Doanh nghiệp vừa và nhỏ bắt đầu được vay vốn rẻ từ SMEDF
Doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi sản xuất, chế biến và bảo quản nông lâm thủy sản đáp ứng điều kiện sẽ được vay vốn đến 10 tỉ đồng. Ảnh: nuôi cá bè tại Long Xuyên, An Giang. Ảnh: Minh Tâm |
Trao đổi với TBKTSG Online bên lề hội thảo giới thiệu các phương thức hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa diễn ra chiều nay, 29-9, tại TPHCM, bà Hoàng Thị Hồng, Chủ tịch SMEDF, cho biết sau khi được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ vào năm 2013, tổ chức này dành thời gian để xây dựng cơ chế cho vay bởi đây là ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó còn phải xây dựng, hình thành bộ máy.
Đến tháng 4-2016 vừa rồi, SMEDF bắt đầu công bố chính thức hoạt động, lựa chọn được ba ngân hàng ủy thác thực hiện cho vay vốn và đến thời điểm hiện tại thì bắt đầu nhận hồ sơ vay vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo ông Bùi Hoàng Tùng, Phòng giám sát và quản trị rủi ro của SMEDF, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đáp ứng các quy định kèm theo sẽ được vay vốn từ quỹ. Số tiền vay tối đa là 30 tỉ đồng với thời hạn tối đa 7 năm, có thể xem xét lên đến 10 năm, lãi suất 5,5%/năm cố định trong thời hạn vay cho khoản vay ngắn hạn (dưới 12 tháng) và 7%/năm đối với khoản vay trung và dài hạn. Đặc biệt, doanh nghiệp không phải trả phí phạt nếu trả nợ trước hạn…
SMEDF đã chọn ba tổ chức tín dụng là Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển TPHCM (HD Bank) làm ngân hàng ủy thác.
Đây là các đơn vị chịu trách nhiệm thẩm định hồ sơ vay vốn của các doanh nghiệp từ SMEDF chuyển xuống cũng như thực hiện giải ngân, theo dõi các khoản nợ… với các hồ sơ đạt yêu cầu. Các ngân hàng ủy thác cũng là đầu mối tiếp nhận hồ sơ vay vốn của các doanh nghiệp.
Bà Hồng chia sẻ, việc lựa chọn ba ngân hàng kể trên dựa trên các tiêu chí về khả năng thanh khoản, uy tín…, và quan trọng nhất là mức độ sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp bởi ngân hàng phải “hy sinh” một số quyền lợi khi tham gia cùng SMEDF.
Trong thời gian tới, theo bà Hồng, SMEDF sẽ mở rộng số lượng ngân hàng bởi mục tiêu của quỹ là tạo vốn mồi, thu hút ngân hàng tham gia và tiến tới sẽ sử dụng vốn của ngân hàng, không phải từ ngân sách như hiện nay. Điều này cũng giúp thay đổi khẩu vị rủi ro của các ngân hàng, hướng nhiều hơn đến doanh nghiệp nhỏ và vừa thay vì thích cho doanh nghiệp lớn vay.
“Mục tiêu chúng tôi nhắm đến là hỗ trợ doanh nghiệp theo thế cài răng lược, tức là hỗ trợ từ nhiều phía xen kẽ nhau”, bà Hồng nói với TBKTSG Online.
Hiện tại, SMEDF đã có 4 chương trình cụ thể dành cho các nhóm đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thứ nhất, đó là chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo; Thứ hai là chương trình dành cho doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; Thứ ba là chương trình cho doanh nghiệp sản phẩm công nghiệp phụ trợ cho ngành điện tử và cơ khí; và cuối cùng là chương trình cho doanh nghiệp trong ngành hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải.
Mỗi chương trình đều có những điều kiện cụ thể về mức vốn, tiêu chí xét duyệt…
Doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể liên hệ SMEDF tại website: www.smedf.gov.vn.
Theo Minh Tâm
TBKTSG Online