|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp thực phẩm niêm yết trước áp lực giá nguyên liệu tăng sốc

20:16 | 24/05/2021
Chia sẻ
Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát và lan rộng trên toàn cầu, giá nhiều nguyên liệu đã tăng liên tiếp trong những tháng qua. Chi phí nguyên liệu đầu vào của nhiều doanh nghiệp chế biến thực phẩm theo đó cũng tăng mạnh, có thể sẽ ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp trong năm 2021.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung 4 tháng đầu năm nay, chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất đã tăng 4,64% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, chỉ số giá nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 6,77%; dùng cho sản xuất công nghiệp tăng 4,95%; dùng cho xây dựng tăng 1,95%.

Diễn biến tăng giá của nhiều loại hàng hóa đã tác động trái chiều đến các công ty niêm yết của Việt Nam. Trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, đường, phân bón… được hưởng lợi nhờ có giá bán tốt hơn, thì các doanh nghiệp thực phẩm chế biến sữa, dầu ăn… lại đang chịu tác động tiêu cực do chi phí đầu vào tăng cao. Điều này không chỉ tác động đến tỷ suất lợi nhuận mà còn ảnh hưởng đến thị giá cổ phiếu của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán.

VNM – cổ phiếu của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) có lẽ là cổ phiếu Bluechip gây thất vọng nhiều nhất trong vài tháng gần đây. Tính từ đầu năm đến nay, thị giá cổ phiếu VNM đã giảm gần 16%, trong khi VN - Index tăng hơn 17%.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, trong năm 2021, Vinamilk phải đối mặt với những khó khăn kép khi dịch COVID-19 tác động đến nhu cầu và giá nguyên liệu đầu vào tăng vọt.

Vinamilk đã có kế hoạch tăng giá bán trong tháng 5 (công ty đã tăng giá sữa bột vào cuối tháng 4) để phù đắp giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Giá bán bình quân cao hơn sẽ giảm bớt áp lực lên tỷ suất lợi nhuận gộp, song mức tăng giá bán bình quân sẽ ở mức thấp khoảng 2-3%, do nhu cầu yếu.

Trong báo cáo gần đây liên quan đến tác động giá hàng hóa tăng cao, Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital cho rằng, các công ty thực phẩm tiêu dùng chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực bởi giá hàng hóa tăng cao. Tuy nhiên, các công ty hàng đầu tại Việt Nam đã giảm thiểu áp lực ký quỹ bằng cách bảo hiểm chi phí giá đầu vào hoặc chuyển phần tăng của giá đầu vào cho khách hàng.

Chẳng hạn, tại Vinamilk, khoảng 30% giá vốn hàng bán (sữa bột và đường) phải nhập khẩu, trong khi giá nguyên liệu đã tăng 35-40% trong hơn 4 tháng đầu năm. Vinamilk đã bảo hiểm rủi ro hơn ½ lượng sữa nhập khẩu. Do vậy, chi phí đầu vào sữa và đường chỉ có khả năng tăng 16% trong năm nay. Điều này sẽ làm giảm tỷ suất lợi nhuận gộp của công ty khoảng 6% (tỷ suất lợi nhuận gộp của VNM là 47% vào năm 2019), nhưng cạnh tranh trên thị trường sữa có thể gây khó khăn cho việc chuyển những chi phí đầu vào cao hơn đó cho khách hàng.

Cổ phiếu QNS của Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi cũng hầu như đi ngang so với mức giá hồi đầu năm, hiện giao dịch ở mức 39.000 đồng/cổ phiếu. Dù mặt hàng đường mang lại triển vọng tích cực cho QNS, song mảng kinh doanh sữa đậu nành lại chịu ảnh hưởng tiêu cực do giá nguyên liệu tăng mạnh. Từ đó, sẽ ảnh hưởng đến biên lợi nhuận gộp của mảng sữa đậu nành, do chi phí nguyên liệu tăng không thể được chuyển hoàn toàn vào giá bán.

VinaCapital cho biết, tính đến giữa tháng 5, giá đậu tương đã tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng QNS đã bảo hiểm một phần giá đậu tương, còn giá đường tăng 35%. Do đó, QNS khó có khả năng chịu nhiều tác động từ tỷ suất lợi nhuận gộp, do giá nguyên liệu đầu vào tăng vọt.

Trước diễn biến của thị trường, trong năm 2021, QNS đặt kế hoạch kinh doanh khá thận trọng. Dù doanh thu dự kiến vẫn tăng 19% so với mức thực hiện năm 2020, đạt 8.000 tỷ đồng, song QNS đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế là 913 tỷ đồng, giảm 13% trong năm nay.

Trong số các doanh nghiệp chế biến thực phẩm niêm yết hàng đầu ở Việt Nam hiện nay, có lẽ cổ phiếu của Công ty cổ phần Tập đoàn KIDO (KDC) ít chịu ảnh hưởng nhất trên sàn chứng khoán.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 24/5, cùng với sự bùng nổ của thị trường, cổ phiếu KDC đã có phiên tăng trần ấn tượng, tăng 6,8% so với phiên trước đó và đạt 54.700 đồng/cổ phiếu. Trái ngược với VNM hay QNS, tính từ đầu năm đến nay, cổ phiếu KDC đã tăng gần 48%.

Dù giá dầu cọ, đậu nành, hướng dương đều tăng mạnh trong những tháng qua, song VinaCapital cho rằng, KIDO đang có thuận lợi để chuyển chi phí đầu vào cao hơn cho khách hàng, do công ty thống trị thị trường ngách về dầu thực vật.

Khoảng 60% giá vốn hàng bán của KIDO là dầu đậu nành và dầu cọ đã lần lượt tăng 67% và 76% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này sẽ làm giảm tỷ suất lợi nhuận gộp của KIDO khoảng 12 điểm phần trăm trong năm nay (tỷ suất lợi nhuận gộp của KIDO là 22% trong 2019). KIDO có thể sẽ tăng giá bán khoảng 12% để bù đắp giá đầu vào tăng cao.

Mặt khác, theo Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect, mảng dầu của KIDO đã có nhiều kinh nghiệm trong việc quản lý giá nguyên vật liệu, có bộ phận thương thảo hợp đồng tốt và lợi thế về quy mô lớn (chiếm 30% thị phần ngành dầu) sẽ làm giảm tác động của giá dầu ăn nguyên liệu tăng lên tình hình kinh doanh của tập đoàn. Tính đến cuối quý I/2021, hàng tồn kho của KDC tăng 10% lên mức 1.334 tỷ đồng.

H.Chung