|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Doanh nghiệp hủy thầu gạo dự trữ quốc gia, có đúng qui luật thị trường?

14:47 | 17/04/2020
Chia sẻ
Căn cứ vào qui định của Luật Đấu thầu, trường hợp nhà thầu từ chối thương thảo hoặc từ chối hoàn thiện, kí kết hợp đồng thì nhà thầu sẽ không được nhận số tiền bảo đảm dự thầu là 1,5 - 3% giá trị gói thầu.

 Doanh nghiệp hủy thầu gạo dự trữ để bảo toàn lợi nhuận - Ảnh 1.

Tổng cục Dự trữ Nhà nước mới mua vào được 7.700 tấn gạo dự trữ, trong tổng số 190.000 tấn gạo dự trữ quốc gia năm 2020. Ảnh minh họa.

Trong khi nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo không mở được tờ khai xuất khẩu theo hạn ngạch 400.000 tấn trong tháng 4 phải gửi văn bản đề nghị tới nhiều Bộ, ngành còn chưa được giải quyết thì Tổng cục Hải quan và Tổng cục Dự trữ Nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết, nhiều doanh nghiệp mở được tờ khai xuất khẩu lại từ chối kí hợp đồng và bảo đảm thực hiện hợp đồng đã trúng trong đấu thầu gạo dự trữ quốc gia.

Theo các doanh nghiệp, việc hoãn thực hiện cung cấp gạo dự trữ quốc gia được cho là bởi giá gạo châu Á xuất khẩu đang ở mức cao nhất 7 năm do tác động bởi dịch COVID-19 và thiên tai diễn biến phức tạp. 

Cụ thể vào đầu năm 2019, giá thị trường chỉ khoảng 7.500 - 8.000 đồng/kg, sang năm 2020, các doanh nghiệp đã đấu thầu trúng hợp đồng cung cấp gạo dự trữ quốc gia với mức chào giá 8.850 đồng/kg. 

Tuy nhiên, đó là mức giá vào thời điểm tháng 2/2020, trước khi dịch COVID-19 lan rộng. Sau thời điểm này, giá thị trường gạo tẻ thường tăng mạnh, đến nay lên khoảng 10.500 đồng/kg. 

Do đó, nếu thực hiện hợp đồng sẽ lỗ 2.000 đồng/kg, một gói thầu 1.000 tấn sẽ lỗ 2 tỉ đồng nên doanh nghiệp chấp nhận bỏ cọc vài trăm triệu đồng (từ 1%-3% tiền bảo lãnh dự thầu tùy theo qui mô gói thầu) để không phải chịu lỗ.

Ngoài ra, một nguyên nhân khác là hiện nay, chưa có chế tài bắt buộc doanh nghiệp phải có trách nhiệm với an ninh lương thực quốc gia nên nhiều doanh nghiệp chọn cách "xù" hợp đồng để giảm thiệt hại cho mình.

So với cùng kì năm ngoái, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng khoảng 40 USD/tấn, tương đương trên 10%.

Doanh nghiệp hủy thầu gạo dự trữ quốc gia, có đúng qui luật thị trường? - Ảnh 2.

Thu mua gạo dự trữ theo giá thị trường để đảm bảo số lượng? 

Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại ĐBSCL nêu ý kiến: "Trong trường hợp này, để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và tạo điều kiện cho doanh nghiệp trúng thầu thực hiện hợp đồng, Tổng cục Dự trữ Nhà nước nên thu mua gạo dự trữ theo giá thị trường, còn nếu giữ nguyên mức giá cũ thì hầu hết doanh nghiệp phải “bỏ cọc” chứ không thể thu mua đủ lượng gạo để đưa vào kho dự trữ”.

Thực tế trên thương trường, có những doanh nghiệp kí hợp đồng xong rồi còn bỏ ngang, không thực hiện hợp đồng, huống chi ở đây doanh nghiệp mới trúng thầu, vị này nói thêm.

Trong khi đó, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) cho rằng mua gạo dự trữ quốc gia là việc làm thường xuyên hàng năm của Bộ Tài chính theo thể lệ, qui định đã thực hiện nhiều năm theo luật đấu thầu mà Bộ Tài chính ban hành.

Doanh nghiệp hủy thầu gạo dự trữ quốc gia, có đúng qui luật thị trường? - Ảnh 3.

Ông Phạm Thái Bình, tổng giám đốc Công ty Trung An. Ảnh: Bnews/TTXVN

"Nếu ai trúng thầu mà không kí hợp đồng thì mất tiền kí quĩ, Bộ Tài chính mở thầu mới. Đó là luật mà các bên đã làm theo luật là không sai", ông Bình đánh giá.

Đồng thời ông cho biết tại cuộc họp liên Bộ, lãnh đạo 13 tỉnh thành vùng ĐBSCL cùng 20 doanh nghiệp xuất khẩu gạo ngày 26/3 vừa qua, nhiều người có ý kiến rằng nếu Bộ Tài chính mở thầu mới mua gạo khoảng 10.000 đồng/kg là có ngay 300.000 tấn. 

"Gạo dự trữ quốc gia mua 10.000 đồng/kg là rẻ nhất so với gạo nội địa mà người tiêu dùng cả nước đang phải mua từ nhiều năm nay. Thấp nhất ở thị trường người tiêu dùng phải mua cũng 11.000 đồng/kg kể từ trước dịch COVID-19", ông Bình chia sẻ

Theo ông Bình, việc Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng ngưng xuất khẩu gạo để kéo giá xuống thấp và mua đủ 190.000 tấn chỉ với giá 9.200 đồng/kg là không hợp lí. Nếu phải ngưng xuất khẩu gạo, người nông dân và các doanh nghiệp sẽ thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng, trong khi chỉ cần bỏ ra thêm khoảng 120 tỉ đồng để mua được 190.000 tấn dự trữ mà doanh nghiệp trúng thầu không giao.

Thực tế, doanh nghiệp thường mua lại gạo từ thương lái, hiện giá gạo đang lên cao, giá bán lại cho Nhà nước thì thấp có thể khiến doanh nghiệp bị lỗ. Vì thế, các doanh nghiệp này sẵn sàng chấp nhận mất tiền đặt cọc, để dành gạo cho xuất khẩu.

Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp, cho rằng nếu đã kí hợp đồng cung cấp gạo dự trữ, doanh nghiệp buộc phải thực hiện, không thể bỏ ngang để chạy theo xuất khẩu, tuy nhiên vẫn có thể giãn thời gian thu mua cho phù hợp.

"Thật ra, đây là hiện tượng "găm hàng" do các doanh nghiệp thu mua gạo của Việt Nam phụ thuộc lớn vào thương lái thu mua thóc của dân.

Để giải quyết việc này, cần công khai mức giá và đấu giá mua gạo để thương lái yên tâm bán gạo cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp kí thẳng với đơn vị này thì giá bao nhiêu cũng phải bán theo giá đã kí lúc trước. Nếu các nhà thầu phá vỡ hợp đồng thì cần theo luật để xử lí nghiêm", GS.TS Võ Tòng Xuân nói.

Đồng quan điểm, chuyên gia Hoàng Trọng Thủy chia sẻ trên báo Người Lao động rằng việc doanh nghiệp đã trúng thầu cấp gạo dự trữ quốc gia mà không kí hợp đồng nhưng lại đăng kí xuất khẩu hàng ngàn tấn gạo cho thấy doanh nghiệp đã xem lợi nhuận là trên hết, không phải lấy việc định vị văn hóa, trách nhiệm phục vụ cộng đồng, xã hội làm tiêu chuẩn.

Theo chuyên gia, cần có công khai danh sách các doanh nghiệp này và sàng lọc nhằm xem xét xuất khẩu gạo. Đối với những doanh nghiệp đã "xù" hợp đồng cấp gạo dự trữ, ông Thủy kiến nghị cần cấm xuất gạo, coi đây là một biện pháp trừng phạt.

Việc trúng thầu sau đó hủy thầu, chịu mất tiền cọc là chuyện vẫn đang diễn ra ở nhiều ngành khác nhau nhưng riêng về xuất khẩu gạo thì hiếm gặp hơn. Về cơ bản, doanh nghiệp làm ăn vẫn phải có lợi nhuận và họ luôn đi theo qui luật của thị trường.

Căn cứ vào qui định của Luật Đấu thầu, trường hợp nhà thầu từ chối thương thảo hoặc từ chối hoàn thiện, kí kết hợp đồng thì nhà thầu sẽ không được nhận số tiền bảo đảm dự thầu là 1,5 - 3% giá trị gói thầu căn cứ qui mô và tính chất của từng gói thầu cụ thể. Số tiền này sẽ bị thu nộp vào ngân sách nhà nước.

Doanh nghiệp hủy thầu gạo dự trữ quốc gia, có đúng qui luật thị trường? - Ảnh 4.

Luật sư Trương Thanh Đức. (Nguồn: Báo Giao thông).

Trao đổi với người viết, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng Thành viên BASICO, cho biết trường hợp này doanh nghiệp hoàn toàn có quyền không thực hiện hợp đồng và điều đó không hề trái đạo đức hay qui định hiện hành trừ khi doanh nghiệp vừa không thực hiện hợp đồng vừa không chịu mất tiền bảo lãnh.

"Luật đấu thầu đã qui định rõ, không tham gia đấu thầu, tham gia rồi mà không kí hợp đồng hoặc kí hợp đồng nhưng không thực hiện thì sẽ mất tiền bảo đảm dự thầu", Luật sư nói.

Ông Đức phân tích, trường hợp của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo là bài toán kinh tế, khi giá gạo bất ngờ tăng bất thường, nếu doanh nghiệp cung cấp cho dự trữ quốc gia thiệt hại của doanh nghiệp sẽ rất lớn, thậm chí phá sản. Do đó, không thể tránh khỏi trường hợp doanh nghiệp chấp nhận mất cọc vài trăm triệu đồng để hủy hợp đồng.

Số liệu từ Tổng cục Dự trữ quốc gia (Bộ Tài chính) cho biết chỉ trong 4 ngày qua (từ 11-15/4), cục dự trữ tại 22 khu vực đã ra thông báo hủy kết quả trúng thầu các gói thầu cung cấp gạo nhập kho dự trữ quốc gia.

Trước đó, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã mở đợt thầu mua 190.000 tấn gạo dự trữ quốc gia năm 2020. Đợt mở thầu từ ngày 12/3, có 28 doanh nghiệp đã trúng thầu với 178.000 tấn gạo. Tuy nhiên, đến nay cơ quan dự trữ mới mua được 7.700 tấn gạo dự trữ.

Nhiều doanh nghiệp đã được Tổng cục Dự trữ Nhà nước phê duyệt và thông báo kết quả trúng thầu nhưng lại gửi văn bản từ chối kí hợp đồng với nguyên nhân giá gạo tại thời điểm đấu thầu hồi tháng 3 thấp hơn so với giá thị trường hiện nay.

"Hiện tượng doanh nghiệp từ chối tham gia vào hợp đồng cung cấp dự trữ gạo quốc gia, nhưng lại có tên trong danh sách mở tờ khai xuất khẩu gạo làm ảnh hưởng đến việc cung ứng và an ninh lương thực quốc gia trong bối cảnh xâm nhập mặn cũng như hạn hán thời gian qua," ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lí về hải quan (Tổng cục Hải quan) chia sẻ với báo chí.

Theo đó, trong tháng 5/2020, Tổng cục Dự trữ Nhà nước sẽ hoàn thiện các thủ tục lựa chọn nhà thầu và kí kết hợp đồng với các nhà thầu trúng thầu cung cấp gạo nhập kho dự trữ quốc gia; dự kiến đến 30/6 sẽ hoàn thành chỉ tiêu dự trữ gạo được giao.


Như Huỳnh

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.