|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Doanh nghiệp Việt Nam chạy đua để có đơn hàng gia công thuỷ sản Nhật Bản

16:26 | 31/10/2023
Chia sẻ
Việc Trung Quốc cấm nhập khẩu thuỷ sản từ Nhật Bản tạo ra cơ hội cho mảng gia công của Việt Nam. Các nước khác như Thái Lan, Ấn Độ và Indonesia cũng đang cạnh tranh tiếp cận với Nhật Bản để có những đơn hàng.

Tại Hội nghị đồng hành cùng ngành thuỷ sản thúc đẩy xuất khẩu, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP) cho biết trong mấy tháng gần đây nhu cầu gia công thuỷ sản từ các “ông chủ” lớn đến từ các thị trường trọng điểm như Nhật Bản và Mỹ gia tăng đáng kể. Mặt hàng được quan tâm là cá minh thái, cá tuyết, cá thu, cá sòng, cá chim, cá đuối, cá trê….

Việc Trung Quốc và một số quốc gia áp lệnh cấm nhập khẩu thuỷ sản từ Nhật Bản được xem là thông tin tích cực mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt ở miền Trung và miền Bắc quan tâm. Bởi, đây là cơ hội cho các doanh nghiệp có đơn hàng gia công từ Nhật Bản. 

“Trong một vài tuần tới, khi đánh giá được đầy đủ thông tin, chúng tôi sẽ báo cáo tới Bộ Công Thương để hỗ trợ trong việc trao đổi với những ông chủ lớn tại Nhật Bản. Các nước khác như Thái Lan, Ấn Độ và Indonesia cũng đang cạnh tranh tiếp cận với Nhật Bản để có những đơn hàng gia công”, ông Nam cho biết.

Đại diện VASEP nói thêm đặc trưng của gia công thuỷ sản là xoay vòng vốn rất nhanh chỉ trong vòng 30 ngày, lâu nhất là 45 ngày. Bên cạnh đó, doanh nghiệp không phải chi quá nhiều cho tài nguyên môi trường để tạo ra một con tôm, con cá trưởng thành. Mảng gia công hiện đang hỗ trợ đáng kể cho ngành thuỷ sản. 

“Đây không chỉ là vấn đề tạo thêm việc làm cho người lao động, khi các doanh nghiệp có được đơn hàng gia công thì đồng nghĩa sẽ có thêm thị phần trong tương lai”, ông Nam cho biết.

Tuy nhiên, việc tiếp cận các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn đang là bài toán khó đối với Việt Nam. 

Ông Nam cho biết các doanh nghiệp Nhật Bản đang thực sự sốt sắng trong việc duy trì sản xuất kinh doanh. Mặc dù vậy, đặc thù của Nhật Bản là khi tìm được đối tác mới, họ rất thận trọng. Việc tìm hiểu đối tác sẽ mất thời gian dài và “cơ hội kinh doanh gần như treo trên sợi tóc”.

“Chúng tôi dự kiến sẽ thành lập đoàn doanh nghiệp để tiếp cận với Cục Thuỷ sản của Nhật Bản. Ngoài ra, chúng tôi đang trao đổi vơi đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản để tiếp cận với ông chủ hàng lớn. Chúng tôi rất muốn thực hiện những công việc này trước Tết âm lịch vì cơ hội nhiều khi chưa đánh giá được về mặt thời điểm”, ông Nam cho biết. 

 Hội nghị đồng hành cùng ngành thuỷ sản đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu (Ảnh: H.Mĩ)

Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại cho biết tuỳ theo yêu cầu cụ thể của VASEP, Cục sẽ có kế hoạch làm việc với thương vụ tại nước ngoài để hỗ trợ tổ chức các cuộc gặp mặt giữa các doanh nghiệp. 

"Chúng tôi thường xuyên tổ chức các hoạt động với cơ quan xúc tiến thương mại tại Nhật Bản. Và đây là những hoạt động thường niên", ông Tài cho biết.

Tuy nhiên, ông Tài cũng lưu ý đa phần doanh nghiệp ở quy mô vừa và nhỏ. Do đó, trong các cuộc tiếp xúc còn thiếu chuyên nghiệp. Các thức chuẩn bị thông tin và ngôn ngữ còn yếu. 

Trước đó, ngày 24/8, Nhật Bản bắt đầu xả nước bị ô nhiễm từ nhà máy hạt nhân Fukushima ra biển bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của quốc tế. Cùng ngày, Trung Quốc quyết định đình chỉ hoàn toàn việc nhập khẩu thuỷ sản của Nhật Bản, theo Undercurrent News.

Không chỉ Trung Quốc, Nga cũng đã lên tiếng đình chỉ nhập khẩu thuỷ sản từ Nhật Bản hồi giữa tháng 10, theo The Moscow Times

Cơ quan chịu trách nhiệm quản lý các sản phẩm nông nghiệp của Nga cho biết lệnh hạn chế sẽ được duy trì “cho đến khi có thông tin đầy đủ cần thiết để xác nhận sự an toàn của sản phẩm thủy sản từ Nhật Bản”.

Hôm 16/10, truyền thông quốc gia Trung Quốc CCTV đưa tin xuất khẩu thuỷ sản của Nhật Bản đã bị cản trở nghiêm trọng kể từ sau vụ xả thải Fukushima. 

Tại khu vực khai thác sò điệp chỉnh ở Hokkaido (Nhật Bản), xuất khẩu giảm mạnh dẫn đến tồn kho tích tụ nhiều và thiếu kho chứa. Một số doanh nghiệp bày tỏ quan ngại rằng lượng tồn kho có thể tích luỹ lên tới 6.000 tấn vào cuối năm nay. 

Đối mặt với tình trạng tồn kho lớn, Bộ trưởng Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thuỷ sản Nhật Bản gần đây để kêu gọi người dân tiêu thụ thêm sò điệp để giảm bớt tình trạng này. 

Một số khu vực sản xuất đã bắt đầu phân phối miễn phí lượng hàng tồn kho dư thừa, phục vụ cho bữa ăn tại các trường học và mục đích khác. 

Bắt đầu từ ngày 2/10, Công ty Điện lực Tokyo tiếp nhận yêu cầu bồi thường của các doanh nghiệp thuỷ sản. 

Tuy nhiên, vẫn còn lo ngại về chi phí bào quản thuỷ sản tăng lên do lượng tồn kho ngày càng nhiều. CCTV đưa tin chưa chắc các doanh nghiệp thuỷ sản Nhật Bản có thể tồn tại cho đến khi nhận được tiền bồi thường. 

 

H.Mĩ