|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam khởi nghiệp để bảo tồn giống gà H'Mong

16:51 | 27/12/2017
Chia sẻ
Trang trại gà H’Mong B&C của Học viện Nông nghiệp Việt Nam là dự án lọt vào vòng chung kết Cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia 2017 vào ngày 26/12 tại Hà Nội.

Vượt qua gần 160 đối thủ, Trang trại Gà H’Mong của sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam xuất sắc nằm trong “top” 6 dự án xuất sắc nhất tại Cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia năm nay.

mong muon bao ton giong ga hmong cua sinh vien hoc vien nong nghiep viet nam
Đại diện Top 6 dự án xuất sắc nhất tại Chung kết Cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia 2017. Ảnh: Bùi Mến.

Trang trại Gà H’Mong là dự án chăn nuôi, kinh doanh gà H’Mong, nhằm duy trì và bảo tồn giống gà quý hiếm này.

Theo bạn Nguyễn Thanh Bình, một trong ba sinh viên sáng lập dự án Trang trại Gà H’Mong, tỷ lệ cá thể sống sót và hàm lượng dinh dưỡng của gà H’Mông cao hơn gà Ri.

“Theo khảo sát của nhóm tại 60 hộ dân ở tỉnh Yên Bái, có 15 hộ dân chiếm 25% đang chăn nuôi gà H’Mong. Mỗi hộ dân nuôi từ 50 tới 100 con gà. Tuy nhiên 26/60 hộ dân đánh giá thấp giống gà của họ bởi thịt không ngon, giá thành thấp”, Thanh Bình cho biết.

Hiện nay, nhiều mô hình kinh doanh giống gà H’Mong đã xuất hiện. Theo đánh giá của nhóm dự án, có ba cơ sở là đối thủ cạnh tranh chính: Trang trại Hạt Thóc Vàng, Trang trại Tiến Minh và Trang trại Vàng Thành Công.

mong muon bao ton giong ga hmong cua sinh vien hoc vien nong nghiep viet nam
Ba sinh viên sáng lập dự án Trang trại Gà H'Mong gồm: Trần Thị Bích Ngọc (bên phải), Nguyễn Thanh Bình (đứng giữa), Vũ Huyền Trang (bên trái). Ảnh: Bùi Mến.

Điểm khác biệt của mô hình Trang trại Gà H’Mong B&C là sử dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo để nhân giống nhằm đạt tỷ lệ (khả năng đẻ của gà và trứng nở) cao hơn so với các hộ nông dân nuôi trồng.

“Chúng tôi sử dụng máy ấp để ấp trứng và cung cấp ra thị trường ba loại gà giống: gà một ngày tuổi, gà một tuần tuổi và gà một tháng tuổi. Giống chính là gà 1 tuần tuổi bởi đó là thời gian mà gà có sức đề kháng tốt nhất”, Thanh Bình nói.

Bên cạnh đó, vấn đề xử lý chất thải khép kín, thân thiện với môi trường cũng là một yếu tố đặc biệt của dự án. Với mô hình Trang trại Gà H’Mong B&C, chất thải từ gà dùng làm thức ăn cho giun, giun lại làm nguồn thức ăn cho gà. Ngoài ra, chất độn chuồng gà được sử dụng cho mô hình trồng rau sạch. Còn số lượng gà chết sẽ bán cho những hộ dân nuôi ba ba, cá trê.

Theo Thanh Bình, Trang trại Gà H’Mong B&C kinh doanh ba sản phẩm là gà giống, gà thương phẩm và trứng. Trong đó, giá gà thương phẩm dự kiến từ 180.000 đồng tới 200.000 đồng một cân. Thị trường mà dự án hướng tới là các cơ sở, hộ dân chăn nuôi, dự án phát triển kinh tế trang trại, các hội chợ triển lãm và bán lẻ nhằm phủ sóng rộng rãi giống gà này.

“Vì là sinh viên nên khó khăn nhất khi chúng tôi thực hiện dự án là nguồn vốn. Tổng số tiền đầu tư dự án là 300 triệu đồng. Trong đó, chúng tôi có 200 triệu đồng từ bản thân và nhờ vay gia đình, bạn bè. Vì vậy, chúng tôi kêu gọi số vốn 100 triệu đồng từ các nhà đầu tư”, Thanh Bình chia sẻ.

Đánh giá cao ý tưởng, mô hình kinh doanh Trang trại Gà H’Mong B&C, ông Nguyễn Văn Mỹ - Giảng viên Chương trình CEFE Việt Nam, Cố vấn cao cấp Chương trình Khởi nghiệp và bà Võ Thị Phương Lan – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Vận tải ASL, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn – Hỗ trợ Khởi nghiệp phía Nam đều tỏ ra vô cùng thích thú và gợi ý khả năng đầu tư cho dự án.

Lễ trao giải cho các dự án sẽ diễn ra tại Chương trình FESTIVAL 2018 được tổ chức vào 12/1/2018.

Tuy nhiên, chia sẻ với phóng viên sau cuộc thi, bạn Vũ Huyền Trang, đồng sáng lập dự án Trang trại Gà H’Mong khẳng định: “Chúng tôi đến với cuộc thi với tinh thần học hỏi là chính. Trước khi bước vào chung kết, chúng tôi đã triển khai mô hình thật tại huyện Văn Chấn, Yên Bái. Thế nhưng, dù chiến thắng hay không, chúng tôi vẫn quyết tâm thực hiện dự án, đưa dự án vào thực tế”.

Bùi Mến