|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Doanh nghiệp thực phẩm chịu hết nổi khi giá nguyên liệu tăng 30%, sẽ phải nâng giá bán hàng

11:17 | 26/11/2021
Chia sẻ
Gần 6 tháng qua, nhiều doanh nghiệp chế biến thực phẩm TP HCM cho biết phải sản xuất hòa vốn, bù lỗ do đội chi phí sản xuất, nguyên liệu tăng tới 20-30%. Với khả năng chịu đựng đã tới hạn, mặt bằng giá thực phẩm dự kiến sẽ tăng trong thời gian tới.

Giá thực phẩm có thể tăng 5 - 15%

Doanh nghiệp thực phẩm chịu hết nổi vì giá nguyên liệu tăng tới 30% - Ảnh 1.

Sản xuất mỳ tôm gặp khó khăn khi giá bột mỳ nhập khẩu tăng tới 20% (Ảnh: Nguoilaodong)

Giá các loại nguyên vật liệu đầu vào sản xuất của các doanh nghiệp thực phẩm tăng cao trong thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động. Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM (FFA), cho biết giá nguyên liệu nhập khẩu tăng 20 - 30%, nguồn nguyên liệu trong nước cũng tăng từ 10 - 15% so với trước khi dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát. 

Điều này làm đội giá thành sản xuất của doanh nghiệp từ 5 - 15%. "Tôi hình dung từ giờ đến cuối năm sẽ có mặt bằng giá mới với ngành thực phẩm", Chủ tịch FFA chia sẻ với người viết.

Qua trao đổi với các doanh nghiệp, bà Chi cho hay với ngành chế biến thịt gia cầm, gia súc thì cơ bản đảm bảo nguồn cung ứng và sẽ giữ bình ổn giá cho thị trường trong thời gian tới, tuy nhiên nhiều mặt hàng khác có thể phải tăng giá.

Các doanh nghiệp sản xuất mì ăn liền, các loại gia vị, bánh kẹo,... sẽ không thể giữ ổn định giá đầu ra mãi khi giá nguyên liệu chính là bột mỳ (chiếm 70 - 80% giá thành sản xuất) đang tăng khoảng 20%.

Trong suốt thời gian dịch bệnh vừa qua, nhóm doanh nghiệp lương thực, thực phẩm TPHCM đã kiên quyết giữ giá sản phẩm, đảm bảo nguồn cung ứng mặc dù các chi phí đầu vào đều tăng (nguyên vật liệu, nhân công), lại thêm chi phí thực hiện 3 tại chỗ. 

"Chúng tôi sản xuất với tâm lý chấp nhận lỗ để giữ ổn định giá cả hàng hóa thiết yếu", bà Chi cho biết.

Theo Chủ tịch FFA, đến thời điểm này, doanh nghiệp lương thực, thực phẩm TP HCM đã hết "sức chống chịu", do vậy nếu quyết định tăng giá cũng là điều thông cảm được. Nếu tăng thì tuỳ nhóm hàng, tăng dần từ 5 - 15%. 

Về phía nhà phân phối, ông Nguyễn Thái Dũng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Bán lẻ BRG, cho hay hệ thống này đã nhận được đề nghị của một số nhà cung cấp với mong muốn được nâng giá sản phẩm ở các ngành như mỳ tôm, dầu ăn, bánh kẹo...

Tuy nhiên, siêu thị sẽ có quy trình xét duyệt giá, đàm phán làm rõ nguyên nhân tại sao lại tăng giá. Nếu nhà sản xuất có lý do thuyết phục thì mới được điều chỉnh.

"Theo lý giải của một số nhà sản xuất, nguyên nhân phải tăng giá là do chi phí nhân công, nguyên liệu, phòng dịch và vận chuyển bị đội lên cao, doanh nghiệp hết khả năng chịu đựng. Thời điểm tăng là vào tháng 12 tới", ông Dũng cho biết.

Doanh nghiệp thực phẩm chịu hết nổi vì giá nguyên liệu tăng tới 30% - Ảnh 2.

Vụ Thị trường trong nước khẳng định sẽ theo dõi, bám sát tình hình giá cả, thị trường hàng hóa (Ảnh: KIDO).

Trao đổi với người viết, TS. Trần Minh Hải, thành viên Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Nam (Tổ 970 của Bộ NN&PTNT), cho hay thứ 7 hàng tuần Tổ 970 vẫn đang tổ chức kết nối tiêu thụ nông sản với sự tham gia của người sản xuất, doanh nghiệp sản xuất, phân phối và nhà quản lý. 

Hiện nay, nguồn cung lương thực, thực phẩm của Việt Nam thì không lo, cơ bản đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, một số loại loại nông sản như giá rau gia vị tăng do chi phí vận chuyển đắt đỏ.

Đồng thời, doanh nghiệp sản xuất thực phẩm vẫn phải duy trì test COVID-19 cho lao động, đây cũng là chi phí không nhỏ. 

Mặt khác, Tổ 970 vẫn nhận được phản ánh của doanh nghiệp phàn nàn về quá trình vận chuyển chưa được thông suốt dù đã có Nghị quyết 128 của Chính phủ về các quy định thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. 

Tự hình thành chuỗi liên kết để giảm chi phí 

Tuy nhiên, ông Trần Minh Hải cho hay, trong khó khăn một điểm tích cực là một số doanh nghiệp đã tự hình thành chuỗi liên kết để giảm chi phí, xây dựng vùng nguyên liệu.

Đơn cử như rau gia vị, trước đây, doanh nghiệp chế biến mì gói, gia vị ở phía Nam thường phải mua hành lá ở Hải Dương, Hòa Bình. Vừa qua, một số doanh nghiệp đã nhận thấy những bất cập từ chuyện lưu thông, chi phí tăng cao nên đã xây dựng vùng nguyên liệu trồng hành theo hướng hữu cơ ở Đồng Nai, An Giang, Vĩnh Long. 

Trong khi đó, về phía cơ quan quản lý chức năng, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết do hưởng bởi dịch COVID-19 mà giá các nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới và thị trường trong nước đều có xu hướng tăng, thậm chí một số nhóm hàng tăng giá mạnh. 

Đồng thời, do các nhà máy thực hiện công tác phòng, chống dịch hoặc một số nhà máy thực hiện 3 tại chỗ khiến chi phí sản xuất tăng, chi phí vận chuyển, lưu thông cũng tăng do phát sinh các chi phí về xét nghiệm… kéo theo giá các hàng hóa có xu hướng tăng trong thời gian qua. 

Tuy nhiên, Vụ Thị trường trong nước đánh giá hiện nay, dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, tình hình sản xuất, lưu thông thuận lợi hơn là yếu tố góp phần ổn định hoặc giảm giá hàng hóa.

Để ổn định thị trường giá cả trong thời gian tới, Vụ Thị trường trong nước cho biết sẽ theo dõi, bám sát tình hình giá cả, thị trường hàng hóa tại các địa phương, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng... nhằm kịp thời ứng phó trong trường hợp thị trường có biến động.

Đồng thời, đôn đốc các địa phương sớm có phương án mở lại hoạt động của các chợ truyền thống với điều kiện bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19.

Vụ Thị trường trong nước khẳng định sẽ chủ động làm việc với Bộ NN&PTNT về tình hình cung cầu một số sản phẩm nông nghiệp thiết yếu, chú trọng đến tình hình chăn nuôi gia súc và rau, củ quả nhằm bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. 

Đồng thời, chỉ đạo các doanh nghiệp tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, thực hiện việc giảm giá bán theo mức giảm của các nhà cung cấp và theo thị trường nhằm cung ứng hàng hóa cho thị trường với giá hợp lý.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Dương Thùy

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.