Doanh nghiệp muốn xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc nhưng 'bó tay' vì chỉ có 9 loại trái cây được cấp phép
Mới đây, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương thông tin về nguyên nhân gây ra sự cố tắc nghẽn cửa khẩu. Cụ thể là tốc độ đa dạng hóa thị trường rau quả còn chậm, nhiều mặt hàng chưa đáp ứng được các yêu cầu chất lượng của các thị trường, theo báo Dân Trí.
Bên cạnh đó, dù Bộ Công Thương nhiều lần cảnh báo nhưng nông dân, doanh nghiệp vẫn phụ thuộc vào hình thức trao đổi cư dân (tiểu ngạch), tiềm ẩn nguy cơ gây ách tắc kéo dài.
“Chúng ta nói phải đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch thì sẽ giảm ùn tắc nhưng hiện nay mới chỉ có 9 loại hoa quả của Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, nên nhiều doanh nghiệp dù muốn cũng đành chịu.
Ngay như thịt heo, dù đã xuất được vào một số thị trường trong khu vực, có cả Hồng Kông nhưng vẫn chưa được xuất chính ngạch vào Trung Quốc”, Bizlive dẫn lời Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải.
Ngoài ra, ông Hải cũng cho rằng việc sản xuất ra thừa sau đó trông chờ vào sự hỗ trợ, tiêu thụ thị trường nội địa, hay còn gọi là "giải cứu" cho thấy sự đầu tư của người trồng vẫn chưa theo kịp, chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của các nước.
Do đó, chỉ khi nào các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn tham gia hình thành các chuỗi thì sẽ lo được khoản đầu tư, tìm cách phối hợp với người nông dân tạo ra sản phẩm có đầu ra đạt được tiêu chuẩn ở các thị trường xuất khẩu hướng tới.
"Lúc đó mới tiêu thụ bền vững, còn không vẫn sẽ tiếp tục đã và đang như những gì chúng ta chứng kiến thời gian qua", ông Hải cảnh báo.
Còn về phía bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho rằng việc Trung Quốc tạm dừng thông quan ở hầu hết cửa khẩu, kiểm soát giao nhận hàng hóa chặt chẽ là nguyên nhân chính gây ùn ứ cửa khẩu.
Thực tế giai đoạn 2020 - 2021, tình hình dịch bệnh khó khăn nhưng việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc vẫn đạt tăng trưởng tích cực. Nhưng từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát phía Bắc, Trung Quốc có quan ngại và kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ hơn.
Ngoài ra, bà Trang cũng chỉ ra những điểm yếu cố hữu như sản xuất chưa bám sát tín hiệu, nhu cầu thị trường nhập khẩu; chất lượng và bao gói chưa được quan tâm đúng mức đáp ứng yêu cầu; việc truy xuất nguồn gốc đáp ứng nhu cầu vẫn còn hạn chế, nên khó xuất khẩu chính ngạch và chủ yếu sử dụng hình thức trao đổi cư dân biên giới.
Đến nay, tình hình nhiều cửa khẩu được thông quan trở lại, chính quyền Quảng Tây cho phép mở cửa khẩu Đông Hưng; mặt hàng thanh long bắt đầu được thông quan qua Lào Cai…
Bà Trang cho rằng cần nâng tầm chất lượng sản phẩm trái cây, nông sản, đa dạng hóa thị trường để khai thác tối đa các FTA đã ký kết.
Đồng thời, các địa phương cần xây dựng kế hoạch kết nối cung cầu, giao thương giữa các bên như ở phía Bắc để tránh ùn tắc; Bộ NN&PTNT tiếp tục đàm phán về chất lượng và kiểm dịch để có nhiều loại quả hơn xuất sang Trung Quốc.
Với hoạt động logistics cảng biển, khi xuất khẩu đường bộ khó khăn càng đặt ra vai trò quan trọng để thúc đẩy xuất khẩu đường sắt và đường thủy, tháo gỡ ùn tắc ở các cảng...