|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn: Chi phí logistics tăng gấp 10 lần thì doanh nghiệp nào chịu nổi

07:55 | 07/04/2022
Chia sẻ
Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết kể từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra, chi phí logistics đã tăng 10 lần và bào mòn hết lợi nhuận của doanh nghiệp xuất khẩu. Bởi, chi phí logistics chiếm tới 20-25% chi phí sản xuất.

Tại tọa đàm “Tìm giải pháp kéo giảm chi phí xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) cho biết chi phí logistics của Việt Nam còn cao hơn nhiều so với mặt bằng chung trên thế giới.

Theo số liệu năm 2020 của Ngân hàng thế giới, chi phí logistics của Việt Nam chiếm khoảng 20-25% GDP. Trong khi đó tại Thái Lan chỉ là 19%, Malaysia là 13%, Singapore 8% và Mỹ chỉ 7,7%.

Chi phí logistics tăng cao đã làm cho chi phí hàng hoa của Việt Nam tăng theo làm mất lợi thế cạnh tranh so với các nước trong khu vực châu Á.

Ngoài ra, ông Johnathan Hạnh Nguyễn thông tin thêm thị trường vận tải hàng hóa bằng đường hàng không của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 15,3%/năm, nhưng đến nay các hãng hàng không vẫn chỉ vận chuyển hàng hóa kết hợp trên chuyến bay chuyên chở hành khách, chưa có hãng hàng không vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ những thông tin nóng hổi về hãng vận tải hàng hóa IPP Air Cargo và Công ty CP Bellazio Logistics. (Ảnh: Tạp chí Hải quan)

Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, tại thị trường hàng hóa quốc tế đến Việt Nam hiện đang có 29 hãng hàng không nước ngoài khai thác, chuyên chở hàng hóa từ 16 quốc gia đến Việt Nam.

Do số lượng chuyến bay chuyên chở hành khách kết hợp hàng hóa giảm mạnh trong khi nhu cầu vận chuyển tăng cao nên giá cước vận chuyển hàng hóa quốc tế đã tăng vọt 3-4 lần, thậm chí có thời điểm, có thị trường giá cước tăng 5-6 lần so với trước dịch.

Trước đây, giá cước vận chuyển hàng hóa từ châu Á đi Hoa Kỳ là khoảng 1-1,8 USD/kg, nhưng hiện nay đã lên mức 17 - 18 USD/kg.

“Mức tăng lên tới 10 lần như vậy thì doanh nghiệp không chịu nổi. Trong khi chi phí logistics chiếm tới 20-25% nên bào mòn hết lợi nhuận của doanh nghiệp xuất khẩu”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn nhấn mạnh.

Do đó, doanh nhân này cho rằng việc tìm giải pháp kéo giảm chi phí này là yêu cầu cấp thiết cho giai đoạn hiện tại để nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam.

Tại tọa đàm, ông ông Johnathan Hạnh Nguyễn tiết lộ CTCP Bellazio Logistics vừa được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp vào ngày 5/4.

Theo đó, CTCP Bellazio Logistics có cơ cấu cổ đông gồm: IPPG, Sasco, Vietnam Post, Viettel Post, Bellazio Trading Online và IPP Air Cargo.

Lĩnh vực hoạt động chính của doanh nghiệp gồm có phát chuyển nhanh; vận chuyển hàng hóa nội địa và quốc tế; vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không và tàu biển; đầu tư và vận hành kho bãi. Công ty này sẽ góp phần kéo giảm chi phí xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp.

IPP Air Cargo sẽ đưa hàng hóa từ nước ngoài vào Việt Nam, và các hãng hàng không nước ngoài đưa hàng vào, IPP Air Cargo sẽ đưa đi khắp 22 sân bay của Việt Nam.

Tiếp đến, Viettel Post, Vietnam Post, Sasco cùng với các công ty logistics để đưa hàng hóa của doanh nghiệp đi khắp các tỉnh thành, giúp thương mại điện tử phủ sóng khắp Việt Nam.

“Tất cả các hãng hàng không trên thế giới đều có thương quyền vận chuyển hàng hóa, nhưng theo hiệp định hàng không, chúng tôi sẽ được bay cùng số chuyến với họ, như vậy số chuyến vận chuyển sẽ được tăng lên gấp đôi, giúp doanh nghiệp không phải chịu cảnh kẹt hàng.

IPP Air Cargo đóng vị thế tạo sự cân bằng giữa các hãng hàng không nước ngoài và Việt Nam”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ.

Được biết, ngày 29/3, Bộ Giao thông vận tải đã trình Thủ tướng Chính phủ về việc xem xét cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không hàng hóa cho IPP Air Cargo.

 

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn kỳ vọng IPP Air Cargo sẽ sớm được cấp phép và khởi động, góp phần kéo giảm chi phí xuất khẩu cho doanh nghiệp trong nước.

Hoàng Anh