|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Doanh nghiệp xăng dầu than chiết khấu ở mức thấp, càng bán càng lỗ

07:50 | 22/09/2022
Chia sẻ
Khi mức chiết khấu cho doanh nghiệp xăng dầu về 0 đồng, nhiều cơ sở càng bán càng lỗ, chi phí không đủ bù đắp cho chi phí kinh doanh cố định.

Từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu trong nước liên tục biến động, có thời điểm đã vượt 30.000 đồng mỗi lít. Trong khi đó, chiết khấu giảm, thu không đủ bù chi, nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu gặp nhiều khó khăn, theo Vietnamplus.

Tại Hội nghị về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, ông Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần dầu khí Sơn Hải cho biết từ tháng 7 đến nay, chiết khấu các đầu mối nhập khẩu cho thương nhân phân phối xăng dầu và doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu rất thấp, có những thời điểm chiết khấu bằng 0 và 50-100 đồng/lít tại kho đầu nguồn.

“Với chiết khấu như vậy, thương nhân càng bán càng lỗ, chi phí không đủ bù đắp cho chi phí kinh doanh cố định, lỗ chồng lỗ. Trong khi doanh nghiệp càng bán càng lỗ nhưng cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương yêu cầu phải bán hàng và không được phép đóng cửa,” ông Hạnh nói.

Theo vị này, giá thành thực tế phải chi phí cho 1 lít xăng từ khâu vận chuyển, kho đầu nguồn đến bán lẻ là 1.200 đồng-1.341 đồng/lít, với dầu là 1.130 đồng-1.254 đồng/lít.

Vì vậy, đại diện Công ty Sơn Hải mong muốn Bộ Tài chính sớm cập nhật, xem xét một số kiến nghị để tính đúng, tính đủ chi phí kinh doanh thực tế của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối hiện nay.

 Nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu khó trụ được nếu chiết khấu thấp trong thời gian dài. (Ảnh: Hoàng Anh

Cùng chung ý kiến này, bà Nguyễn Thị Sinh, Giám đốc Công ty TNHH xăng dầu Chính Thắng (Yên Bái) chia sẻ thêm cách đây 6 năm, mức chiết khẩu ở mức 600 đồng/lít mới đủ để hoạt động, nhưng hiện nay chiết khấu đã giảm về 0 đồng/lít, hoặc có thể ở mức 20-70 đồng/lít.

Trong khi đó, để đưa hàng từ kho Đức Giang (Hà Nội) lên cửa hàng tại Yên Bái chi phí vận chuyển thấp nhất là 700 đồng/lít dẫn đến nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Về tình trạng cung ứng xăng dầu, bà Sinh thông tin thêm từ khoảng tháng 8 đến nay, tình trạng khan hiếm, đứt hàng xảy ra liên tục, không có hàng để cấp.

“Thời gian trước, doanh nghiệp đầu mối cấp xăng dầu cho công ty theo sản lượng bình quân của 3 tháng trước đó, song hiện nay khi nào có hàng mới cấp.

Thời điểm cấp hàng nhiều là khoảng 27 m3/ngày là cả xăng và dầu, trong khi khu cầu thực tế của 5 cửa hàng và 10 đại lý của công ty gấp khoảng 2,5 lần con số đó,” bà Sinh nói.

Liên quan đến vấn đề điều hành, chiết khấu xăng dầu, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết vấn đề chiết khấu thấp như hiện nay, các doanh nghiệp bán lẻ với các doanh nghiệp đầu mối cần có đàm phán, chia sẻ với nhau trong thời điểm khó khăn.

"Có thời điểm doanh nghiệp đầu mối chiết khấu cao hơn, nhưng đây là thời điểm khó khăn chung trong toàn hệ thống, do đó các doanh nghiệp cần bắt tay, chia sẻ với nhau trong giai đoạn này", ông Tuấn nói.

Hoàng Anh

Ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ có ảnh hưởng đến mục tiêu GDP của Việt Nam?
Theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, ông Donald Trump trở lại vị trí Tổng thống Mỹ vào năm tới có thể sẽ giải quyết các cuộc xung đột đang leo thang theo hướng hòa bình, làm cho chính trị thế giới ổn định hơn. Từ đó, nhiều nền kinh tế phát triển trong đó có Mỹ sẽ tăng trưởng tốt hơn, thu nhập người dân cao hơn khiến nhu cầu mua sắm tăng lên sẽ thúc đẩy xuất hàng hóa từ Việt Nam.