Doanh nhân Phạm Anh Tuấn và khát vọng xây dựng bản đồ nông nghiệp Việt
Sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam khởi nghiệp để bảo tồn giống gà H'Mong |
Đó là chia sẻ của ông Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên hiệp hợp tác xã tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam (UCA) với TheLEADER trong những ngày đầu xuân mới 2018 về khát vọng hướng tới một nền nông nghiệp sạch, an toàn.
Với riêng ông Phạm Anh Tuấn, câu chuyện về khát vọng nông nghiệp sạch đã gắn liền với biết bao những thăng trầm trong cuộc đời ông, như những nỗ lực không ngừng nghỉ của ông cho sự phát triển của nông nghiệp Việt.
Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên hiệp hợp tác xã tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam (UCA) |
Luôn tâm niệm mình vì mọi người!
Là một người từng trải qua không ít thăng trầm, cả thành công lẫn thất bại đối với phát triển nông nghiệp, cơ duyên nào khiến ông vẫn quyết tâm theo đuổi đến cùng ước mơ xây dựng một nền nông nghiệp Việt an toàn?
Ông Phạm Anh Tuấn: Tôi sinh ra tại một vùng quê nghèo khó với một tuổi thơ chăn trâu cắt cỏ, được sống và chứng kiến cảnh người nông dân nơi đồng quê một nắng hai sương, cần cù chịu khó nhưng vẫn nghèo đói, "ăn không đủ ăn, mặc không đủ mặc". Chính tuổi thơ lam lũ vất vả đó đã nuôi trong tôi ước mơ rằng mình phải làm điều gì đó, dù nhỏ bé nhưng có thể đóng góp cho quê hương.
Doanh nhân Phạm Anh Tuấn. |
Tâm nguyện ấy khiến tôi lúc nào cũng đau đáu câu hỏi “mình sẽ làm gì đây?” để giúp người nông dân trên chính ruộng đồng của họ.
Rồi tôi may mắn được đi học bên Nhật và tiếp xúc mới nền nông nghiệp của các nước phát triển. Từ đó, tôi đã học hỏi cách làm của họ để về xây dựng nền nông nghiệp của quê hương mình.
Tất nhiên, những tư tưởng mới, cách làm mới, đặc biệt là hướng đi sản xuất nông nghiệp sạch, quy mô lớn bước đầu không thể tránh khỏi những khó khăn khi người dân mình đã quá quen với cách làm cũ.
Cũng không ít những lần thất bại rồi lại làm làm lại từ đầu, nhiều người nói tôi "bị điên, sao phải khổ sở vậy” nhưng đối với tôi, quan trọng nhất vẫn là tinh thần lạc quan và quyết tâm vượt qua khó khăn.
Doanh nghiệp làm kinh tế thường tính toán đến mục tiêu cao nhất là lợi nhuận, đối với ông vấn đề này như thế nào?
Ông Phạm Anh Tuấn: Những doanh nghiệp khác thì đúng như vậy, nhưng đối với tôi, nông nghiệp là đam mê. Mình sống được ngày nào thì cố gắng làm những điều tốt. Tôi luôn thấm nhuần tư tưởng mình vì mọi người, mọi người vì mình. Trong cái chung có cái riêng, mình cứ làm, cứ cống hiến, khi mình lo cho mọi người tốt thì mình cũng có phần.
Khi đi công tác nước ngoài, vào siêu thị lớn, thấy một sản phẩm xuất xứ tại Việt Nam, tôi luôn cảm thấy rất hạnh phúc. Chính vì thế, mà tôi luôn nêu cao tinh thần xả thân vì nông nghiệp với khát vọng làm sao để đưa nông sản Việt đến cho người Việt dùng một cách an toàn và rộng hơn nữa là xuất khẩu ra thế giới.
Tôi coi đó như một sứ mệnh của mình và tin rằng mình sẽ làm được. Khi người ta có lòng tin sẽ có một sức mạnh nội lực ghê gớm để thực hiện.
Khát vọng khởi nghiệp trong sản xuất nông nghiệp sạch
Được biết, ông đang cố gắng xây dựng một bản đồ nông nghiệp Việt với các đặc sản đặc trưng tại mỗi vùng miền, tại sao ông lại có ý tưởng này?
Ông Phạm Anh Tuấn: Đất nước Việt Nam với 63 tỉnh thành, 54 dân tộc anh em, cùng với đó là khí hậu, là đất là nước, là tập quán canh tác khác nhau, tất cả đã tạo ra hàng triệu đặc sản riêng biệt của mỗi vùng miền.
Đã làm nông nghiệp phải hiểu nông nghiệp, tôi đang cố gắng xây dựng được bản đồ nông nghiệp Việt. Trong đó quy định rõ vùng này sản xuất cái gì, đất này hợp với cây gì. Tất cả đã phân bổ rất rõ ràng từ trong tự nhiên, không thế đánh đồng.
Khởi nghiệp từ nông nghiệp: Cuộc cân đo trí não |
Ví dụ cam Vinh muốn cho quả ngọt không thể đem lên Cao Phong để trồng, hay bưởi Đoan Hùng không thể trồng ở đất khác.
Do đó, nếu muốn có một ngành nông nghiệp phát triển phải có quy hoạch, chuyên canh 3 đồng 2 vừa: Đồng nhất về công nghệ để giảm thiểu sức lao động; đồng nhất về loại giống; từ đó mới có thể đồng nhất về chất lượng sản phẩm.
Hai vừa là vừa tập trung sản xuất lớn chuyên canh, vừa phan tán, xen canh, thời vụ để có sản phẩm đa dạng, chất lượng cao.
Bên cạnh đó, cần tập trung áp dụng công nghệ, phân kỳ sản xuất, đầu tư nhà máy bảo quản chuyên dụng, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất – phân phối bền vững, tập trung thông qua các hợp tác xã nông nghiệp và liên kết bốn nhà (nhà nước, nhà khoa học, người nông dân, doanh nghiệp) để tránh hiện tượng được mùa mất giá, nâng cao giá trị và chất lượng nông sản.
Là một người rất gần gũi với người nông dân, ông thấy rằng, lợi ích của người dân đã thay đổi như thế nào khi họ chuyển sang sản xuất nông sản sạch?
Ông Phạm Anh Tuấn: Thực chất, trước đây bà con sản xuất nông sản không an toàn “rau 2 luống, lợn 2 chuồng”, luống để ăn, luốn để bán là do họ không hiểu về nông nghiệp. Họ thấy ruộng nhiều cỏ thì phun thuốc trừ cỏ, muốn tăng trưởng nhanh thì phun thuốc kích thích chứ không có quy trình nào, không ai hướng dẫn.
Trong khi đó, phần lớn người nông dân dùng nước giếng khoan, những hoá chất tồn dư từ sản xuất nông nghiệp dần dần ngấm xuống đất và chính họ là người bị ảnh hưởng trước tiên đã rồi mới đến người tiêu dùng.
Do đó, khi được phổ biến về kiến thức sản xuất nông sản an toàn, người dân sẵn sàng tham gia. Đặc biệt những nơi nào chính quyền địa phương, quan tâm vận động thì ở nơi đó nông nghiệp sạch phát triển rất tốt. Qua đó, đời sống của người dân cũng được cải thiện rất nhiều từ môi trường sống, sức khoẻ đến thu nhập về kinh tế.
Ông đánh giá như thế nào về triển vọng phát triển của ngành nông nghiệp trong năm 2018?
Ông Phạm Anh Tuấn: Trong năm 2017 vừa qua các cơ quan lãnh đạo đã rất quyết liệt trong việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp, tôi tin rằng trong năm 2018 sẽ còn khởi sắc vượt bậc hơn nữa.
Ngành nông nghiệp đang nhận được sự quan tâm lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước Chính phủ, không có lúc nào người nông dân đang chuyển dịch tư duy sản xuất nông nghiệp sạch như bây giờ. Có thể nói, cả xã hội đang vào cuộc để phát triển nông nghiệp.
Nền nông nghiệp Việt Nam đã có 4.000 năm lịch sử, người dân cần cù chịu khó, rất giỏi trong sản xuất nông nghiệp, vấn đề là chúng ta cần xây dựng một thị trường tiêu thụ tốt cho nông sản để phát triển sản xuất một cách bền vững
Để làm được điều này, không có cách nào khác là xây dựng nông nghiệp theo kinh tế thị trường, lấy thị trường làm mệnh lệnh của sản xuất. Tôi cho rằng, thời điểm này mới là lúc Việt Nam bắt đầu tinh thần khởi nghiệp hội nhập kinh tế quốc tế trong sản xuất nông nghiệp, đưa nông nghiệp Việt phát triển hơn nữa.
Xin cảm ơn ông!