cứu, sự sụt giảm này chỉ là một sự điều chỉnh ngắn hạn để hướng tới một quỹ đạo tích cực trong dài hạn.
Deepak Goyal, giám đốc điều hành BCG, đối tác cấp cao và đồng tác giả của báo cáo cho biết: “Hành trình của lĩnh vực fintech vẫn đang ở giai đoạn đầu và sẽ tiếp tục cách mạng hóa ngành dịch vụ tài chính như chúng ta biết. Trải nghiệm của khách hàng vẫn còn kém. Hơn một nửa dân số thế giới vẫn chưa có hoặc chưa được tiếp cận với dịch vụ ngân hàng, và công nghệ tiếp sẽ tiếp tục là chìa khóa cho vấn đề này. Do đó, tất cả các bên liên quan phải nắm bắt thời điểm”.
Châu Á – Thái Bình Dương là thị trường fintech lớn nhất thế giới
Theo báo cáo của BCG, châu Á-Thái Bình Dương (APAC) sẵn sàng vượt Mỹ để trở thành thị trường fintech hàng đầu thế giới vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) dự kiến là 27% trong giai đoạn 2023 - 2030.
Sự tăng trưởng này sẽ được thúc đẩy chủ yếu bởi các quốc gia có dân số đông như Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia vì những nơi này có các công ty fintech lớn nhất, lượng dân số chưa được tiếp cận với dịch vụ ngân hàng lớn, số lượng lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như tầng lớp thanh niên và trung lưu am hiểu công nghệ đang gia tăng.
Trong khi đó, Bắc Mỹ, nơi hiện có ngành dịch vụ tài chính lớn nhất thế giới, sẽ vẫn là một trung tâm đổi mới và thị trường fintech quan trọng, dự kiến sẽ tăng gấp 4 lần lên 520 tỷ USD vào năm 2030, trong đó Mỹ chiếm 32% tăng trưởng doanh thu fintech toàn cầu.
Vương quốc Anh và Liên minh Châu Âu (EU) đại diện cho thị trường tổ chức tài chính lớn thứ ba thế giới và dự kiến sẽ chứng kiến sự tăng trưởng lớn của công nghệ tài chính đến năm 2030, ước tính tăng gấp 5 lần so với năm 2021 và dẫn đầu là lĩnh vực thanh toán.
Tương tự, các thị trường Mỹ Latinh, dẫn đầu là Brazil và Mexico, những thị trường đã thiết lập bối cảnh công nghệ tài chính, dự kiến sẽ đạt tốc độ CAGR doanh thu là 29% trong cùng khung thời gian. Báo cáo dự đoán tốc độ CAGR doanh thu trong lĩnh vực fintech là 32% cho đến năm 2030 ở châu Phi, với Nam Phi, Nigeria, Ai Cập và Kenya là những thị trường trọng điểm.
Thách thức cho các doanh nghiệp ở những thị trường mới nổi
Các doanh nghiệp đang mở rộng ở các thị trường mới nổi sẽ phải đối mặt với những thách thức trong việc mở rộng quy mô để có lãi và sẽ cần bắt đầu cho vay trên bảng cân đối kế toán của chính họ trong khi tiếp tục tiếp cận các nguồn vốn có chi phí thấp hơn.
Một thách thức đáng kể khác đối với các công ty fintech là các ngân hàng đương nhiệm đang đầu tư mạnh vào công nghệ để cải thiện trải nghiệm khách hàng và chuỗi giá trị của họ, khiến các đơn vị mới trong lĩnh vực fintech khó tạo ra sự khác biệt.
Với khoảng 2,8 tỷ người chưa được tiếp cận dịch vụ ngân hàng (50% trong số đó cư trú tại các nền kinh tế mới nổi) và thêm 1,5 tỷ người trưởng thành không được tiếp cận với dịch vụ ngân hàng (75% trong số đó cư trú tại các nền kinh tế mới nổi) trên thế giới, các ngân hàng mới cũng như các công ty fintech sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc mở rộng khả năng tiếp cận nguồn tài chính cho mọi người.
Cơ quan quản lý phải chủ động
Theo báo cáo của BCG, quy định về fintech theo truyền thống tương đối nhẹ, không chủ động, rời rạc và trong một số trường hợp thậm chí còn bị tụt lại phía sau. Những sự kiện gần đây liên quan tới các ngân hàng tại Mỹ và Thụy Sĩ khiến các cơ quan quản lý trên toàn cầu nhạy cảm hơn với việc quản lý tài sản/nợ. Ngoài việc tạo ra các hàng rào bảo vệ, các cơ quan quản lý phải đảm bảo rằng họ không quản lý quá mức ngành fintech vì điều đó có thể “kìm hãm” sự đổi mới.
BCG nhận định rằng các cơ quan quản lý nên cân nhắc tạo sân chơi bình đẳng thông qua các hành động như tạo điều kiện cho các lộ trình nhanh hơn để cấp giấy phép tổ chức thanh toán và ngân hàng, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng kỹ thuật số và tạo điều kiện thuận lợi cho một hệ sinh thái ngân hàng mở.