Doanh nghiệp Hàn Quốc 'mách nước' cho chế biến rau quả của Việt Nam
Do đó, Việt Nam cần đầu tư vào ngành công nghệ chế biến để cho ra đời những sản phẩm bảo quan được lâu dài hơn.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng rau quả trong tháng 5 đạt gần 359 triệu USD, giảm hơn 23% so với tháng trước, tăng gần 4% so với cùng kỳ năm 2018.
5 tháng đầu năm nay, hàng rau quả xuất khẩu đạt 1,8 tỷ USD, tăng hơn 6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại Hội thảo "CPTPP: Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt" ngày 2/7, ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cho rằng Việt Nam có rất nhiều nông sản nhưng chưa có thương hiệu mạnh trên thị trường quốc tế.
Ông Hong Sun cho rằng Việt Nam cần đầu tư vào ngành công nghệ chế biến để cho ra đời những sản phẩm bảo quan được lâu dài hơn.
Để làm rõ hơn về vấn đề này, người viết có cuộc trao đổi riêng với ông Hong Sun bên lề hội thảo.
Ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam. (Ảnh: Đức Quỳnh)
Xin ông cho biết xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc đối với lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam?
Dòng đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam trung bình mỗi năm khoảng 60 - 70 tỉ USD. Tuy nhiên, tỉ trọng đầu tư vào nông nghiệp chưa nhiều. Đây được cho là lĩnh vực nhạy cảm do thường xuyên phải chịu tác động của biến đổi thời tiết, khí hậu.
Thêm vào đó, sản lượng, giá mua, giá bán cũng khó đoán. Về phía người sản xuất, người nông dân được đánh giá cần cù, khéo léo nhưng họ vẫn chưa phát huy được tiềm năng của mình. Có một số doanh nghiệp đứng ra mua sản phẩm của họ.
Tuy nhiên, họ mong muốn được một mức giá cao hơn, xứng đáng với sức lao động bỏ ra. Thế nhưng trên thực tế Việt Nam vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp chế biến gia công nông sản.
Vì vậy, chúng tôi khuyến khích các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản để xuất khẩu đi nước ngoài.
Thực tế, thời gian qua cũng có một số doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc đã đầu tư vào lĩnh vực này, như tập đoàn CJ đã mua lại một số nhà máy chế biến nông sản của Việt Nam.
Đồng thời CJ cũng xây dựng vùng trồng như ớt ở Ninh Thuận, Bình Thuận sau đó chế biến và xuất khẩu sang Hàn Quốc để làm kim chi.
Vậy dưới góc nhìn là đại diện của các doanh nghiệp Hàn Quốc, theo ông ngành chế biến rau quả Việt Nam đang yếu ở đâu?
Điểm yếu của nông sản chế biến của Việt Nam chính là mẫu mã bao bì chưa thực sự bắt mắt, công nghệ đóng gói còn thô xơ so với các nước đối thủ trong khu vực như Thái Lan, Indonesia...
Tôi lấy một ví dụ đơn giản cùng sản phẩm của Việt Nam và Thái Lan với giá tương đương. Mẫu mã bao bì của Thái Lan đẹp hơn thì người tiêu dùng chắc chắn sẽ chọn sản phẩm của họ thay vì của Việt Nam. Còn xét về chất lượng thì rất khó để phân biệt hai sản phẩm khác nhau ở đâu.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp, đa phần là vừa và nhỏ, công nghệ đóng gói còn thô sơ, dùng ghim đóng gói. Các dây chuyền, máy móc kiểm nghiệm của Hàn Quốc đều trang bị nam châm. Nếu phát hiện ghim vô tình rơi vào trong sản phẩm, đơn vị nhập khẩu sẽ phải chịu trách nhiệm dân sự đối với sức khỏe người tiêu dùng.
Điều đáng mừng là các doanh nghiệp lớn như Masan đã áp dụng những công nghệ hiện đại trong đóng gói nên những tiêu chuẩn và mẫu mã đạt được yêu cầu người tiêu dùng.
Ông có lời khuyên gì cho lĩnh vực chế biến nông sản tại Việt Nam?
Để phát triển tốt cho nông sản nói chung và nông sản chế biến nói riêng, Việt Nam cần đẩy mạnh quảng bá thương hiệu. Đơn cử như quả chuối của Việt Nam tại Hàn Quốc rất ngon nhưng vì không có thương hiệu nên giá rất rẻ.
Để làm được điều này, doanh nghiệp cần nhiều thời gian và tiền bạc để quảng bá thương hiệu trên truyền hình, báo đài.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hơn nữa việc chế biến sản phẩm hững sản phẩm tươi không có nhiều giá trị gia tăng như sản phẩm chế biến. Xoài hay một số hoa quả tươi khác không thể bảo quản trong thời gian dài nhưng sản phẩm chế biến từ các loại hoa quả này thì ngược lại.
Do đó, những mặt hàng chế biến nên chú trọng xuất khẩu, còn sản phẩm tươi thì tiêu dùng trong nước thông qua các hệ thống siêu thị. Chỉ sản xuất không rất khó phát triển nông nghiệp.
Bên cạnh đó, Chính phủ và các cơ quan chức năng Việt Nam nên tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia các hội trợ nước ngoài để tham khảo, học hỏi quy cách đóng gói của nước ngoài và các sản phẩm chế biến mới.
Bản thân sản phảm rau, củ, quả có thể chế biến thành những sản phẩm khác nhau. Nếu các doanh nghiệp không chịu ra nước ngoài học hỏi sẽ không biết được các sản phẩm mới, xu thế đóng gói hiện nay là gì.
Xin chân thành cảm ơn ông!