Doanh nghiệp xây dựng bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn
Chiều 2/6, tại thành phố Đà Nẵng, Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam đã tổ chức cuộc họp Ban chấp hành mở rộng để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xây dựng. Cuộc họp có sự tham gia của gần 50 doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực xây dựng.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết: Trong các năm qua, dịch bệnh COVID-19 đã làm cho doanh nghiệp ngành xây dựng gặp rất nhiều khó khăn, nhiều công trình, dự án bị ngừng hoạt động.
Trong năm 2022, tình hình giá vật liệu tăng cao 30-40%, cơ chế giảm 5% trong chỉ định thầu, tình hình bất động sản đang đóng băng, tỷ lệ nợ phải thu của các doanh nghiệp xây dựng lên đến 60 – 70%… Các khó khăn trên đã làm các công trình ngưng trệ, người lao động không có công ăn việc làm, nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản.
Trong hoàn cảnh đó, Hiệp hội đã chủ động, chuyển trạng thái hoạt động để chắp nối, nắm bắt khó khăn, chia sẻ với doanh nghiệp. Cuộc họp nhằm ghi nhận các ý kiến đóng góp của doanh nghiệp hội viên nhằm kiến nghị, đề xuất với Chính phủ và các cấp, các ngành những biện pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho lĩnh vực xây dựng phát triển.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Nhật Thành, Chủ tịch Công ty trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Xây dựng Delta cho biết: trong những năm qua, khó khăn trong lĩnh vực xây dựng đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của công nhân, tổng số công nhân của công ty đã giảm từ 9.000 người xuống còn hơn 6.000 người.
Một trong những khó khăn của ngành xây dựng là tình trạng chủ đầu tư chậm nghiệm thu, chậm chi trả cho nhà thầu, thậm chí nhiều chung cư đã bán căn hộ cho người dân vào ở, nhưng chủ đầu tư vẫn nợ 20% tiền xây dựng của nhà thầu.
Ông Trần Nhật Thành cho rằng cần có những quy định, điều khoản rõ ràng về thời hạn chi trả của chủ đầu tư; đồng thời các cơ quan chức năng khi nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng cần yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đối với nhà thầu.
Còn theo ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) cho rằng các doanh nghiệp xây dựng cần đẩy mạnh liên kết, hỗ trợ nhau để vượt qua thời gian khó khăn. Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp xây dựng cần thúc đẩy các quan hệ đối tác kinh doanh, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Bên cạnh đó, cùng với nhiều chính sách "giải cứu" lĩnh vực bất động sản, sản xuất công nghiệp… các bộ, ngành cũng nghiên cứu các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy lĩnh vực xây dựng để tiếp sức doanh nghiệp và các công nhân trong ngành xây dựng.
Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam, từ nay đến cuối năm 2023, Hiệp hội sẽ tiếp tục kiến nghị các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động xây dựng, đấu thầu như: hợp đồng và tranh chấp hợp đồng xây dựng; bù giá và thanh toán hợp đồng; kiến nghị với nhà nước xây dựng cơ chế bảo lãnh thanh toán của chủ đầu tư và giải quyết nợ đọng trong xây dựng; cơ chế bảo hành và quyết toán hợp đồng…
Đồng thời, Hiệp hội tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên những vấn đề vướng mắc bất cập có liên quan đến định mức, đơn giá; phối hợp với Bộ Xây dựng để cuối năm 2023 ban hành áp dụng lập đơn giá thanh toán; kiến nghị Bộ Xây dựng điều chỉnh cơ chế xác định đơn giá tiền lương, giá ca máy mới phù hợp, cơ chế công bố giá vật liệu sát thị trường…
Trong năm 2022 và 5 tháng đầu năm 2023, Hiệp hội đã cấp được 16.962 chứng chỉ cá nhân trong 4 lĩnh vực: khảo sát, thiết kế, giám sát xây dựng và quản lý dự án. Bên cạnh đó, Hiệp hội đã cấp 5 chứng chỉ thi công cho 4 doanh nghiệp với 11 lĩnh vực thi công. Đến nay, tổng số hội viên Hiệp hội là trên 500 doanh nghiệp, đơn vị; trong đó khoảng 150 đến 200 hội viên tham gia sinh hoạt thường xuyên