|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Doanh nhân Phạm Minh Thiện: Người tìm hướng đi mới cho hạt gạo

20:08 | 29/01/2018
Chia sẻ
Tiếp quản cơ nghiệp lớn của gia đình, doanh nhân Phạm Minh Thiện, CEO công ty Cỏ May, viết tiếp câu chuyện tử tế của cha và tìm hướng đi mới cho hạt gạo.

Với sự cống hiến không mệt mỏi, mới đây, doanh nhân Phạm Minh Thiện vinh dự nhận giải thưởng Sao Đỏ – Doanh nhân trẻ tiêu biểu Việt Nam 2017.

Phóng viên: Khởi nghiệp từ một xưởng xà bông nhỏ, đến nay, Cỏ May là một công ty phát triển nông nghiệp vượt bậc. Bí quyết nào giúp Cỏ May giữ được đà tăng trưởng liên tục, tạo nên một gia sản lớn về vật chất và tinh thần?

Doanh nhân Phạm Minh Thiện: Tôi nghĩ rằng cái bí quyết nó chính là những nguyên tắc sống từ ba mình và theo thời gian thì biến thành văn hóa doanh nghiệp, văn hóa chân chính, chân thực và tôn trọng lợi ích của những người liên quan tới mình. Cá nhân tôi luôn tôn trọng đối tác, tôn trọng mọi phía liên quan. Tôi muốn định hình một doanh nghiệp, mọi người biết đây là một doanh nghiệp làm ăn tử tế.

doanh nhan pha m minh thie n nguo i tim huong di moi cho hat gao
Doanh nhân Phạm Minh Thiện, người luôn đề cao sự tử tế.

Trong đó, tử tế trong hoạt động, tử tế trong kế hoạch, tử tế với người lao động của mình. Tôi giả sử, chúng ta tự cho mình là doanh nghiệp tử tế nhưng lại đối xử không tử tế với người lao động của mình thì không nói được gì cả! Về những kế hoạch của Cỏ May sau này, tôi phát triển đi theo những hướng nông sản nông nghiệp công nghệ cao. Đó là những kế hoạch làm sao mà có lợi cho mình, có lợi cho mọi người, phải thỏa mãn hai tiêu chí đó tôi mới đầu tư, nếu chọn một lĩnh vực tiềm năng nhưng lĩnh vực đó không có lợi cho người dân, mà chỉ có lợi cho mình thì tôi không ưu tiên.

Tôi làm nông nghiệp công nghệ cao theo hướng sau thu hoạch, để bằng cách đó, có thể liên kết với nông dân, tức là năng lực thực trạng của nông dân có thể tiếp cận được, hoặc là mình có thể hỗ trợ họ để tiến lên. Quan điểm cá nhân tôi không ủng hộ cái phương thức nông nghiệp công nghệ cao theo hướng hiện đại như Hà Lan và Israel bởi vì không khả thi đối với đại đa số nông dân. Nếu như một công ty lớn dùng 1.000 ha đất làm nông nghiệp công nghệ cao thì tôi hiểu rằng 1.000 ha đất tương ứng của nông dân sẽ thất thu vì làm sao nông dân có thể cạnh tranh nổi. Tôi nghĩ là doanh nghiệp có làm nông nghiệp công nghệ cao thì để xuất khẩu chứ đừng đối kháng với sản phẩm của nông dân, hoặc là liên kết với nông dân. Như tôi làm công nghệ, tôi sẽ liên kết với nông dân, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, giám sát quy trình rồi bao tiêu sản phẩm làm sao mà để cho họ dễ làm theo mình và lợi nhuận được biết trước, chứ không phải sản xuất một cách bấp bênh, không biết giá. Đó là cách tôi làm doanh nghiệp!

Phóng viên: Theo anh, đâu là yếu tố quan trọng nhất giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững?

Doanh nhân Phạm Minh Thiện: Ở góc độ quan hệ thương mại và quan hệ đối tác, thì yếu tố tôn trọng đối phương từ mọi phía được ưu tiên. Đối với doanh nghiệp đã vượt qua quy mô doanh nghiệp gia đình, thì tôi nghĩ doanh nghiệp là một quốc gia thu nhỏ và cần có những cơ chế để vận hành, nếu cơ chế đó tự quy ước, tự vận hành, tự điều tiết doanh nghiệp… Và cần có văn hóa doanh nghiệp để giữ lại những gì là của mình. Theo tôi, doanh nghiệp cần có 4 yếu tố để tồn tại bền vững, đó là thể chế, cơ chế, con người và văn hóa. Trong đó, cơ chế là kết nối mọi người về với doanh nghiệp để tạo cho họ một cuộc sống sung túc, thu hút và giữ lại người tài cho doanh nghiệp và văn hóa là một nếp định hình và không thể xem thường.

Tôi đã từng tâm sự với mẹ rằng, tôi nối nghiệp ba, nhưng không phải là con của tôi phải nối nghiệp tôi nếu như nó không có tài. Ưu ái cho con mình là một sự bất công cho người khác. Ví dụ như tôi vì thương con mà giao cho nó, mà nó làm cho doanh nghiệp đi xuống và người lao động mất việc, mất thu nhập, thì tôi không thể nào vì thương con mà không tốt với người lao động. Tôi tìm cách để tạo phương thức cho doanh nghiệp tự vận hành, để về lâu dài sẽ có người thay thế mình. Tôi nghĩ điều đó là cần thiết để tránh đưa doanh nghiệp đi vào tương lai vô định, thì chuyện đó mình phải có thời gian thật xa.

doanh nhan pha m minh thie n nguo i tim huong di moi cho hat gao
Hoạt động sản xuất của công ty Cỏ May. Doanh nhân Phạm Minh Thiện đã tìm ra hướng đi mới cho hạt gạo.

Phóng viên: Thông tin về việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị bỏ hơn một nửa trong số khoảng 4.000 điều kiện kinh doanh, ông nghĩ gì về điều này?

Doanh nhân Phạm Minh Thiện: Tôi đón nhận tin này một cách rất hồ hởi và chờ đợi. Mặc dù chưa có kết quả cụ thể, nhưng đó là một tín hiệu vui vì thể hiện sự quan tâm với các thành phần kinh tế kỹ hơn và thiết thực hơn. Tôi kỳ vọng theo thời gian, chúng ta có hành lang pháp lý dành cho doanh nghiệp bình đẳng hơn, đó là bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước chứ không chỉ là các thành phần kinh tế trong nước. Giả sử doanh nghiệp đầu tư nước ngoài làm chung lĩnh vực với mình, thì người ta có hai chế độ pháp lý để vận hành, đó là của nước người ta, sau là ở nước mình. Chính vì sự thuận lợi như vậy, doanh nghiệp nước ngoài điều tiết giữa hai chế độ pháp lý cái nào có lợi hơn, nhất là việc chuyển giá. Còn doanh nghiệp Việt Nam chỉ có một chế độ pháp lý, thì phải tuân thủ theo pháp lý của Việt Nam và không thể vận dụng được như doanh nghiệp nước ngoài. Chưa nói đến các doanh nghiệp nước ngoài thì được ưu đãi nhiều hơn, nhưng điều tôi băn khoăn là nếu đã ưu đãi nhiều, thì sao không ưu đãi cho tất cả các thành phần trong nước, vì rất thiệt thòi cho doanh nghiệp trong nước…

Còn trong cơ cấu nền nông nghiệp, theo quan điểm của tôi, không thể trông đợi nông dân trở thành chủ thể chuyển đổi, mà phải là doanh nghiệp, bởi chỉ khi cho thấy lợi ích tiềm năng, họ sẽ có cách để sản xuất gắn liền nhu cầu thị trường. Đúng là lúc này, phương cách duy nhất để phát triển là liên tục thay đổi theo thị trường biến đổi.