|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Doanh thu Facebook tại Việt Nam đến từ đâu?

10:04 | 14/06/2023
Chia sẻ
Tại Việt Nam, Facebook kinh doanh ở ba lĩnh vực chính, gồm Reels, kinh doanh hội thoại và quảng cáo.

Facebook bắt đầu vào Việt Nam từ tháng 9/2006. Những năm gần đây, câu chuyện kinh doanh của Facebook được quan tâm trong giới đầu tư cũng như các nhà hoạch định chính sách, đặc biệt trong vấn đề chống thất thu thuế.

Theo Bộ Tài chính, từ năm 2018 đến hết tháng 8/2022, thông qua các tổ chức tại Việt Nam, Facebook đã nộp 2.099 tỷ đồng tiền thuế.

Sáng 13/6, tại sự kiện Business Messaging Summit 2023, Meta (công ty mẹ Facebook) đã công bố các cập nhật về kết quả kinh doanh và các lĩnh vực trọng tâm trong năm 2023 của công ty tại thị trường Việt Nam.

Chia sẻ tại sự kiện, ban lãnh đạo công ty cho biết sẽ tập trung vào ba lĩnh vực ưu tiên giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh, gồm: Tăng trưởng video (đặc biệt là tính năng Reels), vai trò của trí tuệ nhân tạo (AI) đối với doanh nghiệp và xây dựng kết nối chặt chẽ hơn thông qua kinh doanh hội thoại.

Ông Khôi Lê (trái) và cộng sự. (Ảnh: TSI).

Về Reels, tính năng này đã trở thành thể loại nội dung phổ biến được tiêu thụ nhiều nhất trên các nền tảng của Meta cũng như là định dạng tăng trưởng nhanh nhất tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Theo báo cáo tài chính quý IV/2022 của Meta, tại Việt Nam, số lượng Reels được xem đã tăng gấp đôi và nội dung Reels được cộng đồng chia sẻ lại trên Facebook và Instagram đã tăng hơn gấp đôi so với năm ngoái. 

Khảo sát của Meta tại Việt Nam, xem video là ưu tiên số một của người Việt khi lên mạng. Video cũng nằm trong top 3 nội dung mà người dùng sử dụng khi họ muốn tìm hiểu về sản phẩm. Đặc biệt, mức độ mua sắm thông qua các nền tảng video và giải trí đã tăng tới 12 lần trong 3 tháng đầu năm.

Trong khi kết quả từ Nghiên cứu Culture Rising của Meta chỉ ra các cuộc thảo luận về chủ đề AI trên Facebook và Instagram đã tăng 173% so với năm ngoái. Công nghệ AI cũng đã giúp mọi người xem nhiều video Reels được cá nhân hóa hơn phù hợp với sở thích của họ. Công nghệ cá nhân hóa từ AI đã thúc đẩy mức tiêu thụ nội dung trên Reels tăng 24%. 

Trên Bảng tin của người dùng, ngoài những nội dung người dùng quan tâm và được cá nhân hoá, hiện nay sẽ có thêm 20% các nội dung khác do AI đề xuất. Các đề xuất này gồm nội dung của những người và những nhóm mà người dùng chưa từng theo dõi. Theo Meta, với những thay đổi này, người dùng đã tăng thời lượng sử dụng Instagram lên 20% so với trước.

Trọng tâm thứ ba của Meta trong năm nay là kinh doanh hội thoại – xu hướng nhắn tin giữa doanh nghiệp và khách hàng. Hiện tại, hơn 1 tỷ người trên toàn thế giới kết nối với các doanh nghiệp thông qua các ứng dụng nhắn tin Meta mỗi tuần.

“Không thể phủ nhận rằng cộng đồng người Việt thích kết nối với bạn bè và gia đình của họ thông qua các dịch vụ nhắn tin và họ muốn có những trải nghiệm tương tự với các doanh nghiệp. Nghiên cứu từ Boston Consulting Group và Meta năm 2022 cho thấy, cứ ba người tiêu dùng Việt Nam thì có ít nhất một người nhắn tin cho doanh nghiệp ít nhất một lần/tuần.

Nằm trong số các quốc gia có tỷ lệ sử dụng Kinh doanh hội thoại cao nhất, 73% người tiêu dùng Việt Nam được khảo sát sử dụng tính năng này để tiếp cận với các doanh nghiệp. Điều này cho thấy Kinh doanh hội thoại tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ phát triển doanh nghiệp cũng như tiếp cận khách hàng,” ông Khôi Lê, Giám đốc Quốc gia thị trường Việt Nam, Meta chia sẻ.

Meta hiện đạt 3 tỷ người sử dụng ít nhất một trong số các ứng dụng mỗi ngày và 3,8 tỷ người hoạt động mỗi tháng. 

Chí Dũng

Xu hướng tín dụng các ngân hàng đang thay đổi: Tăng bán buôn hay mở rộng bán lẻ?
Trong bối cảnh nhu cầu tín dụng yếu, các ngân hàng đang tìm mọi cách thay đổi để phát triển quy mô cho vay của mình. Nhiều nhà băng chọn tập trung đẩy mạnh bán buôn trong khi một số lại muốn phát triển những mảng không phải thế mạnh của mình.