|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Doanh nghiệp hủy niêm yết: Mỗi người một lý do

06:02 | 14/09/2018
Chia sẻ
8 tháng đầu năm 2018, có tới 18 doanh nghiệp hủy niêm yết trên cả hai sàn HNX, HOSE, trong đó có 4 doanh nghiệp xin hủy niêm yết tự nguyện.

Điều gì đã khiến doanh nghiệp lại muốn “ẩn mình” ở UPCoM?

Có doanh nghiệp tự nguyện hủy niêm yết để giao dịch ở UPCoM có thể xuất phát từ nhiều lý do, trong đó có lý do: thị trường chứng khoán niêm yết đã không còn mang lại lợi ích như kỳ vọng.

Khi niêm yết lên sàn, doanh nghiệp mong muốn tiếp cận thêm một kênh huy động vốn, khuếch trương tên tuổi, tạo thanh khoản cho cổ phiếu và qua đó gia tăng giá trị của doanh nghiệp.

Tuy nhiên khi lên sàn rồi, nhiều doanh nghiệp đã phải "vỡ mộng" khi luôn phải chịu áp lực giám sát của các cơ quan nhà nước, áp lực phải nâng cao hiệu quả kinh doanh để duy trì giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Đồng thời, việc giao dịch chứng khoán sẽ khiến cơ cấu cổ đông thay đổi, dẫn đến sự biến đổi trong quản lý doanh nghiệp và ảnh hưởng đến quyền kiểm soát của các cổ đông lớn.

Với mong muốn có được thanh khoản tốt, nâng cao uy tín công ty trên thương trường khi lên sàn HOSE, cổ đông CTCP Đầu tư và Dịch vụ Khánh Hội (Mã: KHA) đã thất vọng khi chứng kiến thanh khoản cổ phiếu khá thấp. Trung bình mỗi phiên giao dịch chỉ đạt 6.000 cp, thậm chí một số phiên hầu như không giao dịch.

Một số cổ đông KHA cho biết, công ty chưa sử dụng hiệu quả kênh niêm yết trên HOSE để huy động vốn theo mục đích ban đầu đề ra. Trong khi đó việc duy trì niêm yết tốn chi phí lớn đồng thời quy định công bố thông tin khắt khe, rườm rà.

Được sự đồng ý của 73% số cổ phần có quyền biểu quyết tại đại hội cổ đông thường niên 2018, hơn 14 triệu cổ phiếu KHA chính thức hủy niêm yết trên HOSE từ ngày 3/5 vừa qua.

Gần đây nhất, cổ phiếu AAM của CTCP Thủy sản Mekong đã bị Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM đưa vào diện cảnh báo và khả năng bị hủy niêm yết kể từ ngày 31/8. Nguyên nhân là do vốn điều lệ đã góp của công ty giảm xuống dưới 120 tỷ đồng tính theo giá trị ghi trên báo cáo tài chính kiểm toán 6 tháng năm 2018.

Thực chất của việc giảm vốn điều lệ là cổ đông Thủy sản Mekong thông qua việc hủy bỏ hơn 2,7 triệu cổ phiếu quỹ chứ không phải do tình hình kinh doanh thua lỗ.

Được biết, trong thời gian niêm yết ở HOSE, Thủy sản Mekong chịu khá nhiều áp lực về việc nâng cao hiệu quả kinh doanh để duy trì và tăng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Việc tạm hủy niêm yết sẽ là bước đệm để Thủy sản Mekong tái cơ cấu, tạm hủy niêm yết chờ cơ hội tái xuất như nhiều doanh nghiệp vẫn thường thực hiện.

Không ngoại lệ, gần 6,2 triệu cp của CTCP Khoáng sản và Xi măng Cần Thơ (Mã: CCM) cũng hủy niêm yết tự nguyên trên HNX kể từ ngày 29/6. Lý do được đưa ra là nhằm tập trung việc tái cơ cấu doanh nghiệp, tập trung phát triển sản xuất kinh doanh.

doanh nghiep huy niem yet moi nguoi mot ly do

Hủy niêm yết tự nguyện có phải là phương án tốt?

Câu chuyện hủy niêm yết không phải là chuyện mới đặc biệt đối với những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ và vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin.

Có không ít doanh nghiệp kinh doanh không đến nỗi tệ nhưng vẫn muốn rời sàn niêm yết. Nguyên nhân là do thanh khoản cổ phiếu thấp, áp lực phải nâng cao hiệu quả kinh doanh để duy trì và tăng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Bên cạnh đó, những rào cản về pháp lý khi lên sàn đã khiến doanh nghiệp chùn bước như trường hợp của CTCP Hóa Dược phẩm Mekophar (Mã: MKP), công ty đầu tiên hủy niêm yết trên HOSE không phải vì kinh doanh thua lỗ hay vi phạm quy chế. Vấn đề mà Mekophar gặp phải là do công ty đã không bổ sung ngành bán buôn dược phẩm trước khi niêm yết như các công ty dược khác. Đến khi lên sàn, luật chồng chéo luật đã khiến việc tưởng nhỏ lại trở nên không thể thực hiện được.

Và người chịu thiệt thòi nhất khi hủy niêm yết luôn là cổ đông, đặc biệt là cổ đông nhỏ lẻ. Những vấn đề về giá cổ phiếu, cổ tức sau khi rời sàn luôn làm các cổ đông phải lo lắng sau khi nhận thông báo có kế hoạch hủy niêm yết.

Mặt khác, việc hủy niêm yết tự nguyện đồng nghĩa với việc doanh nghiệp mất đi một kênh huy động vốn quan trọng.

Thêm vào đó việc hủy niêm yết trong quá khứ sẽ là một trở ngại lớn nếu muốn hợp tác với các đối tác nước ngoài vì các đối tác này thường rất ngại sự thiếu minh bạch thông tin sau hủy niêm yết.

Khi có ý định quay lại, các doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn như thanh khoản, vốn điều lệ, kết quả kinh doanh ...như một doanh nghiệp niêm yết bình thường. Đó là chưa nói đến việc doanh nghiệp phải làm lại tất cả thủ tục niêm yết và tốn kém thêm một khoản phí tư vấn.

Xem thêm

Minh Anh