|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Doanh nghiệp Mỹ nâng giá bán nhưng không dễ tăng lợi nhuận

17:17 | 11/10/2022
Chia sẻ
Để đối phó với gánh nặng chi phí, nhiều công ty lớn của Mỹ đã chọn cách tăng giá. Nhưng tác dụng của cách làm này với mỗi doanh nghiệp lại khác nhau. Có doanh nghiệp ghi nhận biên lợi nhuận gia tăng, nhưng cũng có doanh nghiệp chứng kiến biên lợi nhuận giảm sút.

Trụ sở của nhà sản xuất đồ nội thất MillerKnoll. (Ảnh: Neil Landino/Hospitality Design). 

Khách hàng dễ tính

Theo tờ Wall Street Journal, nhiều doanh nghiệp lớn của Mỹ cho biết họ đã tăng giá bán sản phẩm mà hầu như không vấp phải sự phản đối của khách hàng. Nhưng những thay đổi này chưa chắc đã giúp doanh nghiệp nâng cao lợi nhuận.

Công ty bán và cho thuê đồng phục Cintas và công ty bán vật liệu xây dựng Vulcan Materials báo cáo biên lợi nhuận được cải thiện sau khi tăng giá. Những công ty khác thì nói rằng lạm phát tiếp tục ăn mòn lợi nhuận bởi chi phí tăng nhanh hơn giá bán. Những trường hợp có thể kể đến bao gồm nhà sản xuất đồ nội thất MillerKnoll và Darden Restaurants - chủ chuỗi nhà hàng Olive Garden.

Lạm phát cao dai dẳng đang buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất để khống chế áp lực giá. Trong tháng 8, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước, chỉ số giá sản xuất cũng bật lên 8,7%. 

Hồi tháng 9, ông John Michael, Giám đốc của MillerKnoll nói với các nhà đầu tư: “Đây là thời điểm thuận lợi nhất để trao đổi với khách hàng về việc điều chỉnh giá, vì họ hiểu rằng lạm phát đang gia tăng trong mọi lĩnh vực”.

Thông thường, khi doanh nghiệp tăng giá bán, khách hàng sẽ dần quen với mức giá mới. Mức giá này hiếm khi giảm xuống nhanh chóng. Nếu chi phí sản xuất hạ bớt, doanh nghiệp có thể giảm giá chút ít và bỏ túi phần còn lại – người tiêu dùng “dễ thở” hơn còn biên lợi nhuận của doanh nghiệp vẫn được nới rộng ra.

Trong các quý gần đây, biên lợi nhuận của doanh nghiệp Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong lịch sử, được trợ giúp bởi nhu cầu mạnh mẽ dành cho loạt hàng hóa và dịch vụ.

Nhưng khi mùa báo cáo kết quả quý III đến gần, một số dấu hiệu cho thấy lợi nhuận doanh nghiệp có thể đang gặp áp lực. Refinitiv dự đoán rằng ngoại trừ ngành năng lượng, lợi nhuận quý III của doanh nghiệp Mỹ sẽ giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Ông Michael Feroli, nhà kinh tế trưởng của JPMorgan tại thị trường Mỹ, nhận định: “Biên lợi nhuận của doanh nghiệp có thể đã gặp khó khăn trong quý vừa rồi. Tôi không lo biên lợi nhuận bị siết chặt, nhưng tôi đoán khoản mục này khó có thể được mở rộng hơn nữa”.

Tốt xấu lẫn lộn

Việc tăng giá bán đã không giúp hãng nội thất MillerKnoll cải thiện biên lợi nhuận. Công ty cho biết biên lợi nhuận gộp quý III đã giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Giá cao hơn giúp biên lợi nhuận tăng 3,3 điểm %, nhưng chi phí hàng hóa leo thang lại lấy mất 2,4 điểm %, phí vận chuyển tước đi 0,9 điểm %, lạm phát chi phí lao động và chi phí chung làm giảm thêm 0,7 điểm % nữa.

Kể từ tháng 10, MillerKnoll sẽ tăng giá bán niêm yết trung bình 8%. Công ty cũng đang tìm cách cắt giảm chi phí từ 35 xuống 30 triệu USD mỗi năm. Các biện pháp được đưa ra bao gồm cung cấp cho nhân viên lựa chọn nghỉ hưu sớm, giảm chi phí hoạt động và chi phí tài sản cố định.

Nhưng tại những doanh nghiệp khác, biên lợi nhuận lại được nới rộng khi giá tăng. Cuối tháng trước, công ty bán sỏi, đá dăm và cát Vulcan Materials nói với nhà đầu tư rằng họ đã phản ứng nhanh chóng với chi phí leo thang từ đầu năm, một phần bằng cách tăng giá.

CEO Tom Hill chia sẻ với các cổ đông: “Chúng tôi bị ảnh hưởng nặng nề bởi lạm phát trong quý I. Sau đó chúng tôi nhanh chóng hành động và phản ứng bằng giá bán”.

Đến tháng 5, công ty đã mở rộng được biên lợi nhuận nhờ điều chỉnh giá bán và tối ưu hóa quá trình vận hành. Ông Hill lạc quan: “Chúng tôi gia tăng biên lợi nhuận hơn nữa trong tháng 6, và sẽ tiếp tục làm vậy trong quý III và quý IV”.

Một số công ty khác đang gặp áp lực với biên lợi nhuận, nhưng kỳ vọng tình hình sẽ được cải thiện trong tương lai. Darden, công ty điều hành nhiều chuỗi nhà hàng, cho biết biên lợi nhuận quý vừa rồi bị sụt giảm so với năm ngoái. Nhưng Darden tin biên lợi nhuận vẫn sẽ cao hơn mức trong đại dịch. Việc tăng giá cả theo chiến lược đã đem lại lợi ích.

CEO Rick Cardena nói với các nhà phân tích: “Chúng tôi đã tăng giá tại một số thương hiệu ăn uống cao cấp, và không vấp phải sự phản kháng nào từ khách hàng. Chúng tôi có thể sẽ tiếp tục tăng giá”.  

Darden đảm bảo rằng tốc độ tăng giá của công ty thấp hơn lạm phát trong ngành. Trong hai năm qua, giá bán của công ty này tăng khoảng 7,5%, trong khi đó thước đo của chính phủ liên bang về lạm phát tại các quán ăn phục vụ tại bàn đã đi lên 14%. Ban lãnh đạo Darden nói rằng nhờ chiến lược này mà nhu cầu của khách hàng hầu như không bị giảm sút.

Giang