|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chính phủ vào cuộc, các Bộ ráo riết chuẩn bị báo cáo vụ doanh nghiệp 'tố' lỗ hổng đăng kí xuất khẩu gạo

12:25 | 16/04/2020
Chia sẻ
Sau khi nhiều doanh nghiệp và Hiệp hội lương thực Việt Nam cùng "kêu cứu" vì cho rằng hoạt động đăng kí tờ khai hải quan thiếu minh bạch, Chính phủ đã chính thức yêu cầu các Bộ ngành liên quan báo cáo cụ thể sự việc.

Ra hàng loạt văn bản yêu cầu báo cáo trong cùng một ngày

Sau những phản ánh liên tiếp của doanh nghiệp và Hiệp hội về vấn đề đăng kí xuất khẩu gạo theo hạn ngạch trong tháng 4, ngày 15/4, Văn phòng Chính phủ liên tiếp ra các văn bản yêu cầu các Bộ báo cáo rõ sự việc.

Theo đó, một trong những vấn đề được các doanh nghiệp và Hiệp hội nhấn mạnh là vấn đề minh bạch thông tin trong quá trình đăng kí, tại sao lại mở tờ khai vào 0h ngày Chủ nhật, hệ thống giao dịch lỗi,... Đã có những kiến nghị đề xuất huỷ bỏ kết quả đăng kí, thực hiện lại và đồng thời gợi ý về nguyên tắc đảm bảo công bằng hơn, ưu tiên hàng tồn tại kho cảng.

Do đó, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo về trách nhiệm quản lí, kiểm soát số lượng gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4/2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, phải nêu cụ thể về cách làm, danh sách các doanh nghiệp, thời gian mở tờ khai hải quan và số lượng gạo xuất khẩu của từng doanh nghiệp đã đăng kí thành công trên hệ thống, công tác phối hợp với Bộ Công thương về việc này.

Bộ Tài chính cũng được yêu cầu báo cáo việc mua gạo dự trữ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với đó, Bộ Công thương cũng được yêu cầu báo cáo về việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xuất khẩu gạo và công tác phối hợp với Bộ Tài Chính đề thực hiện chỉ đạo này. Trước đó trong cùng ngày, Văn phòng Chính phủ đã phát công văn yêu cầu Bộ Công thương chuẩn bị báo cáo về xuất khẩu gạo liên quan đến hai địa phương là Long An và An Giang.

Để chuẩn bị báo cáo, Bộ Công thương lại có công văn hoả tốc gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị cho biết về nội dung: gạo nếp có tính trong lượng gạo dự trữ phục vụ an ninh lương thực quốc gia không; ảnh hưởng của gạo nếp được trồng từ tỉnh Long An và tỉnh An Giang với an ninh lương thực; diện tích gieo trồng, sản lượng dự kiến (qui ra gạo) của gạo nếp tại hai tỉnh và đề xuất, kiến nghị đối với việc xuất khẩu gạo nếp trong thời gian tới.

Về việc thực hiện hạn ngạch xuất khẩu gạo trong tháng 4, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Bộ Tài chính yêu cầu làm rõ, công bố công khai danh sách các thương nhân đã đăng kí tờ khai hải quan xuất khẩu theo hạn ngạch 400.000 tấn trong tháng 4, theo thông tin từ báo Pháp luật TP HCM.

Bộ Công Thương cho biết trong những ngày qua đã nhận được nhiều văn bản của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phản ánh việc đăng kí tờ khai hải quan đã xuất hiện một số bất cập. Cac doanh nghiệp không được thông báo về thời gian bắt đầu tiếp nhận tờ khai xuất khẩu nên không đăng kí được kịp thời, hoặc không tiếp cận được hệ thống (báo lỗi), cá biệt có trường hợp đã đăng kí được nhưng sau đó lại bị mất tờ khai trên hệ thống...

Việc công bố thông tin chi tiết cụ thể gồm có tên, số lượng, thị trường xuất khẩu, cảng, cửa khẩu xuất khẩu... của các đơn vị đăng kí thành công sẽ giúp cho các doanh nghiệp nắm rõ hơn về qui trình.

Đồng thời, để có cơ sở tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án điều hành xuất khẩu gạo trong tháng 5 đúng thời hạn, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính cung cấp số liệu xuất khẩu gạo, gửi về Bộ Công Thương trước 17h hàng ngày, từ nay đến hết ngày 25/4.

VFA: Những tờ khai bị tự động lùi thời gian  

Ngày 15/4, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã có Báo cáo nhanh gửi tới Văn phòng Chính phủ và các bộ ngành về tình hình khai báo hải quan, trong đó đề cập đến việc một số thương nhân đã gặp phải tình huống các tờ khai đăng kí hải quan kể từ thời điểm 0h ngày 11/4, đã có số tờ khai và đã phân vào luồng đỏ.

Tuy nhiên, đến ngày 13/4, sau khi tải kiểm tra trên hệ thống hải quan cập nhật, lại thấy ngày đăng ký của các tờ khai này "tự động" bị lùi về thời điểm 10/4/2020.

VFA đã ghi nhận ít nhất 3 thương nhân như vậy và các thương nhân hiện vẫn chưa tìm được câu trả lời cho tình huống này.

Thậm chí, có cả trường hợp các tờ khai hải quan đã có số tờ khai nhưng chưa phân luồng, đã được ghi nhận trước đó, đến thời điểm sáng ngày 14/4 lại bị mạng hải quan xóa bỏ khi chưa đủ 15 ngày theo qui định.

Theo số liệu của VFA, tính đến ngày 15/4, đã có 41 thương nhân gửi văn bản về văn phòng hiệp hội cập nhật số lượng gạo đang chờ xuất tại cảng và đóng tại kho.

Cụ thể, số lượng gạo các loại đã nhận được số tờ khai, được phân luồng đỏ, đang chờ thông quan (mở tờ khai trong ngày 12/4) là 58.209 tấn; số lượng gạo các loại đã nhận được số tờ khai, được phân luồng đỏ nhưng không được ghi nhận (mở tờ khai trong ngày 11/4 và 13/4) là 14.268 tấn.

Số lượng gạo các loại đã nhận được số tờ khai tuy nhiên chưa được phân luồng là 18.193 tấn; số lượng gạo các loại chưa mở được tờ khai, đang chờ xuất tại cảng và hàng đóng tại kho là 55.782 tấn.

Mỗi ngày thương nhân đang phải chịu chi phí lưu bãi, lưu container, chi phí vận chuyển container từ kho lên cảng,...lãi suất ngân hàng, bị phạt bồi thường hợp đồng, chi phí nhân công tại các cảng ngày càng đắt đỏ do tình hình dịch COVID-19. Tổng chi phí này là không nhỏ cùng với việc xuất khẩu bị đình trệ nhưng chi phí sản xuất, quản lis, tiền lương vẫn phát sinh.

Do đó, nếu các lô hàng không được thông quan và xuất khẩu, các thương nhân sẽ bị thiệt hại nặng nề lên đến hàng tỉ đồng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuát kinh doanh, sự sống còn của các thương nhân thậm chí là ảnh hưởng đến vẫn đề an sinh xã hội, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch VFA cho hay.

Như Huỳnh

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.