|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Doanh thu Shopee tăng chậm, tài sản nhà sáng lập 'bay' hơn 1 tỷ USD sau một ngày

09:57 | 18/08/2023
Chia sẻ
Shopee đạt doanh thu 2,32 tỷ USD trong quý II, tăng 32,3% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng trưởng chậm nhất từng được ghi nhận.

Hai nhà đồng sáng lập Sea Ltd. (công ty mẹ Shopee và Garena) đã chứng kiến giá trị tài sản ròng của họ sụt giảm chỉ một đêm sau khi gã khổng lồ công nghệ có trụ sở tại Singapore công bố báo cáo tài chính quý II, theo tạp chí Forbes.

Trên sàn chứng khoán New York, giá cổ phiếu Sea giảm 29% tại ngày 15/8, mức giảm lớn nhất trong một phiên giao dịch kể từ khi công ty lên sàn năm 2017.

Việc giá cổ phiếu Sea sụt giảm đã khiến giá trị khối tài sản ròng của Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Forrest Li giảm khoảng 1 tỷ USD, qua đó khiến tổng giá trị khối tài sản ròng của ông giảm xuống khoảng 2,5 tỷ USD, theo Real Time Forbes Billionaires.

Tỷ phú Forrest Li, nhà đồng sáng lập Sea, công ty mẹ Shopee. (Ảnh: iNews).

Một thành viên đồng sáng lập khác của gã khổng lồ công nghệ có trụ sở tại Singapore là ông Gang Ye cũng chứng kiến giá trị khối tài sản ròng giảm khoảng 565 triệu USD, xuống còn 1,8 tỷ USD.

Theo báo cáo tài chính quý II vừa được công ty mẹ Shopee công bố, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu trong quý II đạt mức 3,1 tỷ USD, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời thấp hơn con số ước tính 3,2 tỷ USD của các chuyên gia.

Hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của Sea là Shopee, đóng góp vào khoảng 2/3 tổng doanh thu của công ty, cũng ghi nhận quý tăng trưởng chậm nhất từ trước tới nay. Doanh thu Shopee trong quý II tăng 32,3% lên 2,32 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Sàn thương mại điện tử này đã công bố mức EBITDA (thu nhập trước lãi vay, thuế và khấu hao) đã điều chỉnh trong quý II là 150 triệu USD, đảo ngược so với khoản lỗ 648 triệu USD cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, mảng kinh doanh game của Sea là Garena vẫn chưa tạo ra lợi nhuận.

Mặc khác, doanh thu từ mảng kinh doanh dịch vụ tài chính kỹ thuật số của công ty đã tăng 53,4% trong quý II, lên mức 432 triệu USD.

Trong quý II, Sea đạt lãi ròng 330 triệu USD so với khoản lỗ 931 triệu USD cùng kỳ năm trước. Đây là quý thứ ba liên tiếp công ty có lãi.

Dù vẫn tiếp tục có lãi nhưng phía Sea cũng đưa ra những cảnh báo về việc công ty có thể thua lỗ trong những quý tiếp theo.

“Chúng tôi đã bắt đầu và sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư vào phát triển mảng kinh doanh thương mại điện tử. Những khoản đầu tư như vậy sẽ có tác động tới lợi nhuận của doanh nghiệp và có thể khiến Shopee nói riêng cũng như Sea nói chung, thua lỗ ở một số thời điểm nhất định”, Chủ tịch Forrest Li chia sẻ.

Nhận xét của ông Forrest Li được đưa ra khi Shopee phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ cả những đối thủ cũ như Lazada, Tokopedia,… lẫn các đối thủ mới tiềm năng như TikTok Shop của ByteDance.

Công ty mẹ Shopee lần đầu báo lãi trong một quý vào quý IV/2022, sau khi thực hiện hàng loạt biện pháp cắt giảm chi phí như sa thải nhân sự, cắt chi phí công tác, giảm lương lãnh đạo,…

Theo Real Time Forbes Billionaires, tính tới ngày 17/8, giờ Việt Nam, tỷ phú Forrest Li đang được xếp hạng là người giàu thứ 11 tại Singapore, trong khi nhà đồng sáng lập Gang Ye được xếp hạng là người giàu thứ 19 tại Singapore.

Được thành lập vào năm 2009, Sea từng có thời điểm là cổ phiếu hoạt động tốt nhất thế giới trong thời kỳ đỉnh dịch COVID-19. Tuy nhiên, gã khổng lồ thương mại điện tử và game có trụ sở tại Singapore này đã phải vật lộn để duy trì đà tăng trưởng khi đại dịch dần được kiểm soát và các nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn trong môi trường kinh tế ổn.

Giá trị vốn hóa thị trường hiện tại của công ty mẹ Shopee đã giảm gần 89% so với mức đỉnh vào 10/2021. Việc giá cổ phiếu Sea giảm xuống đã khiến ông David Chen, một trong ba nhà đồng sáng lập của doanh nghiệp, bị rớt khỏi danh sách tỷ phú toàn cầu của Forbes.

Anh Nguyễn

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.