|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp thực phẩm kiến nghị được vay ưu đãi để chuẩn bị hàng Tết

22:22 | 19/10/2021
Chia sẻ
Các doanh nghiệp lương thực thực phẩm TP HCM đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét bổ sung vào đối tượng được hỗ trợ các chính sách về vốn vay mới với mức giảm lãi suất thấp; đồng thời đẩy nhanh quá trình và thời gian giải ngân các khoản vay... Bởi các doanh nghiệp đang rất cần nguồn vốn ưu đãi để thu mua, dự trữ nguyên phụ liệu, thành phẩm chuẩn bị cho mùa sản xuất dịp Noel, Tết Nguyên đán.

Đây là một trong những nhóm kiến nghị của cử tri doanh nghiệp TP HCM liên quan đến hoạt động ngân hàng gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM trước Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV sắp diễn ra.

Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM, nguồn tiền của các doanh nghiệp trong ngành hiện nay đã cạn. Phần lớn nguồn vốn dự trữ của các doanh nghiệp đã phải trưng dụng cho các chi phí phát sinh trong thời gian giãn cách xã hội, các doanh nghiệp đã gồng gánh để có thể duy trì một phần sản xuất trong điều kiện khó khăn.

Trong khi đó, hiện các doanh nghiệp đang rất cần nguồn tài chính mới để bổ sung vào kế hoạch thu mua, dự trữ nguyên phụ liệu, thành phẩm chuẩn bị cho mùa sản xuất phục vụ thị trường Noel, Tết, góp phần bình ổn thị trường, an sinh xã hội. Vì vậy, nguồn hỗ trợ cho vay mới lúc này rất cấp bách và cần thiết với doanh nghiệp lương thực thực phẩm.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có chủ trương cho phép áp dụng việc điều chỉnh nâng hạn mức định giá những tài sản thế chấp đang hiện hữu đối với những doanh nghiệp đang làm ăn có uy tín, có khả năng thu hồi vốn trong tương lai. 

Cụ thể, điều chỉnh tăng giá trị vốn vay lưu động từ 70% như hiện nay lên 85% nhằm giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực phải tìm thêm tài sản thế chấp.

Đồng thời, đề nghị ngân hàng cơ cấu lại nguồn vốn vay giữa trung, dài hạn và ngắn hạn đối với doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lương thực thực phẩm trong giai đoạn này; trong đó ưu tiên được tiếp cận vốn vay dài hạn nhiều hơn vốn ngắn hạn như tỷ lệ hiện nay.

Doanh nghiệp thực phẩm kiến nghị được vay ưu đãi để chuẩn bị hàng Tết - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: foodtechmaster.vn).

Ngoài nhóm kiến nghị trên, các doanh nghiệp trên địa bàn TP HCM cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ giám sát ngân hàng thương mại thực hiện Thông tư 14/2021/TT-NHNN ngày 7/9/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Một số cử tri cũng đề nghị các ngân hàng thương mại không đặt nặng vấn đề lợi nhuận mà chia sẻ cùng doanh nghiệp và người dân trong giai đoạn khó khăn hiện nay. 

Thay vào đó, tiếp tục chia sẻ hơn nữa những khó khăn của nền kinh tế, chủ động giảm lãi suất đến mức có ý nghĩa, tái cơ cấu các khoán vay… Việc giảm lãi suất, tái cơ cấu khoản vay thực chất rất quan trọng trong việc tạo thanh khoản cho doanh nghiệp.

Liên quan đến các nhóm kiến nghị này, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho biết: Hiện ngành ngân hàng thành phố đang tiếp tục tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo quy định tại Thông tư 01 và các Thông tư sửa đổi Thông tư 01 như Thông tư 03/2021/TT-NHNN và Thông tư 14/2021/TT-NHNN.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, trong quá trình này, ngành ngân hàng thành phố vừa phải triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh theo đúng chủ trương, chính sách; vừa phải đảm bảo tuân thủ đúng các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng, thanh toán… trong hoạt động ngân hàng, hạn chế tối đa các vấn đề rủi ro có thể phát sinh trong quá trình áp dụng.

Do đó, các tổ chức tín dụng cần phải xem xét, thẩm định đúng quy trình, quy định đối với các nhu cầu, đề xuất hỗ trợ của khách hàng, doanh nghiệp, đảm bảo chính sách được triển khai đến đúng đối tượng, đạt hiệu quả; đồng thời phải đảm bảo các quy định pháp luật hiện hành. Tính đến cuối tháng 8, tổng giá trị dư nợ được hỗ trợ theo các Thông tư nêu trên đã lên tới trên 1,6 triệu tỷ đồng.

Bên cạnh đó, ngành ngân hàng thành phố cũng phối hợp với các Sở ngành, hiệp hội doanh nghiệp để trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tính đến ngày 18/10, đơn vị này đã tiếp nhận 817 trường hợp được gửi về và đã có kết quả xử lý 817 trường hợp. Đồng thời, đã xử lý được 298 phản ánh kiến nghị của doanh nghiệp, người dân liên quan đến cơ chế chính sách tín dụng qua kênh đường dây nóng và thư điện tử…

Riêng đối với các kiến nghị của các doanh nghiệp lương thực, thực phẩm về bổ sung các doanh nghiệp thuộc ngành nghề lương thực, thực phẩm vào đối tượng được hỗ trợ, đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho biết: Cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đã được quy định tại Thông tư 14 (trước đó là Thông tư 01 và Thông tư 03) không phân biệt ngành, lĩnh vực được hỗ trợ. 

Tất cả doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh và khách hàng cá nhân chịu ảnh hưởng bởi dịch đáp ứng đầy đủ điều kiện theo quy định, đúng đối tượng sẽ được tổ chức tín dụng xem xét, hỗ trợ.

"Các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực lương thực, thực phẩm là đối tượng được hỗ trợ theo nhiều chính sách, chương trình tín dụng khác của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và UBND TP HCM như cho vay ưu đãi đối với 5 nhóm ngành, lĩnh vực; cho vay hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn; cho vay kích cầu…", ông Nguyễn Hoàng Minh lý giải thêm.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cũng đã có buổi làm việc trực tiếp với Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM để nắm bắt, giải đáp và gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

H. Chung