Doanh nghiệp hủy niêm yết: Người tự nguyện, người vì bết bát
Kinh doanh bết bát, công ty nuôi heo lớn nhất Hà Tĩnh sắp bị hủy niêm yết |
Những doanh nghiệp hủy niêm yết bắt buộc trong 5 tháng đầu năm 2018 (HL tổng hợp) |
5 tháng đầu năm 2018, có 9 doanh nghiệp hủy niêm yết theo quy định tại Điều 6, Nghị định số 58/2012/NĐ-CP với kết quả kinh doanh thua lỗ ba năm liên tiếp, lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ hoặc kiểm toán đưa ý kiến từ chối với BCTC. Mỗi doanh nghiệp hủy niêm yết là một câu chuyện riêng.
Rời sàn và bán mình cho “chủ nợ”
CTCP Sông Đà 7 (Mã: SD7) thua lỗ ba năm liên tiếp (2015, 2016, 2017). Theo văn bản giải trình của doanh nghiệp gửi HNX, chi phí lãi vay là một nguyên nhân dẫn đến kết quả kinh doanh thua lỗ. Năm 2015, công ty lỗ 14,5 tỷ đồng, trong khi chi phí lãi vay là 72,13 tỷ đồng. Chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp tiếp tục tăng lên đến 214,7 tỷ đồng năm 2016.
Kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp bị hủy niêm yết (HL tổng hợp) |
Tại thời điểm 31/12/2017, CTCP LILAMA 45.4 (Mã: L44) có khoản lỗ lũy kế lên đến 138 tỷ đồng, bằng 3,5 lần vốn điều lệ của doanh nghiệp. Đáng chú ý, LILAMA 45.4 còn nợ Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) số tiền 142 tỷ đồng, trong đó 126,9 tỷ đồng nợ gốc và 15,1 tỷ đồng lãi. Theo phương án tái cơ cấu tài chính công ty, DATC sẽ thu 45 tỷ đồng, chuyển nợ thành vốn góp 22 tỷ đồng và xóa nợ 75 tỷ đồng. Như vậy, DATC sẽ nắm khoảng 35% vốn điều lệ của LILAMA 45.4.
Khoản nợ "khủng" của LILAMA 45.4. Nguồn: BCTC |
Vỡ “mộng làm giàu”
Giai đoạn thị trường bất động sản bùng nổ, CTCP Đầu tư và Thương mại Dầu khí Nghệ An triển khai một loạt dự án như Khu đô thị Dầu khí tại Vinh, Tòa nhà Dầu khí Nghệ An, Khu Resort và Dịch vụ tổng hợp Dầu khí… Khi thị trường sản ảm đạm và trầm lắng, các căn hộ và ăn phòng phải giảm giá bán trong khi lãi vay cao. Doanh nghiệp này bị hủy niêm yết trên HNX vì ba năm lỗ liên tiếp (2015, 2016, 2017) với khoản lỗ lũy kế đến 151 tỷ đồng tính đến 31/12/2017, lớn hơn vốn điều lệ 150 tỷ của công ty.
Cổ phiếu MLS của CTCP Chăn nuôi – Mitraco chào sàn HNX hồi tháng 12/2016. Giai đoạn 2015 – 2016, giá lợn tăng, giúp lợi nhuận Công ty tăng mạnh và đạt đỉnh kể từ khi thành lập. Năm 2017, cơn “bão giá lợn” và siêu bão số 10 đổ vào Hà Tĩnh đã cuốn đi toàn bộ vốn chủ sở hữu của công ty. Công ty báo lỗ 46 tỷ đồng, vượt quá 40 tỷ đồng vốn điều lệ.
Tự nguyện hủy niêm yết vì… quá tốn kém!
Ngày 3/5, hơn 14,1 triệu cp KHA hủy niêm yết trên HOSE và chuyển sang giao dịch UPCoM. Đây là một trong những doanh nghiệp niêm yết đầu tiên trên thị trường chứng khoán Việt Nam (19/8/2002).
Việc hủy niêm yết của công ty nhận được ý kiến trái chiều từ cổ đông. Cổ đông phán đổi cho rằng việc công ty xuống UPCoM sẽ khiến thông tin không minh bạch. Cổ đông đồng ý cho rằng duy trì niêm yết tốn chi phí lớn và quy định công bố thông tin khắt khe, rườm rà trong khi công ty không có mục đích huy động vốn. Để đảm bảo quyền lợi cho cổ đông, công ty đã mua lại từ 25-30% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết đang lưu hành để làm cổ phiếu quỹ mà không cần thực hiện việc chào mua công khai. Nguồn vốn mua lấy từ thặng dư vốn cổ phần và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Điệp khúc khắc phục “thu hồi công nợ, tái cơ cấu”
Phương án khắc phục hủy niêm yết của một số doanh nghiệp (HL tổng hợp) |
Về phương án khắc phục tình trạng niêm yết, hầu hết các doanh nghiệp đưa ra những biện pháp như thu hồi công nợ, tái cơ cấu, sắp xếp chi phí… Tuy nhiên, đang có một khoảng cách lớn giữa phương án đưa ra và kế hoạch kinh doanh. Điển hình, trường hợp Đầu tư và Thương mại Dầu khí Nghệ An, công ty không đề cập đến các khoản chi phí trong kế hoạch kinh doanh năm 2018. Chăn nuôi Mitraco đặt kế hoạch kinh doanh không có lãi trong năm nay.
Một số doanh nghiệp như BHT, SD7, SAP chưa đề cập đến phương án khắc phục tình trạng hủy niêm yết. Trong những trường hợp này, quyền lợi của các cổ đông vẫn là một dấu hỏi lớn.
Xem thêm |